Chỉ khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội thì hành vi của những chủ thể mới có thể bị đặt trước nhu cầu cần phải được điều chỉnh. Vậy điều chỉnh quan hệ xã hội là gì? Công cụ điều chỉnh xã hội?
Mục lục bài viết
1. Điều chỉnh quan hệ xã hội là gì?
Điều chỉnh là một thuật ngữ Hán Việt, trong đó, “điều” chỉ sự cân nhắc, thêm, bớt làm cho phù hợp, còn “chỉnh” là sửa đổi, uốn nắn, làm cho ngay ngắn. Trong từ điển Tiếng Việt giải thích, điều chỉnh là “sửa đổi, sắp xếp lại ít nhiều cho đúng hơn, cân đối hơn”.
Điều chỉnh quan hệ xã hội là sử dụng những công cụ tác động lên các quan hệ xã hội, làm cho chúng thay đổi và phát triển theo các mục đích, định hướng nhất định, nhằm duy trì và bảo vệ trật tự xã hội. Bản chất của mối quan hệ xã hội chính là sự tác động qua lại giữa các bên chủ thể quan hệ xã hội đó. Trong những mối quan hệ xã hội, các bên chủ thể tác động lẫn nhau thông qua các hành vi của mình. Chính vì vậy, điều chỉnh quan hệ xã hội thực chất là điều chỉnh hành vi của các chủ thể có tham gia quan hệ xã hội đó, làm thay đổi hành vi của họ, trong đó các hành vi có ích cho xã hội sẽ được bảo vệ và tạo điều kiện phát triển, ngược lại các hành vi có hại cho cộng đồng sẽ bị ngăn chặn, loại trừ. Khi tham gia vào những mối quan hệ xã hội thì mỗi một hành vi của người này đều có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác cũng như của cả cộng đồng. Trong điều kiện đó, để đảm bảo được lợi ích của mỗi thành viên cũng như sự ổn định, trật tự của xã hội, đòi hỏi xử sự của mỗi một người trong các mối quan hệ xã hội phải dựa trên các chuẩn mực nhất định, theo những khuôn mẫu nhất định. Nói cách khác, thì chỉ khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội thì hành vi của những chủ thể mới có thể bị đặt trước nhu cầu cần phải được điều chỉnh.
2. Công cụ điều chỉnh xã hội:
Công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội là những loại quy phạm xã hội. Chúng được coi là khuôn mẫu, mô hình, chuẩn mực cho hành vi ứng xử của những chủ thể khi họ tham gia vào những mối quan hệ xã hội nhất định. Nói một cách khác, các mối quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng cách xác định về cách thức xử sự cho các chủ thể quan hệ xã hội đó, quy định về quyền, nghĩa vụ cho họ, quy định cho họ những việc được làm, nên làm, cần phải làm hay không được làm…
Các quan hệ xã hội rất phong phú, đa dạng và phức tạp, bởi vậy, để điều chỉnh chúng một cách có hiệu quả thì cần phải có nhiều công cụ khác nhau, bao gồm có pháp luật (thể chế quan phương), đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo hay lệ làng, hương ước, luật tục, quy định của các tổ chức xã hội… Các công cụ này vừa có sự độc lập lại vừa có sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau, hợp thành hệ thống công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Cụ thể:
2.1. Pháp luật:
– Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung cùng với “các nguyên tắc, định hướng, mục đích pháp luật”, do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
– Pháp luật được xem xét cả từ “đầu vào, đầu ra, cả pháp luật ở trạng thái tĩnh và trạng thái động”, theo đó, có thể hiểu pháp luật tồn tại và phát triển ở trên cả ba lĩnh vực: “hệ thống quy phạm pháp luật, tư tưởng pháp luật, ý thức pháp luật và văn hoá pháp luật, thực tiễn pháp luật.
– Theo cách tiếp cận này, pháp luật được hiểu rất rộng, đó không chỉ là hệ thống pháp luật thực định mà nó còn được nhận thức cả trên bình diện tư tưởng pháp luật, cả trên bình diện thực tiễn thực hiện pháp luật.
2.2. Đạo đức:
– Trong đời sống hàng ngày, đạo đức thường được đồng nhất với ý thức đạo đức cá nhân, đó là đức hạnh và phẩm hạnh của con người, những nét đẹp và nét tốt, những “phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức xã hội mà có”.
– Trong khoa học, trước hết, đạo đức được hiểu là tổng thể các quan niệm, quan điểm về chân, thiện, mỹ, nghĩa vụ, danh dự… (trong đó cốt lõi đó là điều thiện) cùng với những quy tắc xử sự được hình thành trên cơ sở các quan niệm, quan điểm đó nhằm điều chỉnh hành vi, ứng xử của con người.
2.3. Phong tục, tập quán:
– Phong tục, tập quán là loại quy phạm xã hội rất gần gũi với con người. Trong đó, “phong tục” chính là thói quen phổ biến đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo. “Tập quán” cũng là một thói quen, đó là những cách ứng xử đã trở nên quen thuộc, khó thay đổi, thành nếp ở trong đời sống xã hội được mọi người công nhận và làm theo.
– Mặc dù được biểu đạt bằng hai khái niệm khác nhau nhưng thực chất phong tục hay tập quán cũng đều chỉ chung thói quen xử sự, chính vì vậy, trong đời sống hàng ngày thường sẽ không có sự phân biệt phong tục với tập quán, chúng thường được gọi chung là phong tục tập quán
– Phong tục tập của con người, chúng được thực hiện bởi lương tâm, tình cảm cá nhân và sức mạnh của dư luận xã hội.
2.4. Hương ước:
– Hương ước tồn tại ở nhiều nước trên thế giới như ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á… “Hương ước” là một thuật ngữ Hán Việt, trong đó “hương” là làng quê, còn “ước” là giao kèo, thỏa thuận, quy ước, “hương ước” chính là những giao kèo, thỏa thuận, quy ước của cộng đồng thôn, làng, hay nói cách khác, hương ước là tổng thể những quy tắc xử sự điều chỉnh các quan hệ xã hội trong phạm vi một thôn, làng.
– Hương ước có nguồn gốc từ phong tục tập quán, được hình thành dựa trên cơ sở phong tục tập quán của mỗi làng, là hình thức thành văn của quán mang tính cộng đồng, dân tộc, địa phương và vùng miền rất rõ nét.
2.5. Luật tục:
– Luật tục còn được gọi là tập quán pháp. Luật tục là một loại công cụ quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Hiện nay, nhiều xã hội, nhiều các tộc người trên thế giới vẫn tồn tại và thực hành luật tục dưới những hình thức rất đa dạng.
– Luật tục có nội dung tương đối tổng hợp, điều chỉnh một cách rộng rãi những mặt của đời sống cộng đồng, từ các quan hệ về hôn nhân, gia đình cho đến các quan hệ về sở hữu đất đai, về mua bán, trao đổi tài sản, quản lý hành chính…
– Luật tục quy định khá đa dạng các biện pháp xử lý người vi phạm, bao gồm có các biện pháp để tạ lỗi với thần linh, tạ lỗi đối với dân làng, đền bù cho người bị hại…, thậm chí kể cả biện pháp tử hình.
– Luật tục còn bao gồm cả những quy định về trình tự, thủ tục xử lý người vi phạm, theo đó mỗi khi xét xử xong, bao giờ cũng sẽ kèm một nghi lễ nhằm hoà giải, xoá bỏ tranh chấp, thù oán giữa các bên với sự chứng giám của thần linh và dân làng.
2.6. Tín điều tôn giáo:
– Tín điều tôn giáo là một khái niệm chung dùng để chỉ giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư.
– Giáo lý là lý luận, học thuyết của tôn giáo, đó là các quan niệm, quan điểm về thần linh, về đức tin…, được thể hiện ở trong hệ thống kinh sách của mỗi tôn giáo. Giáo luật (hay còn gọi luật giáo hội) là hệ thống quy tắc xử sự của một tổ chức tôn giáo để điều chỉnh những mối quan hệ trong cộng đồng tôn giáo đó. Trong những tôn giáo trên thế giới, Đạo Phật, Đạo Thiên chúa, Đạo Hồi là những tôn giáo lớn và có tổ chức chặt chẽ, có hệ thống giáo lý, giáo luật đầy đủ nhất.
– Tín ngưỡng dân gian là những quan niệm, quan điểm về thần linh, về đức tin của một cộng đồng nhất định và được lưu truyền tự nhiên trong dân gian thông qua huyền thoại, truyền thuyết, thần tích hoặc được thể hiện dưới dạng tập quán của cộng đồng.
3. Vai trò của pháp luật trong điều chỉnh xã hội:
Một là, pháp luật có phạm vi tác động rộng lớn nhất. Pháp luật do nhà nước ban hành, đồng thời nó được truyền bá và phổ biến bằng con đường chính thức thông qua hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhờ đó mà pháp luật có khả năng tác động đến mọi cá nhân, mọi tổ chức trong xã hội, tác động đến mọi vùng miền, lãnh thổ của đất nước. Ở đâu có sự hiện diện của chính quyền thì ở đó có sự tác động của pháp luật. Chính vì vậy, pháp luật có thể điều chỉnh các quan hệ xã hội trên bình diện rộng lớn trên các lĩnh vực của đời sống.
Hai là, pháp luật được đảm bảo bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước, nhờ đó nó có tính chất bắt buộc thực hiện đối với mọi người. Trong điều kiện xã hội có sự khác biệt, thậm chí là có sự mâu thuẫn về lợi ích, mọi người đều muốn cái lợi cho riêng mình thì các lời khuyên, điều răn hay những cách xử sự theo thói quen… không thể phát huy được tác dụng. Trong điều kiện đó, phải dùng những biện pháp cưỡng chế của pháp luật mới có thể thiết lập được trật tự, mới duy trì được sự ổn định của đời sống.
Ba là, pháp luật có hình thức xác định chặt chẽ nhất. Trong lịch sử, pháp luật có nhiều hình thức thể hiện, tuy nhiên ở trong xã hội hiện đại, pháp luật ngày càng có xu hướng thể hiện thành văn. Dưới hình thức này thì pháp luật có sự xác định một cách hết sức chặt chẽ. Tính xác định chặt chẽ về hình thức là một trong các ưu thế vượt trội của pháp luật so với các công cụ điều chỉnh khác.
Bốn là, pháp luật dễ thích ứng với điều kiện thực tế của đời sống xã hội. Là hình thức pháp lý của những quan hệ kinh tế xã hội, vì vậy, về cơ bản thì pháp luật quy định về vấn đề gì, quy định như thế nào, điều đó trước tiên sẽ phụ thuộc vào thực trạng của điều kiện kinh tế xã hội.