Dấu hiệu pháp lý đặc trưng của Tội buôn bán hàng cấm tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015: Mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội buôn bán hàng cấm.
Theo khoa học pháp lý hình sự Việt Nam, xét về mặt cấu trúc, tội phạm được hợp thành bởi bốn yếu tố cơ bản sau: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan. Bốn yếu tố này hợp thành cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung, có tính đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Cũng như bất kỳ loại tội phạm nào, Tội buôn bán hàng cấm cũng được hình thành bởi bốn yếu tố: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan. Thiếu bất kỳ một yếu tố nào trong bốn yếu tố trên thì hành vi cũng không được coi là tội phạm. Do vậy, việc nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý cấu thành Tội buôn bán hàng cấm có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ bản chất pháp lý của loại tội này, xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác. Việc nghiên cứu trong phạm vi tiểu mục này không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn đảm bảo việc định tội danh và quyết định hình phạt được chính xác trong thực tiễn
Mục lục bài viết
1. Khách thể của Tội buôn bán hàng cấm:
“Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan hệ xã hội đó được luật hình sự bảo vệ”. Theo luật hình sự Việt Nam, những quan hệ xã hội được coi là khách thể bảo vệ của luật hình sự là những quan hệ xã hội được xác định trong Điều 8 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Điều 8 BLHS năm 1999.
Tội buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 190 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) là một trong những tội danh cụ thể thuộc Chương XVIII – các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Điều 155 BLHS năm 1999). Như vậy, bên cạnh xâm phạm đến những quan hệ xã hội về trật tự quản lý kinh tế, khách thể loại tội phạm này trực tiếp xâm phạm đến chế độ độc quyền quản lý một số hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, các tổ chức kinh tế, quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Trật tự quản lý kinh tế là một trong những công cụ để Nhà nước quản lý xã hội với mục đích tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và điều chỉnh các hoạt động kinh tế theo trật tự của giai cấp thống trị. Chính sách kinh tế của Nhà nước luôn có sự vận động, thay đổi cho phù hợp với cơ chế thị trường. Vì vậy việc xác định khách thể trực tiếp của Tội buôn bán hàng cấm có thể thay đổi tùy thuộc vào chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước qua từng giai đoạn.
Đối tượng của tội này là các hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; thuốc lá điếu nhập lậu; pháo nổ; thuốc bảo vệ thực vật mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên không phải tất cả các loại hàng hóa vừa nêu trên đều thuộc đối tượng của tội này. Vì hàng hóa Nhà nước cấm có nhiều loại. Trong đó có những hàng hóa tuy cũng là hàng cấm nhưng đã được quy định là đối tượng của tội phạm khác nên không còn là đối tượng của Tội buôn bán hàng cấm mà là đối tượng của các tội phạm khác quy định tại các Điều 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309, 311 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Việc xác định hàng cấm phải căn cứ vào quy định của Nhà nước tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của tình hình kinh tế – xã hội và chính sách của Nhà nước về quản lý kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể. Hiện nay, theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và các quy định chi tiết
– Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng;
– Thuốc lá điếu nhập lậu; Pháo nổ;
– Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng (như vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân; chất cháy, chất độc);
– Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;
– Các chất ma túy (45 loại) theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật Đầu tư; Các loại hóa chất (gồm 08 loại hóa chất độc), tiền chất (gồm 04 loại) và khoáng vật (01 loại) quy định tại Phụ lục 2 của Luật Đầu tư;
– Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp;
– Mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên (gồm 19 loài thực vật và 90 loài động vật) theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật Đầu tư;
– Mại dâm;
– Người, mô, bộ phận cơ thể người;
– Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
– Vật liệu nổ công nghiệp;
– Pháo hoa;
– Hàng hóa thuộc danh mục dự trữ quốc gia;
Trong số các loại hàng cấm nêu trên, một số đã được quy định là đối tượng tác động của tội phạm khác như ma túy, thuốc độc, mô, bộ phận cơ thể người… thì không còn là đối tượng tác động của Tội buôn bán hàng cấm. Do đó khi xem xét xác định hàng hóa nào là đối tượng của Tội buôn bán hàng cấm thì cũng cần phải đối chiếu với các quy định khác của BLHS xem loại hàng hóa đó có là đối tượng của tội phạm nào chưa. Nếu hàng cấm đó đã là đối tượng tác động của tội phạm khác thì không còn là đối tượng tác động của Tội buôn bán hàng cấm.
Việc xác định đúng khách thể trực tiếp cũng như xác định rõ đối tượng tác động của Tội buôn bán hàng cấm có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt, để phân biệt tội phạm với hành vi không phải là tội phạm.
2. Mặt khách quan của Tội buôn bán hàng cấm:
“Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài của tội phạm”.
Như vậy mặt khách quan của tội phạm được hiểu là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm các biểu hiện của tội phạm diễn ra tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Mặt khách quan của tội phạm được biểu hiện cụ thể thông qua hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả; các dấu hiệu khách quan gắn liền với hành vi phạm tội như: công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, địa điểm và hoàn cảnh phạm tội. Trong số những biểu hiện trên, chỉ có hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được BLHS quy định là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm.
Mặt khách quan của Tội buôn bán hàng cấm thể hiện thông qua hành vi mua hoặc bán hàng cấm dưới bất kỳ hình thức nào nhằm mục đích thu lợi như mua bán thông thường, trao đổi, thanh toán nợ bằng hàng cấm. Không đòi hỏi phải có đầy đủ hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi thì người thực hiện hành vi mua, bán cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý về Tội buôn bán hàng cấm.
Ngoài hành vi khách quan của Tội buôn bán hàng cấm nêu trên, nhà làm luật còn quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: định lượng đối với hàng cấm tùy theo loại (lít, bao, kg, giá trị), số tiền thu lợi bất chính, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn bán hàng cấm hoặc một trong các hành vi buôn lậu (Điều 188); vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195); đầu cơ (Điều 196); trốn thuế (Điều 200) hoặc đã bị kết án về một trong những tội được quy định tại các điều luật vừa liệt kê trên chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đối với yếu tố đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp vừa liệt kê thì phải chưa hết thời hạn để coi là chưa bị xử lý hành chính theo
3. Chủ thể của Tội buôn bán hàng cấm:
“Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi được luật hình sự quy định là tội phạm có năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự”.
Chủ thể của tội phạm này là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại. Quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự là quy định hoàn toàn mới, mang tính đột phá của BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) so với quy định của BLHS năm 1999. Đối với chủ thể là cá nhân thì chủ thể là con người cụ thể, đang sống và chỉ trở thành chủ thể của tội phạm nếu họ có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi mà BLHS quy định.
Theo Điều 21 BLHS thì tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là độ tuổi mà BLHS quy định người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Theo Điều 12 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội buôn bán hàng cấm.
Đối với chủ thể là pháp nhân thương mại Điều 2 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) xác định rõ chỉ pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời Điều 75 BLHS cũng quy định rõ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như sau:
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: (a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; (d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Mặt chủ quan của Tội buôn bán hàng cấm:
“Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm”.
Mặt chủ quan không tồn tại độc lập và luôn gắn liền với mặt khách quan của tội phạm. Nội dung của mặt chủ quan được thể hiện thông qua các dấu hiệu pháp lý: lỗi, động cơ phạm tội, mục đích phạm tội.
Người thực hiện hành vi buôn bán hàng cấm với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành buôn bán hàng cấm là trái pháp luật, là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện. Động cơ, mục đích của người phạm tội là vụ lợi. Luật hình sự không quy định động cơ và mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành Tội buôn bán hàng cấm. Do đó, việc xem xét động cơ và mục đích tội phạm không có ý nghĩa về định tội danh mà chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Việc nghiên cứu khái niệm và những yếu tố cấu thành Tội buôn bán hàng cấm là cơ sở để xác định và phân biệt giữa Tội buôn bán hàng cấm với các tội phạm khác hoặc các hành vi vi phạm hành chính; là cơ sở để định tội danh và quyết định hình phạt đúng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Từ đó đưa ra phương pháp phòng ngừa phù hợp, hiệu quả với loại tội này.