Thực trạng hiện nay, người dân không sử dụng đất hoặc bỏ hoang đất nông nghiệp ngày càng gia tăng. Vậy đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang bị thu hồi không?
Mục lục bài viết
1. Đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang bị thu hồi không?
1.1. Thực trạng đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang hiện nay:
Theo thông tin của Báo Hà Nội Mới đưa tin vào khoảng đầu năm nay, những năm gần đây, số hộ dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp nói chung và gieo cấy lúa nói riêng ngày càng gia tăng. Tại Thành phố Hà Nội, trong xu hướng đô thị hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị xen kẹt hoặc là do hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên đã bị bỏ hoang. Hiện diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang của Thành phố Hà Nội đều nằm trong vùng xen kẹt của các dự án đang giải phóng mặt bằng, hoặc gần khu dân cư, các khu công nghiệp, trục đường đang thi công; đất nông nghiệp gặp khó khăn về thủy lợi, về nước tưới hoặc nằm trong vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng. Bà Nguyễn Thị Năm (trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) chia sẻ với Báo Hà Nội Mới rằng “Để sản xuất được 3 sào lúa, mỗi năm, gia đình tôi đã phải sử dụng bẫy bả để đánh chuột 4 lần, quây ni lông quanh ruộng, nhưng chuột vẫn phá hoại, thế nên đành phải bỏ hoang. Gia đình tôi cũng muốn cho thuê trồng đào, hoa, cây cảnh, nhưng do diện tích nhỏ, manh mún, không có người thuê”. Không chỉ ở những huyện cận đô, diện tích đất nông nghiệp ít, manh mún, chờ đô thị hóa, tại một số huyện thuần nông ở trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có không ít diện tích đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do vào vụ mùa, mưa nhiều, gây ngập úng. Ông Trần Công Ninh (trú tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) chia sẻ, do nhiều năm gieo cấy vụ mùa bị ngập úng, thế nên nông dân đành để hoang, chờ vụ sau sản xuất hiệu quả hơn.
Mặc dù, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn nhưng đến nay, toàn thành phố Hà Nội vẫn còn hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không có hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng. Cụ thể như huyện Thanh Oai có hơn 100ha, huyện Ứng Hòa khoảng 400ha, huyện Mê Linh hơn 100ha…
1.2. Đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang bị thu hồi không?
Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có giải thích Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người mà đã được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
Tại Điều 16 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp Nhà nước quyết định thu hồi đất, bao gồm những trường hợp sau:
– Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
– Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
– Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Theo đó, một trong những trường hợp bị thu hồi đất đó chính là người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Điều 64 Luật Đất đai 2013 có quy định rõ về vấn đề này, theo điều này thì Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
– Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và người sử dụng đất đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
– Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
– Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
– Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
– Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
– Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
– Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
– Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục;
– Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục;
– Đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.
Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn là 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ được ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trong trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư sẽ được gia hạn sử dụng đất 24 tháng và sẽ phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khoảng thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; nếu như hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất theo quy định của pháp luật mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Như vậy, qua các quy định trên thì đối với đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang sẽ bị Nhà nước thu hồi do hành vi không sử dụng, bỏ hoang đất nông nghiệp là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể:
– Nếu người sử dụng đất trồng cây hàng năm không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục sẽ bị Nhà nước thu hồi;
– Nếu người sử dụng đất trồng cây lâu năm không sử dụng đất trong thời hạn 18 tháng liên tục sẽ bị Nhà nước thu hồi;
– Nếu người sử dụng đất trồng rừng không sử dụng đất trong thời hạn 24 tháng liên tục sẽ bị Nhà nước thu hồi.
Lưu ý rằng, việc bị thu hồi đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang sẽ tiến hành sau khi người sử dụng đất đã bị xử phạt hành chính về hành vi không sử dụng, bỏ hoang đất nông nghiệp nhưng sau đó vẫn không đưa đất nông nghiệp vào sử dụng.
2. Đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định người sử dụng đất nông nghiệp có hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn là12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn là 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn là 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng sẽ bị phạt tiền như sau:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang dưới 0,5 héc ta;
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang từ 03 héc ta đến dưới 10 héc ta;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang từ 10 héc ta trở lên.
Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng đất có hành vi này còn phải buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất.
3. Thủ tục thu hồi đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang:
Thủ tục thu hồi đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang được thực hiện lần lượt qua các bước sau:
Bước 1: Xác định căn cứ thu hồi đất căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định về hành vi vi phạm đất đai (hành vi không sử dụng, bỏ hoang đất nông nghiệp).
Bước 2: Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành thẩm tra, xác minh thực địa (nếu cần).
Bước 3: Phòng Tài nguyên và Môi trường trình lên Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất nông nghiệp không sử dụng, bỏ hoang.
Bước 4: Cơ quan, tổ chức thực hiện các nội dung công việc được giao theo quyết định thu hồi đất.
Bước 5: Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thu hồi đất trên thực địa và tiến hànhbàn giao đất cho Tổ chức được giao quản lý quỹ đất thu hồi.
Bước 6: Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý trên cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo Giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý đối với các trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp không chấp hành nộp lại Giấy chứng nhận.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013;
– Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.