Đất bị lấn chiếm làm sao để đòi lại. Mốc giới ngăn cách các bất động sản.
Đất bị lấn chiếm làm sao để đòi lại. Mốc giới ngăn cách các bất động sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tại tôi đang ở trên mảnh đất của bố tôi (đã có sổ đỏ diện tích 121m2 nhưng đất xây dựng chỉ còn lại 40m2 vì phần còn lại nằm trong lô giới). Năm nay vợ tôi gần sinh nở nên gia đình tôi quyết định xây dựng lại căn nhà trên mảnh đất 40m2 nói trên. Sau khi làm xong giấy phép xây dựng nhà có chiều ngang 8.5m và rộng lần lượt là 4.62m và 4.2m(đường lộ giới cắt chéo qua thửa đất nhà tôi) tôi chuẩn bị pha dở căn nhà cũ và bức tường rào nhà tôi (do ba tôi xây đã lâu để giữ đất) nhưng gia đình hộ liền kề ngăn cản không cho phá dở vì lý do bức tường đó là bức tường chung (giáp ranh với gia đình đó cả mặt bên lẫn mặt sau). Sau khi đo lại mảnh đất nếu tính luôn bức tường thì phần đất phía sau nhà mới đủ chiều ngang 8.5m còn nếu đo phía trước lô đất thì chỉ còn 8.2m(lúc trước có đường thoát nước chung nhưng gia đình bên đó đã xây lấn chiến) còn chiều sâu thì theo tính toán chỉ là 14.2m nhưng đó thực tế chỉ còn 12.6m (vì trong sổ đỏ không thể hiện thông số nên tôi không biết chính xác được chỉ biết là chiều ngang 8.5m theo giấy phép xây dựng). Gia đình tôi có gửi đơn lên UBND phường để hòa giải nhưng gia đình đó không chấp nhận trả lại đất cho gia định tôi. Vậy xin hỏi tôi phải làm sao để có thể đòi lại diện tích đã bị lấn chiếm. Hiện tại nhà cũ đã phá dở gia đình tôi phải đi ở trọ, vật tư xây dựng đã mua và thợ xây đã thuê nếu để kéo dài gia đình tôi rất khổ sở nhưng nếu làm lại bị gia đình đó qua quấy rối không cho xây dựng. Trong khi chờ tư vấn của Cty luật gia tôi xin chân thành cám ơn. Hi vọng sớm có giải đáp?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 176 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau:
“Điều 176. Mốc giới ngăn cách các bất động sản
1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
3. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.
Trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.
Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo quy định trên thì chủ sở hữu chỉ được xây dựng tường rào trên phần đất thuộc quyền sở hữu của mình. Vì bạn không trình bày rõ bức tường do bố bạn xây nhưng xây trên đất của nhà bạn hay phần đất ranh giới giữa hai nhà.
Trường hợp tường rào hoàn toàn nằm trên đất thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn thì bạn có quyền phá dỡ. Trường hợp tường rào do bố bạn xây nhưng xây trên đất ranh giới của hai bên thì tường rào thuộc sở hữu chung của hai bên, muốn phá dỡ cần sự đồng ý của bên kia.
Điều 202 Luật đất đai năm 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai như sau:
“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
……”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Và Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
…..”
Theo các quy định trên, bạn có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giải quyết tranh chấp đất đai. Trường hợp không đồng ý với kết quả hòa giải hoặc quá thời hạn theo quy định (45 ngày) mà Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không tiến hành hòa giải thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận, huyện nơi bị đơn cư trú.