Điều kiện có hiệu lực của thoả thuận trọng tài thương mại? Tính độc lập của thoả thuận trọng tài thương mại? Các lưu ý khi soạn thảo thoả thuận trọng tài thương mại?
Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài có liên quan chặt chẽ đến các điều kiện luật định về năng lực chủ thể tham gia thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền của trọng tài, ý chí tự nguyện của các chủ thể và hình thức của thỏa thuận trọng tài, chỉ khi một thỏa thuận trọng tài đáp ứng đủ các điều kiện trên theo luật định thì nó mới có hiệu lực.
Thứ nhất, điều kiện về năng lực chủ thể: người tham gia kí kết thỏa thuận trọng tài phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Có thể nói năng lực chủ thể là vấn đề đầu tiên mà các bên cần quan tâm khi tiến hành đàm phán thỏa thuận trọng tài vì nếu một bên không có năng lực chủ thể sẽ khiến điều khoản này vô hiệu.
Thứ hai, điều kiện về thẩm quyền của trọng tài: mặc dù phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nhiều ưu điểm và ngày càng đóng vai trò quan trọng nhưng không phải mọi tranh chấp đều có thể giải quyết được bằng trọng tài, ngay cả khi giữa các bên tranh chấp thỏa mãn điều kiện về sự tự nguyện. Đó là khi pháp luật nơi diễn ra trọng tài không cho phép giải quyết loại tranh chấp đó thông qua hình thức trọng tài.
Thứ ba, về điều kiện ý chí tự nguyện của chủ thể: dựa trên cơ sở thống nhất ý chí, các bên thỏa thuận về các yếu tố liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp: tổ chức trọng tài, hình thức trọng tài, ngôn ngữ, địa điểm và các nội dung khác phù hợp với lợi ích của các bên. “Thỏa thuận trọng tài sẽ không có giá trị pháp lý nếu nó không phải là kết quả của sự thống nhất ý chí giữa các chủ thể hoặc là sự áp đặt ý chí của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào”
Thứ tư, điều kiện về hình thức của thỏa thuận trọng tài: đây là một điều kiện cơ bản của thỏa thuận trọng tài, nó là sự thể hiện ra bên ngoài sự thống nhất ý chí của các bên tham gia quan hệ thương mại. Luật trọng tài 2010 nước ta quy định thỏa thuận trọng tài phải được thể hiện dưới dạng văn bản, nó tạo ra sự tin tưởng giữa các bên, đồng thời là cơ sở ràng buộc trách nhiệm của các bên khi tranh chấp xảy ra.
Luật sư tư vấn pháp luật thương mại trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài
Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài độc lập với hiệu lực của hợp đồng chính:
Điều 19 LTTTM 2010 quy định về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài: “Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài”. “Việc quy định thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng bởi đây là hai loại thỏa thuận có đối tượng pháp lý hoàn toàn khác nhau, điều khoản trọng tài xác định thủ tục tố tụng sẽ được áp dụng trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa các bên, còn hợp đồng chính quy định quyền và nghĩa vụ của các bên. Nói cách khác, việc vô hiệu của hợp đồng chính không thể ảnh hưởng đến tiền trình tố tụng bằng trọng tài. Vì vậy, việc xác định điều khoản trọng tài độc lập với hợp đồng chính có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là cơ sở duy nhất để thành lập Hội đồng trọng tài thể hiện đúng ý chí của các bên về việc lựa chọn trọng tài giải quyết vụ tranh chấp
Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài đối với các chủ thể có liên quan:
Thứ nhất, đối với cơ quan trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp: Điều 43 LTTTM 2010 đã thể hiện nguyên tắc thẩm quyền của thẩm quyền cho phép hội đồng trọng tài thực hiện thẩm quyền của mình ngay cả đối với sự tồn tại hoặc hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Mục đích của nguyên tắc này chính là đảm bảo các tranh chấp đều được xem xét và giải quyết. Theo đó, thẩm quyền của hội đồng trọng tài vẫn giữ nguyên mặc dù hợp đồng vô hiệu. Trong trường hợp hội đồng trọng tài cho rằng hợp đồng mà trong đó có thỏa thuận trọng tài là không tồn tại hoặc vô hiệu thì thỏa thuận trọng tài vẫn tồn tại và có hiệu lực. Vì vậy hội đồng trọng tài vẫn có thẩm quyền quyết định về nghĩa vụ tương ứng của các bên và giải quyết khiếu kiện yêu cầu của họ, mặc dù hợp đồng có thể không tồn tại hoặc vô hiệu.
Thứ hai, hiệu lực của thỏa thuận trọng tài đối với tòa án: Điều 6 LTTTM 2010 đã quy định về việc Tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Quy định này thể hiện rõ ràng thái độ của nhà nước đối với thỏa thuận trọng tài và là một đảm bảo mạnh mẽ từ phía nhà nước để thỏa thuận trọng tài được các bên tôn trọng. Việc Tòa án không được thụ lý vụ kiện tranh chấp khi các bên đã có thỏa thuận trọng tài là để khẳng định thẩm quyền của trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được”
Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài khi có sự thay đổi của một bên:
Sau khi thỏa thuận trọng tài được xác lập, có thể có những thay đổi của một bên, trong trường hợp này tại Điều 5 LTTTM 2010 quy định thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực, cụ thể:
+ Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
+ Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
2. Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài thương mại quốc tế
Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài là một nguyên tắc được công nhận phổ biến của trọng tài quốc tế và được cụ thể hóa trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Thỏa thuận trọng tài có thể lập thành văn bản riêng rẽ hoặc có thể là một điều khoản trong hợp đồng. Khi tồn tại dưới dạng một văn bản riêng rẽ thì sự độc lập của thỏa thuận trọng tài là đương nhiên. Còn đối với thỏa thuận trọng tài tồn tại dưới dạng điều khoản trọng tài mặc dù là một bộ phận của hợp đồng song xét về mối quan hệ pháp lý thì điều khoản trọng tài vẫn được coi là độc lập với hợp đồng chứa nó. Sự vô hiệu của hợp đồng chính không tự động làm vô hiệu điều khoản trọng tài. Sở dĩ như vậy là vì không phải lúc nào điều nguyên nhân làm cho hợp đồng chính vô hiệu không phải bao giờ cũng trùng với nguyên nhân làm cho điều khoản trọng tài vô hiệu, chẳng hạn như các trường hợp bất khả kháng kéo dài khiến hợp đồng không thể thực hiện được, các bên chấm dứt hợp đồng nhưng điều khoản trọng tài vẫn còn hiệu lực để có thể thành lập tổ chức trọng tài, xem xét hậu quả pháp lý và nghĩa vụ của các bên.
Về lý thuyết, có quy định về tính độc lập như vậy của điều khoản trọng tài thì mới có cơ sở pháp lý để đưa những tranh chấp của các bên ra trọng tài. Pháp luật của nhiều nước cũng như Công ước New York 1958 quy định khi giữa các bên đã có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án sẽ không thụ lý vụ kiện mà chuyển đến cho trọng tài xét xử trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể tiến hành được. Trong trường hợp giữa các bên đã có thỏa thuận trọng tài thì tòa án không thể xem xét vấn đề hiệu lực của hợp đồng trước khi xem xét sự vô hiệu hoặc không thể thực hiện được của thỏa thuận trọng tài căn cứ theo quy định của pháp luật. Như vậy, quan điểm chung của pháp luật trọng tài các nước đều thừa nhận tính độc lập của điều khoản trọng tài đối với hợp đồng chính. Hợp đồng có thể bị vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn phần nhưng đều không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của điều khoản trọng tài, sự vô hiệu của hợp đồng không tự động kéo theo sự vô hiệu của điều khoản trọng tài. Pháp luật Việt Nam cũng có quy định cụ thể về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài tại Điều 19 Luật trọng tài thương mại năm 2010.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự vô hiệu của hợp đồng chính sẽ làm cho điều khoản trọng tài cũng trở nên vô hiệu trong trường hợp nguyên nhân làm hợp đồng chính vô hiệu cũng là nguyên nhân làm cho điều khoản trọng tài vô hiệu. Ví dụ: Trường hợp chủ thế ký kết hợp đồng không đủ năng lực hành vi dân sự để ký kết hợp đồng và do vậy cũng không đủ năng lực hành vi ký kết điều khoản trọng tài. Mặc dù vậy, ở đây chỉ là sự trùng hợp về nguyên nhân làm cho hợp đồng chính vô hiệu và điều khoản trọng tài vô hiệu chứ không phải sự vô hiệu của hợp đồng kéo theo sự vô hiệu của điều khoản trọng tài.
Ví dụ: Trong hợp đồng thương mại được ký kết giữa Công ty TNHH A ở Việt Nam và Công ty cổ phần B ở Mỹ có điều khoản giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài. Đại diện của công ty TNHH A không có thẩm quyền ký kết, do đó dẫn đền hợp đồng bị vô hiệu. Người ký kết hợp đồng cũng chính là người ký kết thỏa thuận trọng tài, bởi vậy thỏa thuận trọng tài cũng bị vô hiệu. Tuy nhiên, trường hợp thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu này không phải là vì hợp đồng vô hiệu theo Điều 127 “Bộ luật dân sự 2015” mà thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu theo quy định tại Điều 18
3. Những điểm cần lưu ý khi soạn thảo thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài là “nền móng” của tố tụng trọng tài. Đây là yếu tố không thể thiếu giữa các bên nếu muốn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Nói cách khác, sẽ không có Trọng tài nếu không có Thỏa thuận trọng tài.
Từ thực tiễn hoạt động trọng tài, các chuyên gia đã đúc kết được những điểm quan trọng cần lưu ý khi soạn thảo điều khoản trọng tài như sau:
Đơn giản và chính xác
Hai nguyên tắc cơ bản mà bất kỳ người soạn thảo điều khoản trọng tài nào cũng nên biết là tính đơn giản và tính chính xác. Cụ thể là đơn giản trong soạn thảo và chính xác khi tập hợp các nội dung để đưa vào điều khoản. Theo đó, điều khoản trọng tài nên quy định khái quát tối đa các tranh chấp không chỉ liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, mà còn cả những vấn đề về sự tồn tại, hiệu lực của hợp đồng, vi phạm và chấm dứt hợp đồng và các hệ quả tài chính của hợp đồng. Cách diễn đạt sau đây có thể là thích hợp: “Tất cả các tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan tới hợp đồng này …”.
Hình thức trọng tài
Khi soạn thảo điều khoản trọng tài, các bên cần cân nhắc các điều kiện về tài chính, sự thuận tiện hay bản chất của tranh chấp sẽ phát sinh để lựa chọn một hình thức trọng tài phù hợp. Thông thường, có hai hình thức trọng tài là Trọng tài vụ việc và Trọng tài quy chế.
Số lượng Trọng tài viên
Vấn đề số lượng Trọng tài viên cũng cần được cân nhắc khi soạn thảo điều khoản trọng tài. Các bên cần thỏa thuận tranh chấp sẽ được giải quyết bởi 1 hay 3 Trọng tài viên. Thông thường, Hội đồng trọng tài gồm 3 Trọng tài viên sẽ tốn kém chi phí hơn Hội đồng Trọng tài gồm 1 Trọng tài viên. Tuy nhiên, cũng có tổ chức trọng tài, ví dụ như Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam áp dụng một Biểu phí trọng tài thống nhất, không có sự phân biệt mức phí khi có 1 hoặc 3 Trọng tài viên. Vì vậy, các bên cần tham khảo, cân nhắc Biểu phí trọng tài của một số tổ chức trước khi có quyết định về số lượng Trọng tài viên.
Ngoài ra, các bên cũng có thể thỏa thuận thêm về một số tiêu chuẩn cụ thể của Trọng tài viên (ví dụ: trình độ chuyên môn, thâm niên nghề nghiệp, tính độc lập….), khả năng sử dụng ngôn ngữ (thường là ngoại ngữ) và quốc tịch Trọng tài viên để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp được trung lập, khách quan và hiệu quả.
Nếu các bên không thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên, các quy tắc tố tụng trọng tài của hầu hết các tổ chức trọng tài thường trực sẽ có quy định về vấn đề này: Ví dụ, theo Quy tắc tố tụng trọng tài của các tổ chức trọng tài như Tòa án Trọng tài thuộc Phòng Thương mại quốc tế, Viện Trọng tài Stockholm Thụy Điển, Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore, số lượng Trọng tài viên là 1 người, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Hoặc theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) hoặc Quy tắc tố tụng trọng tài của UNCITRAL, nếu các bên không có thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.
Địa điểm tiến hành trọng tài
Việc quyết định địa điểm tiến hành trọng tài ở đâu tùy thuộc vào khả năng đàm phán của mỗi bên. Trong trường hợp không đạt được việc lựa chọn địa điểm trọng tài tại quốc gia mình và phải lựa chọn địa điểm trọng tài tại quốc gia khác, các bên cần cân nhắc kỹ xem pháp luật nơi tiến hành trọng tài có hoàn thiện không, phạm vi và vai trò của các Tòa án liên quan đến tố tụng trọng tài như thế nào, ủng hộ hay phản đối trọng tài. Tốt nhất nên chọn địa điểm tiến hành trọng tài tại quốc gia đã thông qua Luật Trọng tài Thương mại quốc tế Mẫu UNCITRAL (Luật Mẫu) vì Luật Mẫu được coi là “tiêu chuẩn vàng” về trọng tài thương mại quốc tế. Khi đó, các bên hoàn toàn yên tâm.
Một vấn đề cần đặc biệt chú ý tới việc xác định nơi tiến hành trọng tài là khả năng thi hành quyết định trọng tài. Các bên cần kiểm tra xem quốc gia được chọn xét làm nơi diễn ra quá trình xét xử trọng tài đã phê chuẩn Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài hay chưa.
Luật áp dụng cho nội dung vụ tranh chấp
Luật áp dụng sẽ xác định giá trị pháp lý của các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Khi thực hiện hợp đồng, các bên cần phải biết luật nào áp dụng cho hợp đồng bởi các điều khoản hợp đồng không phải lúc nào cũng quy định đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tương ứng của các bên. Các bên cũng cần lưu ý rằng luật điều chỉnh nội dung hợp đồng có thể khác với luật điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài. Thông thường luật điều chỉnh quá trình tố tụng trọng tài là luật nơi tiến hành trọng tài.
Trong thương mại quốc tế, luật áp dụng hoàn toàn do các bên tự do lựa chọn. Tùy theo khả năng đàm phán, luật áp dụng có thể là luật của quốc gia của một bên, ví dụ như luật của nước bên bán hoặc bên mua hoặc là luật của một nước trung lập. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định luật phù hợp nhất với quan hệ hợp đồng.
Ngôn ngữ trọng tài
Luật trọng tài của hầu hết các quốc gia và các quy tắc của các tổ chức trọng tài thường trực tôn trọng quyền tự do của các bên khi chọn ngôn ngữ trọng tài, ngoại trừ một vài tiếng địa phương không phổ biến. Vì vậy, tốt hơn hết là nên theo thông lệ chung: ngôn ngữ dùng trong xét xử trọng là ngôn ngữ thường được các bên sử dụng trong liên lạc với nhau và là ngôn ngữ được dùng trong quá trình đàm phán và soạn thảo hợp đồng.
Ví dụ: Điều khoản trọng tài mẫu:
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài … theo Quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này”. Ngoài ra, các bên có thể bổ sung các nội dung sau :
a) Số lượng trọng tài viên là (1 hoặc 3) …
b) Địa điểm tiến hành trọng tài tại …
c) Luật áp dụng cho hợp đồng này là luật của …
d) Ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là …
4. Vấn đề có hiệu lực của thỏa thuận trọng tài
Căn cứ điều 18, Luật trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 (sau đây gọi là Luật trọng tài thương mại 2010), thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu trong trường hợp sau:
Thứ nhất, tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài
Các tranh chấp thuộc thẩm quyền Trọng tài bao gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài (quy định tại điều 2, Luật trọng tài thương mại 2010)
Thứ hai, người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Cụ thể là người xác lập thỏa thuận trọng tài có phải là người đại diện theo pháp luật hoặc là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng có vượt quá phạm vi được ủy quyền hay không.
Thứ ba, người xác lập thoả thuận trọng tài không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
Những đối tượng này bao gồm người không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự và mất năng lực hành vi dân sự.
Trường hợp khi xác lập thỏa thuân, người xác lập có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự nhưng sau đó mất năng lực hành vi dân sư thoả thuận Trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. (Quy định tại điều 5, Luật trọng tài thương mại 2010)
Thứ tư, hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định.
Theo quy định tại Điều 16, Luật Trọng tài thương mại 2010 thỏa thuận trọng tài phải được xác lập thành văn bản. Do đó, những hình thức thỏa thuận trọng tài bằng các hình thức khác ngoài văn bản đều được coi là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ năm, một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
Trường hợp các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong xác lập thỏa thuận trọng tài nhưng không yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì thỏa thuận đó vẫn có hiệu lực.
Thứ sáu, thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật
Như vậy, khi rơi vào sáu trường hợp trên thì thỏa thuận trọng tại sẽ vô hiệu. Khi thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu thì Trọng tài từ chối thụ lý yêu cầu giải quyết của các bên, tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
5. Thoả thuận trọng tài có độc lập với hợp đồng lao động ký kết giữa các bên
Thoả thuận trọng tài có độc lập với hợp đồng lao động ký kết với các bên.
Căn cứ Quyết định số 744-TTg ngày 08 tháng 10 năm 1996 về thành lập hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh để thực hiện việc hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của Bộ Luật lao động như sau:
Điều 1. Thành lập Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) để hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể.
Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ hoà giải, giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh sau khi Hội đồng giải hoà lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp huyện) hoà giải không thành.
Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh tổ chức việc hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo các nguyên tắc quy định của Bộ luật lao động về hoà giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể.
Theo đó
Luật sư
Điều 169 Bộ Luật Lao động quy định:
Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
1. Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động;
2. Hội đồng trọng tài lao động.
Khoản 2 Điều 170 cũng quy định:
2. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 165a của Bộ luật này mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết đối với trường hợp tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Như vậy, Thoả thuận trọng tài độc lập với hợp đồng lao động ký kết với các bên. Và được thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể bởi Hội đồng trọng tài lao động chỉ có quyền hạn giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được quy định rõ tại Điều 169 “Bộ luật lao động 2019”