Đất quốc phòng được hiểu như thế nào? Đất quốc phòng có được chuyển nhượng không? Đất quốc phòng có được xây nhà không?
Hiện nay, đất quốc phòng là đất thuộc quyền sử dụng của Bộ Quốc phòng với mục đích phục vụ nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng tại Việt Nam, tuy nhiên, thực tế xuất hiện tình trạng đất quốc phòng chuyển nhượng hay xây nhà. Vậy, đất quốc phòng được hiểu như thế nào? Đất quốc phòng có được chuyển nhượng hay xây nhà không?
Cơ sở pháp lý:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị quyết 132/2014/QH14 Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế;
–
– Thông tư 68/2017/TT-BQP Quy định và hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ trong Bộ Quốc phòng.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Đất quốc phòng được hiểu như thế nào?
Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định nào liên quan đến đất quốc phòng, tuy nhiên có thể hiểu đất quốc phòng được hiểu là đất được Nhà nước giao cho các tổ chức, đơn vị quốc phòng nhằm thực hiện mục đích quốc phòng, xây dựng phát triển kinh tế – xã hội.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật Đất đai năm 2013 chủ thể có thẩm quyền quản lý đối với đất sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh bao gồm các chủ thể sau đây:
– Đối với việc thực hiện việc quản lý nhà nước đối với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc địa bàn quản lý hành chính của địa phương thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng, an ninh không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Đất quốc phòng có được chuyển nhượng không?
Chuyển nhượng đất được hiểu là việc hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thực hiện chuyển quyền và nghĩa vụ liên của cho chủ thể khác có thể là cá nhân, tổ chức, hộ gia đình,… và việc nhận chuyển nhượng phải tiến hành thanh toán cho bên bán một khoản tiền tương ứng giá trị đất. Cần lưu ý rằng, đối tượng chuyển nhượng gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nhà ở, công trình xây dựng, vật, các quyền gắn liền với quyền sử dụng đất.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Nghị quyết 132/2020/QH14 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế như sau:
– Tiến hành trình người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
– Quyết định phê duyệt hoặc chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; phương án xử lý dự án,
– Tổ chức việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và thực hiện theo quy định sau đây:
i) Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh có giá trị kinh tế lớn thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Khu đất có giá trị kinh tế lớn là khu đất có giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên tính theo giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo mục đích sử dụng thể hiện trong quy hoạch đã được phê duyệt;
ii) Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh thì phải tiến hành bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phát triển kinh tế – xã hội và quản lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp i) nêu trên.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Nghị quyết 132/2020/QH14 quy định quyền, nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế như sau:
– Được sử dụng đất an ninh, quốc phòng và tài sản gắn liền với đất để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng phương án đã được phê duyệt;
– Được hưởng kết quả đầu tư trên đất, thành quả lao động;
– Nộp tiền sử dụng đất hằng năm;
– Không được bồi thường về tài sản và đất gắn liền với đất khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh;
– Không được tặng cho, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất; không được góp vốn, thế chấp, bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.
– Không được tặng cho, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên đất quốc phòng không được chuyển nhượng và đất quốc phòng chỉ được sử dụng vào mục đích đã được phê duyệt.
3. Đất quốc phòng có được xây nhà không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 61 Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh như sau:
– Làm trụ sở làm việc, nơi đóng quân;
– Để xây dựng các căn cứ quân sự;
– Xây dựng cảng quân sự, ga;
– Xây dựng trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; công trình phòng thủ quốc gia;
– Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;
– Làm thao trường, trường bắn, bãi hủy vũ khí, bãi thử vũ khí;
– Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;
– Xây dựng trung tâm huấn luyện, bệnh viện, cơ sở đào tạo,nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân;
– Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;
– Xây dựng cơ sở giáo dục, cơ sở giam giữ, do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định các chủ thể sử dụng đất quốc phòng như sau:
i) Người sử dụng đất đối với đất cho các đơn vị đóng quân các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là đất làm căn cứ quân sự; đất làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; đất thuộc các khu vực mà Chính phủ giao nhiệm vụ riêng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, bảo vệ và sử dụng. Trừ trường hợp tại mục iii) dưới đây.
ii) Các đơn vị trực tiếp sử dụng đất là người sử dụng đất đối với đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm ga, cảng quân sự; đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh; đất làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
iii) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an phường, thị trấn; đồn biên phòng là người sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 68/2017/TT-BQP nhà ở công vụ của Bộ Quốc phòng được hiểu là nhà ở kiểu căn nhà khép kín với mục đích trong thời gian đảm nhiệm công tác có thể dùng bố trí cho nhân viên, cán bộ đủ điều kiện được thuê ở; đây là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước và do Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên thì người sử dụng đất đối với đất thì được xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có lượng quốc phòng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 68/2017/TT-BQP nguyên tắc cơ bản về việc quy hoạch, thiết kế nhà ở công vụ như sau:
Nguyên tắc quy hoạch:
– Quy hoạch nhà ở công vụ phải được lập theo quy định và phải được cấp có thẩm quyền phê, cần lưu ý không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và sinh hoạt của bộ đội;
– Quy hoạch phải hoàn chỉnh, đồng bộ, có phân khu công năng hợp lý; chức năng rõ ràng, kết nối hạ tầng với khu dân cư của địa phương;
– Có chỉ tiêu sử dụng đất về hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình, khoảng lùi công trình đối với các trục đường, mật độ xây dựng, tỷ lệ đất trồng cây xanh, đất giao thông theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Nguyên tắc thiết kế xây dựng:
– Phải bảo đảm độ bền trong sử dụng, an toàn; kiến trúc, kết cấu nhà ở phù hợp với điều kiện tự nhiên, phòng chống thiên tai và phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan Nhà nước, Bộ Quốc phòng có thẩm quyền phê duyệt;
– Bảo đảm công năng sử dụng, các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và xử lý chất thải; tuân thủ theo tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật Nhà nước ban hành và các quy định tại Thông tư 68/2017/TT-BQP;
– Bảo đảm kết nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; thuận lợi trong quản lý sử dụng và vận hành.
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 68/2017/TT-BQP quy định về việc xây dựng nhà ở công vụ về tiêu chuẩn cũng như diện tích cụ thể như sau:
1) Đối với nhà biệt thự
Phải được thiết kế theo kiểu biệt thự đơn lập hoặc biệt thự song lập. Chiều cao tối đa không quá 3 tầng. Diện tích đất khuôn viên biệt thự không nhỏ hơn 350 m2 và không lớn hơn 500 m2; gồm 2 loại:
– Diện tích đất 450 m2 đến 500 m2, diện tích sử dụng nhà từ 300 m2 đến 350m2: Loại A
– Diện tích đất 350 m2 đến 400 m2, diện tích sử dụng nhà từ 250 m2 đến 300 m2: Loại B;
2) Nhà liền kề:
Diện tích đất không nhỏ hơn 80 m2 và không lớn hơn 150 m2; gồm 2 loại sau:
– Diện tích đất 120 m2 đến 150 m2, diện tích sử dụng nhà từ 150 m2 đến 170 m2: Loại C;
– Diện tích đất 80m2 đến 120 m2, diện tích sử dụng nhà từ 100 m2 đến 120 m2: Loại D;
3) Đối với căn hộ chung cư khu vực đô thị được thiết kế kiểu căn hộ khép kín, diện tích sử dụng mỗi căn hộ không nhỏ hơn 25 m2 và không lớn hơn 160 m2; gồm 5 loại sau:
– Diện tích sử dụng từ 140 m2 đến 160 m2: Căn hộ loại 1;
– Diện tích sử dụng từ 100 m2 đến 115 m2: Căn hộ loại 2;
– Diện tích sử dụng từ 80 m2 đến 100 m2: Căn hộ loại 3;
– Diện tích sử dụng từ 60 m2 đến 70 m2: Căn hộ loại 4;
– Diện tích sử dụng từ 25 m2 đến 45 m2: Căn hộ loại 5;
4) Căn nhà khu vực nông thôn được thiết kế căn nhà kiểu khép kín, diện tích sử dụng mỗi căn nhà không nhỏ hơn 25 m2 và không lớn hơn 90 m2, gồm 04 loại sau:
– Diện tích sử dụng từ 80 m2 đến 90 m2: Căn nhà loại 1;
– Diện tích sử dụng từ 55 m2 đến 65 m2: Căn nhà loại 2;
– Diện tích sử dụng từ 40 m2 đến 45 m2: Căn nhà loại 3;
– Diện tích sử dụng từ 25 m2 đến 35 m2: Căn nhà loại 4;