Mục lục bài viết
1. Danh sách xã, phường thuộc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng):
Huyện Hòa Vang hiện nay còn lại 11 xã trực thuộc, bao gồm: Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Bắc, Hòa Ninh và Hòa Phú. Huyện lỵ dời về xã Hòa Phong. Cụ thể trong bảng sau:
STT | Danh sách xã, phường thuộc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) |
1 | Hòa Tiến |
2 | Hòa Châu |
3 | Hòa Phước |
4 | Hòa Nhơn |
5 | Hòa Khương |
6 | Hòa Phong |
7 | Hòa Phú |
8 | Hòa Ninh |
9 | Hòa Liên |
10 | Hòa Sơn |
11 | Hòa Bắc |
2. Giới thiệu huyện Hòa Vang (Đà Nẵng):
2.1. Điều kiện tự nhiên:
Huyện Hòa Vang nằm bao bọc quanh phía Tây khu vực nội thành của thành phố Đà Nẵng. Huyện có ưu thế ở ba loại địa hình là miền núi, trung du và đồng bằng. Đây là tiềm năng và lợi thế lớn để huyện phát triển trong bối cảnh gắn với quy hoạch phát triển chung của thành phố Đà Nẵng. Huyện Hòa Vang có tọa độ từ 15 độ 55 phút đến 16 độ 13 phút độ vĩ Bắc và 107 độ 49 phút đến 108 độ 13 phút độ kinh Đông. Huyện Hòa Vang có vị trí địa lý cụ thể như sau:
- Phía Bắc giáp: Các huyện Nam Đông, A Lưới và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế
- Phía Nam giáp: Thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam
- Phía Đông giáp: Quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu của thành phố Đà Nẵng
- Phía Tây giáp: Huyện Đông Giang của tỉnh Quảng Nam
Huyện Hòa Vang là huyện nông nghiệp của thành phố Đà Nẵng, diện tích đất tự nhiên là 73 488 ha (chiếm 74,8% diện tích của thành phố Đà Nẵng), trong đó đất phi nông nghiệp 7271 ha, đất nông nghiệp 65 316 ha và đất chưa sử dụng 901,7 ha. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 4690 ha, mỗi năm có khả năng cung cấp ra thị trường gần 20 000 tấn rau, 1200 tấn thủy sản, gần 1 triệu con gia cầm các loại,… cũng là lợi thế của huyện trong việc cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho vùng nội thị thành phố Đà Nẵng.
Nguồn tài nguyên phong phú, diện tích đất lâm nghiệp hiện có là 58 900 ha, trong đó đất rừng sản xuất gần 16 000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%, ngoài vai trò phòng hộ, hệ sinh quyền và là “lá phổi xanh” cho huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng. Đây cũng được xem là lợi thế trong việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như khai thác và chế biến lâm sản, dịch vụ du lịch.
Toàn huyện có 11 xã với 119 thôn, trong đó có 3 xã đồng bằng, 4 xã trung du, 4 xã miền núi (số liệu năm 2014). Dân số 124 844 người, mật độ dân số 172 người/km2, trên địa bàn huyện có 03 thôn với gần 1000 đồng bào dân tộc Cơ tu (thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) và 01 thôn người Hoa sinh sống (thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh).
2.2. Kinh tế:
Trong những năm qua, kinh tế – xã hội của huyện Hòa Vang phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Dịch vụ (tỷ lệ 51,4%); Công nghiệp (tỷ lệ 30,5%); Nông nghiệp (tỷ lệ 18,1%). Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu lao động: Nông nghiệp: 25,84%; Công nghiệp: 33,61%; Dịch vụ: 40,55%. Giá trị công nghiệp xây dựng tăng bình quân 9,4%/năm. Dịch vụ phát triển khá về quy mô, đa dạng về loại hình, tốc độ tăng trưởng 12,8%/năm, các điểm du lịch lớn trên địa bàn huyện đưa vào khai thác hiệu quả nổi tiếng như: Khu du lịch Bà Nà Hills, Khu du lịch nước nóng Phước Nhơn, Khu du lịch Hòa Phú Thành, Du lịch Ngầm Đôi, Suối Hoa. Hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, tổng mức bán kẻ hàng hóa tăng 16,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27,24 triệu đồng/người/năm (năm 2015).
2.3. Văn hóa – xã hội:
Văn hóa, xã hội, y tế có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục tăng lên cả về số lượng và chất lượng, mạng lưới trường lớp được mở rộng, trang bị cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt sự nghiệp giáo dục, toàn huyện có 29/53 trường đạt chuẩn quốc gia, có 11/11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được chú trọng. Thực hiện chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chăm lo người có công với cách mạng, đời sống hầu hết các gia đình chính sách được nâng lên rõ rệt, đã đầu tư hơn 114 tỷ đồng để thực hiện giảm 8133 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 6,3% xuống còn 0,52% (theo chuẩn Trung ương), xây mới và sửa chữa 1405 ngôi nhà chính sách, hỗ trợ xây dựng mới 100% công trình vệ sinh tự hoại (2145/2145 công trình), giải quyết việc làm hằng năm cho trên 2000 lao động.
2.4. Công tác quốc phòng, an ninh:
Công tác quốc phòng, an ninh của huyện Hòa Vang ngày càng được đảm bảo an ninh và ổn định trật tự xã hội. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay đạt nhiều kết quả, hệ thống chính trị cơ sở được kiện toàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội, đoàn thể nhiều năm liền được công nhận là đơn vị vững mạnh, vững mạnh xuất sắc, Đảng bộ huyện không có Chi bộ, Đảng bộ cơ sở dần khắc phục yếu kém, nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ “Trong sạch vững mạnh”.
3. Khái quát sự hình thành của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng):
Sau năm 1975, huyện Hòa Vang trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ban đầu bao gồm 16 xã: Hòa Châu, Hòa Hải, Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Minh, Hòa Nhơn, Hòa Phát, Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Qúy, Hòa Sơn, Hòa Thọ, Hòa Tiến và Hòa Xuân. Ngày 23 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ba hành Quyết định 79 – HĐBT về việc:
- Chia xã Hòa Liên thành 2 xã: Hòa Bắc và Hòa Liên
- Chia xã Hòa Sơn thành 2 xã: Hòa Sơn và Hòa Ninh
Ngày 9 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 194 – HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trước đây. Ngày 11 tháng 1 năm 1986, chia xã Hòa Phong thành 2 xã: Hòa Phong và Hòa Phú. Ngày 6 tháng 12 năm 1996, kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa IX ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, huyện Hòa Vang trực thuộc thành phố Đà Nẵng, bao gồm 19 xã: Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Châu, Hòa Hải, Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Minh, Hòa Nhơn, Hòa Phát, Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Qúy, Hòa Sơn, Hòa Thọ, Hòa Tiến và Hòa Xuân. Ngày 23 tháng 1 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/1997/NĐ-CP. Theo đó:
- Tách 2 xã: Hòa Qúy và Hòa Hải để thành lập quận Ngũ Hành Sơn
- Tách 3 xã: Hòa Hiệp, Hòa Khánh và Hòa Minh để thành lập quận Liên Chiểu.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Hòa Vang gồm 14 xã: Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Phát, Hòa Thọ (huyện lỵ), Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Liên, Hòa Xuân, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Bắc, Hòa Ninh và Hòa Phú. Ngày 5 tháng 8 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 102/2005/NĐ-CP. Theo đó, tách 3 xã: Hòa Phát, Hòa Thọ và Hòa Xuân để thành lập quận Cẩm Lệ. Huyện Hòa Vang hiện nay còn lại 11 xã trực thuộc, bao gồm: Hòa Tiến, Hòa Sơn, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Bắc, Hòa Ninh và Hòa Phú. Huyện lỵ dời về xã Hòa Phong.
THAM KHẢO THÊM: