Đe dọa được xem là hành vi uy hiếp tinh thần người khác thông qua việc thông báo sẽ thực hiện nhiều cách thức khác nhau, mang đến bất lợi nếu không thỏa mãn một nhu cầu đòi hỏi nhất định. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì hành vi đe dọa người yêu không cho chia tay có vi phạm pháp luật hay không?
Mục lục bài viết
1. Đe dọa người yêu không cho chia tay có vi phạm không?
Về mặt bản chất, tình yêu phải được xây dựng và vun đắp dựa trên tinh thần tự nguyện, các cặp đôi cảm thấy không phù hợp thì có thể lựa chọn việc chia tay nhau một cách văn minh và bình đẳng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp không muốn chia tay nên các bên đã tiến hành hoạt động đe dọa, có nhiều trường hợp bạn trai thường xuyên làm phiền, thậm chí còn đánh đập bạn gái và hăm dọa sẽ giết/đánh nếu đòi chia tay. Tuy nhiên, hành vi đe dọa người yêu không cho chia tay (dù dưới bất kỳ hình thức nào, đe dọa về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm) cũng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, tùy từng hậu quả khác nhau mà hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn cấu thành của tội phạm.
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:
(1) Xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Có hành vi khiêu khích, xúc phạm, bôi nhọ danh dự nhân phẩm, lăng mạ, trêu ghẹo người khác trái quy định của pháp luật;
+ Tổ chức, xúi giục, lôi kéo, thuê, dụ dỗ, kích động người khác thực hiện hành vi cố tình gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, thực hiện hành vi xâm phạm danh dự nhân phẩm của người khác tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Thông báo các thông tin không đúng sự thật, thông tin giả mạo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
(2) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Thực hiện hành vi cố tình gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác tuy nhiên không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng tuy nhiên có mang theo các loại vũ khí thô sơ, mang theo các công cụ hỗ trợ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng gây ra sát thương;
+ Tiến hành hoạt động quay phim chụp ảnh, vẽ sơ đồ tại các địa điểm cấm, các khu vực cấm có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quốc phòng an ninh;
+ Tiến hành hoạt động dâm ô đối với những đối tượng là người dưới 16 tuổi tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Tiến hành hoạt động sàm sỡ hoặc quấy rối tình dục dưới bất kỳ hình thức nào, khiêu dâm hoặc kích dục tại nơi công cộng.
Như vậy có thể nói, người nào có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác theo quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất từ 2.000.000 đồng và cao nhất là 8.000.000 đồng tùy theo từng tính chất, mức độ vi phạm của hành vi. Đồng thời, tùy từng biện pháp cụ thể để có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là: Bắt buộc tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vi phạm hành chính; bắt buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh do thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn trai có hành vi hành hung người yêu với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác căn cứ theo quy định tại Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017.
Bên cạnh đó, cá nhân thực hiện hành vi đe dọa người yêu không cho chia tay nếu có căn cứ làm cho bạn gái lo sợ rằng việc đe dọa này có thể được thực hiện trên thực tế, thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đe dọa giết người căn cứ theo quy định tại Điều 133 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2015. Tùy vào từng trường hợp cụ thể và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, khi đó người phạm tội đe dọa giết người có thể bị phạt với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tóm lại, khi bị người khác đe dọa không cho chia tay thì cần phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đe dọa có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, đó có thể là đe dọa bằng lời nói hoặc đe dọa bằng hành động.
Tuy nhiên, mặc dù đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào thì cũng đều bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Cá nhân cần phải trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết để chống trả sao cho phù hợp.
2. Cần phải làm gì khi bị người yêu đe đọa không cho chia tay?
Khi bị người yêu đe dọa không cho chia tay, đó có thể là đe dọa bằng lời nói hoặc đe dọa bằng hành động, đe dọa xâm hại đến tính mạng sức khỏe hoặc danh dự nhân phẩm của mình thì cần phải có biện pháp chống trả sao cho phù hợp. Nếu trong trường hợp bị đe dọa đánh đập công khai thì cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của công an, khi đó bạn cần phải thu thập những bằng chứng, chứng cứ để có thể làm đơn tố cáo. Chắc chắn đây được xem là sự lựa chọn an toàn dành cho bạn.
Để có thể viết đơn tố cáo hành vi đe dọa người khác thì cần phải chú ý đến một số vấn đề cơ bản như sau:
-
Tại phần kính gửi, người làm đơn cần phải ghi rõ và ghi cụ thể tên của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, chủ thể có thẩm quyền giải quyết đơn trình báo tố giác hành vi đe dọa đó;
-
Người làm đơn cần phải trình bày chi tiết, cụ thể nội dung phải chính xác diễn biến của sự việc một cách khách quan theo tiến trình thời gian, nếu có người làm chứng thì cần phải nêu thông tin của người làm chứng;
-
Nếu có những tình tiết liên quan đến vụ việc xảy ra trước đó thì cần phải nêu đầy đủ để cơ quan công an nắm giữ, có thêm cơ sở trong quá trình điều tra xác minh;
-
Người làm đơn cần phải trình bày nguyện vọng của mình về các vấn đề quan tâm, mong muốn được cơ quan chức năng giải quyết. Các vấn đề sẽ được sắp xếp theo thứ tự thời gian, trình bày một cách mạch lạc và rõ ràng, các vấn đề đó đều phải liên quan trực tiếp đến vụ việc;
-
Người làm đơn cũng có thể gửi kèm thêm các loại giấy tờ, tài liệu chứng cứ đến cơ quan có thẩm quyền.
3. Đe dọa người khác trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Hành vi đe dọa người khác trên mạng xã hội là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Đối với hành vi đe dọa người khác trên mạng xã hội tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Điều luật này có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vấn đề lưu trữ, cho thuê, cung cấp, chuyển đưa, thu thập, truy cập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Truy cập, tiết lộ, sử dụng, làm gián đoạn, phá hoại trái phép, sửa đổi trái phép thông tin và hệ thống thông tin;
-
Không thực hiện đầy đủ biện pháp cần thiết để nhằm mục đích ngăn chặn việc truy cập thông tin trái phép hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của các lực lượng chức năng có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trú thông tin số;
-
Không thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của các lực lượng chức năng có thẩm quyền về vấn đề xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
-
Không đảm bảo đầy đủ bí mật thông tin của các tổ chức và thông tin của cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số, ngoại trừ trường hợp cung cấp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
-
Không thực hiện đầy đủ biện pháp quản lý, biện pháp kĩ thuật cần thiết để hướng tới mục tiêu đảm bảo thông tin cá nhân không bị đánh cắp, bị mất, bị tiết lộ, thay đổi, pháo hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng internet;
-
Thực hiện hành vi thu thập, sử dụng thông tin, xử lý thông tin của các tổ chức, cá nhân khác tuy nhiên không được sự đồng ý của cá nhân đó hoặc sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật;
-
Tiến hành hoạt động trao đổi, chuyển đưa, cung cấp, lưu giữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích đe dọa người khác, xuyên tạc, quấy rối, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của các tổ chức, danh dự nhân phẩm và uy tín của cá nhân trong xã hội.
Như vậy, hành vi đe dọa trên mạng xã hội hoàn toàn có thể bị phạt tiền lên tới 20.000.000 đồng tùy theo tính chất và mức độ vi phạm khác nhau.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm, trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì sẽ phải chịu mức phạt bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng).
THAM KHẢO THÊM: