Điều kiện mở công ty về mảng giáo dục đào tạo? Thành lập công ty hoạt động giáo dục phải đảm bảo các điều kiện như thế nào?
Xin chào luật sư, Hiện tại tôi đang có ý định mở công ty về mảng đào tạo giáo dục, bao gồm: tổ chức lớp day thêm tại trung tâm cho các em học sinh các cấp, và gia sư dạy kèm tại nhà. Theo tôi được biết thì người thành lập công ty về mảng này phải tốt nghiệp Đại học Sư phạm, nhưng tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội. Bây giờ muốn lập công ty thì tôi có cần phải đi học để lấy bằng Sư phạm không? Và nếu như tôi học hệ Đại học tại chức thì có thể mở công ty về ngành này được không? Chân thành cám ơn Luật sư Mong được luật sư tư vấn giúp!?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp giáo dục:
“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.”
Nếu bạn không thuộc các trường hợp trên thì bạn có thể thành lập doanh nghiệp, cụ thể là trung tâm gia sư của bạn.
Bên cạnh đó, trung tâm gia sư của bạn cần phải đủ các điều kiện được quy định tại
2. Yêu cầu điều kiện về nhân sự:
“Điều 9. Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Có trình độ được đào tạo tối thiểu tương ứng với giáo viên dạy thêm theo quy định tại khoản 1, điều 8 quy định này.
2. Có đủ sức khỏe.
3. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.”
Bên cạnh đó còn có quy định:
“- Giám đốc Trung tâm: có đạo đức, phẩm chất chính trị tốt, có năng lực quản lý. Tốt nghiệp Đại học theo chuyên môn Trung tâm đăng ký, có 3 năm kinh nghiệm trở lên trong ngành Giáo dục; Tuổi đời từ 25 tuổi đến dưới 65 tuổi, không phải là công chức, viên chức ( trừ trường hợp tổ chức đứng tên thành lập Trung tâm là trường học, cơ quan, đơn vị ); Nhiệm kỳ Giám đốc Trung tâm: 5 năm.
– Phó Giám đốc: có đạo đức, phẩm chất chính trị tốt, có năng lực quản lý, tốt nghiệp Đại học – Cao đẳng theo chuyên môn Trung tâm đăng ký; Nhiệm kỳ Phó Giám đốc Trung tâm: 5 năm.”
b) Giáo viên
“Điều 8. Yêu cầu đối với người dạy thêm
1. Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.
2. Có đủ sức khoẻ.
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật; hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.
4. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
5. Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 quy định này (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).”
c) Cơ sở vật chất
“Điều 10. Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm
Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm phải đảm bảo yêu cầu quy định tại Quyết định số 1221/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ Y tế về vệ sinh trường học và Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trong đó có các yêu cầu tối thiểu:
1. Địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; ở xa những nơi phát sinh các hơi khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn; ở xa các trục đường giao thông lớn, sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở.
2. Phòng học đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên; được thông gió và đủ độ chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, phòng bệnh.
3. Kích thước bàn, ghế học sinh và bố trí bàn, ghế học sinh trong phòng học đảm bảo các yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011.
4. Bảng học được chống lóa; kích thước, màu sắc, cách treo bảng học đảm bảo các yêu cầu tại Quyết định số 1221/QĐ-BYT ngày 18/4/2000.
5. Có công trình vệ sinh và có nơi chứa rác thải hợp vệ sinh.
3. Điều kiện về chương trình giảng dạy:
a) Ngoại ngữ: Chương trình A-B-C của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chương trình tương đương được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Tin học: Chương trình A-B và Kỹ thuật viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chương trình tương đương được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Bồi dưỡng văn hóa: Theo chương trình phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chương trình khác được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Và cũng theo Luật Giáo dục 2005 sửa đổi năm 2009 quy định về bộ máy quản lý của công ty về mảng giáo dục như sau:
Bộ máy của Trung tâm gồm: Giám đốc, có thể có một phó Giám đốc, bộ phận giúp việc về giáo vụ, tài vụ, hành chính quản trị, tuỳ theo quy mô và điều kiện của Trung tâm.
– Giám đốc và phó Giám đốc (nếu có): phải là người đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động của Trung tâm, am hiểu về GD và ĐT, có năng lực quản lý. Giám đốc là người lãnh đạo cao nhất của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Sở GD và ĐT, Bộ GD và ĐT, UBND thành phố về mọi hoạt động của Trung tâm.
+ Phó giám đốc giúp Giám đốc quản lý Trung tâm, hoàn thành các chức vụ do Giám đốc phân công.
+ Giám đốc, Phó giám (nếu có) do cơ quan hoặc cá nhân xin thành lập Trung tâm đề nghị. Giám đốc Sở GD và ĐT xem xét ra quyết định công nhận.
– Giáo viên:
Giáo viên trong biên chế hoặc hợp đồng giảng dạy ở Trung tâm có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi như Luật Lao động quy định, thực hiện mọi nhiệm vụ ghi trong hợp đồng với Trung tâm, được Trung tâm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, bảo đảm an toàn về thân thể, sức khoẻ và tài sản khi làm việc tại Trung tâm.
Như vậy, bạn có thể thành lập trung tâm gia sư với tư các là giám đốc trung tâm khi bạn đã tốt nghiệp Đại học theo chuyên môn Trung tâm đăng ký, và không quy định tốt nghiệp đại học tại chức hay đại học chính quy, có 3 năm kinh nghiệm trở lên trong ngành Giáo dục, tuổi đời từ 25 tuổi đến dưới 65 tuổi, không phải là công chức, viên chức ( trừ trường hợp tổ chức đứng tên thành lập Trung tâm là trường học, cơ quan, đơn vị ), có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Nếu đầy đủ các điều kiện như trên thì bạn có thể thành lập trung tâm gia sư, tổ chức dạy thêm, học thêm với tư cách là người thành lập.
Cơ sở pháp lý:
– Luật Giáo dục 2005 sửa đổi năm 2009;
– Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT;
– Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT;
– Quyết định số 1221/QĐ-BYT.