Để hung khí trong cốp xe máy thì bị xử phạt như thế nào?. Xử phạt hành vi cất giấu vũ khí. Thẩm quyền của trưởng công an xã.
Để hung khí trong cốp xe máy thì bị xử phạt như thế nào? Xử phạt hành vi cất giấu vũ khí. Thẩm quyền của trưởng công an xã.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi hành vi cất giấu vũ khí trong cốp xe máy mục đích để đánh nhau thì thẩm quyền trưởng công an xã xử phạt bao nhiêu, trình tự thủ tục xử phạt vi phạm cụ thể như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009);
2. Giải quyết vấn đề:
Hành vi cất giấu vũ khí trong cốp xe máy nhằm mục đích đánh nhau gây rối trật tự công cộng có thể coi là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hoặc trong trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, nghĩa là khi có yếu tổ cấu thành tội phạm sẽ bị coi là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) . Vì thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của hành vi, nên xét hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Hành vi này được coi là vi phạm hành chính trong lĩnh vực anh ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chủ thể thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ nhất, Về hành vi xử phạt đối vơi hành vi này, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/ NĐ- CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một số hành vi trong đó có hành vi “ Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác”.
Như vậy, hành vi cất giấu vũ khí trong cốp xe máy để đánh nhau sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 2 000 000 đồng đến 3 000 000 đồng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Thứ hai, về thẩm quyền của trưởng công an xã trong xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định tại khoản 3 Điều 66, Nghị định 167/2013/ NĐ- CP Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:
"a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, c và đ Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính."
Như vậy, trưởng công an xã có quyền phạt tối đa 2 000 000 đồng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp này. Trường hợp số tiền phạt lớn hơn, thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về trưởng công an cấp huyện.
Thứ 3, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đã được ghi nhận trong các điều khoản thuộc mục 1, chương III Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Có thể tóm tắt thủ tục xử phạt gồm các bước sau:
– Bước 1: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính.
– Bước 2: Lập biên bản xử phạt và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp xử phạt có biên bản. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục. Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp này phải lập quyết định xử phạt hành chính với các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Trong bước này, người xử phạt phải xác minh tình tiết của vụ việc, xác định giá trị tang vật để làm căn cứ quyết định mức phạt, khung hình phạt.
– Bước 3: Người có thẩm quyền xử phạt sẽ tiếp nhận việc giải trình của tổ chức, cá nhân vi phạm .
– Bước 4: Ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tổ tụng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành vi để hung khí trong cốp xe: 1900.6568
Trường hợp 2: Hành vi vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm.
Điều 233 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ . Theo đó:
"1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm."
Như vậy, tùy vào mức độ của hành vi vi phạm mà chủ thể vi phạm sẽ phải chịu những mức phạt và khung hình phạt khác nhau như những phân tích ở trên.