Quy định hoạt động vận tải hàng hóa đường thủy nội địa bao gồm những quy định nào? Sau đây, Luật Dương Gia sẽ trình bày các quy định trên đến với các quý độc giả cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Hoạt động giao thông đường thủy nội địa là gì?
Hoạt động giao thông đường thủy nội địa sẽ bao gồm hoạt động của con người, của phương tiện tham gia giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; các kế hoạch, quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; các vấn đề tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa.
2. Quy định hoạt động vận tải hàng hóa đường thủy nội địa:
Căn cứ theo Điều 77 Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định:
Hoạt động vận tải đường thủy nội địa bao gồm hai hoạt động chính đó là hoạt động vận tải không kinh doanh và hoạt động vận tải kinh doanh. Theo đó, kinh doanh vận tải đường thủy nội địa là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa.
Người vận tải đường thủy nội địa chỉ được đưa phương tiện vào khai thác đúng với công dụng và vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm.
Khi hoạt động vận tải, hàng hóa phải được sắp xếp gọn gàng, chắc chắn, bảo đảm ổn định phương tiện, không che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, không ảnh hưởng đến hoạt động của thuyền viên khi làm nhiệm vụ, không gây cản trở đến hoạt động của các hệ thống lái, neo và các trang thiết bị an toàn khác; không được xếp hàng hóa vượt kích thước theo chiều ngang, chiều dọc của phương tiện.
Khi hoạt động vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa được quy định như sau:
– Về chủ phương tiện kinh doanh:
Chủ phương tiện kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba. Điều kiện, mức phí bảo hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu do Chính phủ quy định.
– Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải đường thủy nội địa:
Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải đường thủy nội địa ngoài việc thực hiện các quy định về vận tải của Luật này còn phải thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.1. Vận tải hành khách đường thủy nội địa:
Hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa bao gồm các hình thức sau đây:
Thứ nhất, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định là hoạt động vận tải có cảng, bến nơi đi, cảng, bến nơi đến và theo biểu đồ vận hành ổn định;
Thứ hai, hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến là hoạt động vận tải theo yêu cầu của hành khách trên cơ sở hợp đồng;
Thứ ba, hoạt động vận tải hành khách ngang sông là vận tải từ bờ bên này sang bờ bên kia, trừ vận tải ngang sông bằng phà.
Theo đó, người kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định hoặc vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến phải có trách nhiệm như sau
Một là, phải công bố và thực hiện đúng lịch chạy tàu hoặc thời gian vận tải, công khai cước vận tải, lập danh sách hành khách cho mỗi chuyến đi;
Hai là, người kinh doanh vận tải hành khách trong trường hợp này phải bố trí phương tiện bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Ngoài ra, thuyền trưởng, người lái phương tiện chở khách hoặc phương tiện chở chung hành khách, hàng hóa phải thực hiện các quy định sau đây:
– Trước khi khởi hành thì thuyền trưởng, người lái phương tiện chở khách hoặc phương tiện chở chung hành khách phải kiểm tra điều kiện an toàn đối với người và phương tiện. Đồng thời, phổ biến nội quy an toàn và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho hành khách; không để hành khách đứng hoặc ngồi ở các vị trí không an toàn;
– Tiếp đến là phải xếp hàng hóa, hành lý của hành khách gọn gàng, không để hàng hóa, hành lý cản lối đi. Đồng thời, yêu cầu hành khách mang theo động vật nhỏ phải nhốt trong lồng, cũi;
– Không được phép chở các loại hàng hóa dễ cháy, dễ nổ, hàng độc hại, động vật lớn chung với hành khách; không để hành khách mang theo súc vật đang bị dịch bệnh lên phương tiện;
– Khi có giông, bão xảy ra thì không được cho phương tiện rời cảng, bến, nếu phương tiện đang hành trình thì phải tìm nơi trú ẩn an toàn.
2.2. Vận tải hành khách ngang sông:
Căn cứ theo Điều 78 Luật Giao thông đường thủy nội địa, các phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Ngoài ra, thuyền trưởng, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải thực hiện các quy định sau đây:
Thứ nhất là, phải có đủ dụng cụ cứu sinh còn hạn sử dụng và bố trí đúng nơi quy định;
Thứ hai là, thuyền trưởng, , người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải hướng dẫn hành khách lên, xuống phương tiện; sắp xếp hàng hóa, hành lý; hướng dẫn hành khách vào chỗ ngồi bảo đảm ổn định phương tiện;
Thứ ba là, chỉ được cho phương tiện rời bến khi hành khách đã ngồi ổn định, hàng hóa, hành lý, xe máy, xe đạp đã xếp gọn gàng và sau khi đã kiểm tra phương tiện không chìm quá vạch dấu mớn nước an toàn;
Thứ tư là, không được chở người quá sức chở người của phương tiện, chở hàng hóa quá trọng tải quy định.
Thứ năm là, hành khách trên phương tiện phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của thuyền trưởng, người lái phương tiện.
2.3. Vận tải bằng phương tiện nhỏ:
Đối với các loại phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa, phương tiện không có động cơ có sức chở đến 12 người, khi chở người phải có đủ chỗ ngồi ổn định, an toàn và có đủ dụng cụ cứu sinh tương ứng với số người trên phương tiện; khi chở hàng hóa không được chở quá trọng tải quy định, không được xếp hàng hóa che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện, không gây mất ổn định và không làm ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện.
3. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách:
3.1. Quyền của người kinh doanh vận tải hành khách:
Người kinh doanh vận tải hành khách có quyền yêu cầu hành khách trả đủ cước phí vận tải hành khách, cước phí vận tải hành lý mang theo quá mức theo quy định của pháp luật;
Đồng thời, người kinh doanh vận tải hành khách có quyền từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời cảng, bến đối với những hành khách đã có vé nhưng có hành vi không chấp hành các quy định của người kinh doanh vận tải, làm mất trật tự công cộng gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.
3.2. Nghĩa vụ người kinh doanh vận tải hành khách:
Một là, người kinh doanh vận tải hành khách có nghĩa vụ giao vé hành khách, chứng từ thu cước phí vận tải hành lý, bao gửi cho người đã trả đủ cước phí vận tải;
Hai là, vận tải hành khách, hành lý, bao gửi từ cảng, bến nơi đi đến cảng, bến nơi đến đã ghi trên vé hoặc đúng địa điểm đã thỏa thuận theo hợp đồng; bảo đảm an toàn và đúng thời hạn;
Ba là, người kinh doanh vận tải hành khách có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho hành khách trong trường hợp vận tải bị gián đoạn do tai nạn hoặc do nguyên nhân bất khả kháng;
Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hành khách, hành lý, bao gửi khi cần thiết;
Năm là, có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho hành khách nếu không vận tải đến đúng địa điểm và thời hạn đã thỏa thuận hoặc khi có tổn thất, hư hỏng, mất mát hành lý ký gửi, bao gửi hoặc thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách do lỗi của người kinh doanh vận tải hành khách gây ra.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi năm 2014.