Ngoại hối là thuật ngữ để chỉ các phương tiện sử dụng trong giao dịch quốc tế bao gồm: ngoại tệ, công cụ thanh toán bằng ngoại tệ các loại chứng từ có giá bằng ngoại tệ.
Ngoại hối là thuật ngữ để chỉ các phương tiện sử dụng trong giao dịch quốc tế bao gồm: ngoại tệ, công cụ thanh toán bằng ngoại tệ (séc, phối phiếu, lệnh phiếu, thẻ ngân hàng, giấy chuyển ngân), các loại chứng từ có giá bằng ngoại tệ (trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, cổ phiếu), vàng, đồng tiền quốc gia (nếu đồng tiền đó được sử dụng trong thanh toán quốc tế hoặc được chuyển vào chuyển ra xuất nhập khẩu khỏi quốc gia).
Việc sử dụng ngoại hối là việc thực hiện các giao dịch bằng ngoại hối. Tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi bổ sung có quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”. Như vậy, pháp luật Việt Nam không thừa nhận việc sử dụng ngoại hối của cá nhân cư trú, không cư trú để giao dịch với nhau mà chỉ khi để giao dịch với ngân hàng, tổ chức tín dụng thì giao dịch đó mới được pháp luật thừa nhận. Tại chương IV Pháp lệnh ngoại hối đã quy định rõ các vấn đề liên quan đến việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy không có quy định cụ thể nhưng trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật mà ta có thể rút ra các điều kiện để sử dụng ngoại hối ở Việt Nam.
Thứ nhất, đối với đối tượng là cá nhân cư trú là công dân Việt Nam thì để được sử dụng ngoại tệ tại Việt Nam dưới hình thức mua ngoại tệ tiền mặt cần đảm bảo những điều kiện sau:
– Mục đích sử dụng ngoại tệ hợp pháp theo quy định tại Thông tư
+ Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của bản thân trong việc học tập, chữa bệnh tại nước ngoài;
+ Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
+ Trả các khoản phí cho nước ngoài;
+ Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
+ Chuyển tiền thừa kế cho người được hưởng thừa kế ở nước ngoài;
+ Đi định cư ở nước ngoài.
– Địa điểm mua, bán (giao dịch) phù hợp theo quy định của pháp luật:
+ Việc mua ngoại tệ: thực hiện tại các địa điểm được phép bán ngoại tệ thuộc mạng lưới tổ chức tín dụng được cấp phép;
+ Việc bán ngoại tệ: thực hiện tại các địa điểm được mua ngoại tệ thuộc mạng lưới tổ chức tín dụng được cấp phép và các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được cấp phép.
– Loại hình ngoại tệ được giao dịch:
+ Đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến;
+ Trường hợp không có đồng tiền nơi công dân đến thì thực hiện bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác.
– Hạn mức giao dịch: 100 USD/người/ngày với thời hạn lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày.
Thứ hai, đối với đối tượng là cá nhân cư trú không phải là công dân Việt Nam (cá nhân nước ngoài) thì điều kiện được phép sử dụng ngoại tệ đó là:
– Mục đích sử dụng:
+ Cá nhân nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt để thực hiện việc chuyển tiền về quê hương.
+ Mở tài khoản sử dụng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép.
-Địa điểm giao dịch: tổ chức tín dụng được cấp phép và Đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
-Loại hình được giao dịch: đồng Việt Nam, ngoại tệ của nước người nước ngoài có quốc tịch.
Thứ ba, đối với đối tượng cá nhân là người không cư trú:
– Mục đích sử dụng: người không cư trú là cá nhân khi nhập cảnh mang theo ngoại tệ là tiền mặt được mở tài khoản ngoại tệ bằng tiền đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ.
– Địa điểm giao dịch: tổ chức tín dụng được cấp phép và Đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Loại hình được giao dịch: đồng Việt Nam, ngoại tệ của nước người nước ngoài có quốc tịch.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ tư, đối với tổ chức Việt Nam thì điều kiện được sử dụng ngoại hối đó là:
– Mục đích sử dụng:
+ Thanh toán tiền hàng hóa , dịch vụ cho nước ngoài .
+ Thanh toán ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cho bên nhận ủy thác xuất nhập khẩu.
+ Hoàn trả tiền bồi thường liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
+ Chuyển tiền đặt cọc để đấu thầu ở nước ngoài.
+ Nộp tiền hội viên cho các tổ chức quốc tế, các khoản phí đăng ký cho các cuộc họp quốc tế.
+ Trả các khoản phí liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Văn phòng đại diện nứơc ngoài.
+ Trả các khoản phí liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký bản quyền ứng dụng đối với bằng phát minh , sáng chế , các dịch vụ tư vấn.
+ Trả các khoản phí liên quan đến việc cử cá nhân làm việc trong tổ chức ra nước ngoài công tác , học tập , khảo sát , hội thảo…
+ Chuyển trả nợ gốc, lãi , và phí đối với các khoản vay nước ngoài.
+ Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.
+ Trả nợ vay ngoại tệ tại chi nhánh Ngân hàng nhà nước.
+ Trả nợ vay, lãi , phí trong nước tại các ngân hàng thương mại khác để đặt quan hệ mua bán với Ngân hàng Nhà nước.
+ Chi trả các khoản hợp pháp khác ra nước ngoài.
Thứ năm, đối với đối tượng là người không cư trú là tổ chức thì được phép sử dụng ngoại hối trong các trường hợp liên quan đến đầu tư, tổ chức hoạt động chứng khoán.