Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà các đối tượng như người nước ngoài, người không quốc tịch hay một số đối tượng đặc biệt khác có thể có nhu cầu nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên việc nhập quốc tịch phải đáp ứng những điều kiện và theo trình tự thủ tục nhất định. Vậy nhập quốc tịch Việt Nam: Điều kiện và thủ tục như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam:
Căn cứ Điều 19 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH quy định điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam như sau: Đối với công dân nước ngoài và người không quốc tịch muốn nhập quốc tịch Việt Nam nếu có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú. Và thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.
(2) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam
(3) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam
(4) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam, có nghĩa là có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
(5) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam
(6) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam, được chứng minh thông qua tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Ngoài ra còn một số đối tượng đặc biệt khác sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần đáp ứng một số điều kiện ở trên (biết tiếng Việt, thường trú từ 05 năm ở Việt Nam, có khả năng đảo bảo cuộc sống ở Việt Nam), đó là những đối tượng sau đây:
+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam
+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam chẳng hạn như là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như những người có tài năng vượt trội trong một số lĩnh vực như khoa học, xã hội, nghệ thuật, thể thao, giáo dục…
– Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam, tên gọi do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Nếu việc nhập quốc tịch làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam thì người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam.
2. Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam:
Căn cứ Điều 20 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH quy định hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam bao gồm có các giấy tờ sau đây:
(1) Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam
(2) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế. Giấy tờ khác có giá trị thay thế đối với người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam là giấy tờ có thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, có dán ảnh của người đó và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Trường hợp người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì cần có bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Nếu chỉ có một trong hai người cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người xin nhập quốc tịch Việt Nam thì phải có
Nếu cha hoặc mẹ đã chết hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì
(3) Bản khai lý lịch
(4) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.
(5) Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là bản sao văn bằng, chứng chỉ để chứng minh người đó đã học bằng tiếng Việt tại Việt Nam như bản sao bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ, bằng cử nhân hoặc bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp…
(6) Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam như thẻ cư trú được cơ quan có thẩm quyền cấp
(7) Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam như các giấy tờ về tài sản, thu nhập…
Những trường hợp đặc biệt được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì cũng được miễn các giấy tờ tương ứng với điều kiện được miễn.Người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam phải nộp giấy tờ sau:
+ Nếu có vợ, chồng là công dân Việt Nam thì cần chuẩn bị: Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
+ Nếu có cha, mẹ, con là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha, mẹ, con.
+ Nếu là người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì nộp giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp tương ứng.
– Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan thụ lý hồ sơ.
Căn cứ Điều 21 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH thì trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được quy định như sau:
Bước 1: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú.
Nếu hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Bước 2:
– Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
– Cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp.
– Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Bước 3:
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp.
Bước 4:
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
– Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
3. Nhập quốc tịch Việt Nam có được đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài không?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam quy định trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài như sau: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài, đó là:
(1) Người xin giữ quốc tịch có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định
(2) Người xin giữ quốc tịch có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
(3) Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
(4) Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.
(5) Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2014 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Quốc tịch Việt Nam
Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam