Các dấu hiệu định khung hình phạt của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định của Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Mục lục bài viết
- 1 1. Các dấu hiệu định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015:
- 2 2. Các dấu hiệu định khung tăng nặng quy định tại khoản 3 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015:
- 3 3. Các dấu hiệu định khung tăng nặng quy định tại khoản 4 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015:
- 4 4. Các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 5 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015:
1. Các dấu hiệu định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 :
Khoản 2 Điều 355 BLHS năm 2015 là cấu thành tội phạm tăng nặng của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 đến 13 năm tù. Khoản 2 được áp dụng khi thuộc một trong 6 trường hợp phạm tội cụ thể (6 dấu hiệu định khung tăng nặng hình phạt) sau: “a) Phạm tội có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) phạm tội 2 lần trở lên; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; e) Chiếm đoạt tiền tài sản vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”.
– Dấu hiệu “Phạm tội có tổ chức” là trường hợp đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ của những người tham gia thực hiện tội phạm, sự câu kết chặt chẽ thể hiện ở cả mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm, về mặt khách quan có người đứng ra cầm đầu việc phạm tội, có sự phân công thực hiện hành vi phạm tội, về mặt chủ quan thì những người phạm tội thống nhất ý chí phạm tội với nhau, quyết tâm phạm tội đến cùng.
– Dấu hiệu “Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm” đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP. Theo đó, “dùng thủ đoạn xảo quyệt” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng khác để chiếm đoạt tài sản hoặc che giấu tội phạm.
– Dấu hiệu: “phạm tội 02 lần trở lên”: Tương tự như các tội phạm tham nhũng khác, trong tình tiết tăng nặng của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, BLHS năm 2015 đã sửa đổi tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” thành “phạm tội 02 lần trở lên”. Tình tiết này được Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi quy định tại điều này từ 02 lần trở lên và mỗi hành vi đều cấu thành tội phạm nhưng đều chưa bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS.
Ví dụ: Ngày 15/8/2020, Nguyễn Văn A có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 10.000.000 đồng. Ngày 25/9/2021, A lại có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 20.000.000 đồng. Các hành vi phạm tội của A đều chưa bị xử lý hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và bị áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm c khoản 2.
Dấu hiệu “Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”: Đây là số tiền mà người phạm tội đã chiếm đoạt của người khác. So với quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã tăng định lượng giá trị tiền, tài sản chiếm đoạt từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.
– Dấu hiệu “Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng”: Khi xem xét TNHS người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản không chỉ chú ý đến giá trị tài sản bị chiếm đoạt mà còn phải chú ý đến tài sản bị gây thiệt hại, trong thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy nhiều trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản không lớn nhưng hành vi phạm tội lại gây thiệt hại có tính vật chất rất lớn cho cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội. Nếu tài sản bị người lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản phải căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định để định giá.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP, trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc. Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn. Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.
Mặc dù pháp luật đã có quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng song trên thực tế, việc xác định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng hiện nay cũng là một vấn đề còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản… do các công trình thi công trong nhiều năm, chưa quyết toán, dẫn đến không thực hiện giám định được.
Dấu hiệu: “Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”. Đây là dấu hiệu mới được BLHS năm 2015 bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh tội phạm trên thực tiễn. Việc chiếm đoạt tiền, tài sản trong những trường hợp này không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Đảng, Nhà nước, trái với đạo đức xã hội, tinh thần tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc ta.
Thực tiễn đấu tranh tội phạm cũng đã xử lý nhiều vụ án có tình tiết này, chẳng hạn như: Ngày 28/8/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn T về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ông Phạm Văn T, công chức phụ trách công tác lao động-thương binh và xã hội xã Ninh Vân vì đã có hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền trợ cấp xã hội, tiền mai táng phí đối tượng người có công, người tham gia kháng chiến, đối tượng bảo trợ xã hội. Số tiền chiếm đoạt là hơn 100 triệu đồng… Ngày 02/5/2018,
Trên thực tế, nội dung và phạm vi của dấu hiệu này rất rộng nên cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan tư pháp để việc áp dụng pháp luật thuận lợi hơn.
2. Các dấu hiệu định khung tăng nặng quy định tại khoản 3 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 :
Khoản 3 Điều 355 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.00 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động; d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Trong 4 dấu hiệu định khung của khoản 3 Điều 355 BLHS thì cả ba dấu hiệu: Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là dấu hiệu mới được BLHS năm 2015 quy định, đây là các dấu hiệu thay cho dấu hiệu định khung cũ: “Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” trong quy định tại Điều 280 BLHS năm 1999. Việc cụ thể hóa các dấu hiệu mang tính chất nghiêm trọng này thay cho dấu hiệu chung chung được BLHS năm 1999 quy định “Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác” là phù hợp, giúp các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật thuận lợi và thống nhất.
Các dấu hiệu “a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng” cách thức xác định tương tự như khoản 2 Điều 355.
Để các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử áp dụng pháp luật thống nhất, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP giải thích dấu hiệu này bao gồm các trường hợp: gây khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối để các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân; gây khó khăn trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặc dù đã cố gắng đưa ra những dấu hiệu cụ thể hơn song đây vẫn là những dấu hiệu mang tính định tính. Chính vì vậy, khi xem xét đánh giá dấu hiệu “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội” cần đánh giá một cách toàn diện hình hình chính trị, xã hội tại địa phương khi tội phạm xảy ra, so sánh với tình hình trước khi có hành vi phạm tội.
3. Các dấu hiệu định khung tăng nặng quy định tại khoản 4 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Khoản 4 Điều 355 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”. Hai dấu hiệu này về cách thức xác định cũng tương tự như khoản 2, chỉ khác về mức định lượng.
4. Các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 5 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Ngoài hình phạt chính được quy định tại 4 khung hình phạt theo Điều 355 BLHS năm 2015, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã tăng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền quy định tại khoản 5 lên từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (BLHS năm 1999 quy định mức phạt tiền bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng); đồng thời bổ sung quy định “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
+ Cấm đảm nhiệm chức vụ
Điều 41 BLHS quy định: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
+ Phạt tiền
Điều 35 BLHS năm 2015 quy định: Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định (khoản 2). Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng (khoản 3). Khoản 5 Điều 355 BLHS quy định người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn ngoài hình phạt chính còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
+ Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản:
Điều 45 BLHS quy định: Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Đây là hình phạt mới được bổ sung đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Điều này là hợp lý, thể hiện sự nghiêm khắc đối với các tội phạm tham nhũng cũng như thu hồi lại tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người có chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt; tuy nhiên, việc thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng được thể hiện qua quá trình thi hành án và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng phụ thuộc nhiều vào các biện pháp mà các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi tài sản sau xét xử còn gặp những khó khăn, thách thức nhất định, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng. Do vậy cần thiết phải có sự tổng kết và hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này.