Tình trạng lừa đảo qua điện thoại hiện nay rất phổ biến. Dưới đây là danh sách các đầu số điện thoại lừa đảo, spam mới nhất người dân cần nắm để cảnh giác.
Mục lục bài viết
1. Danh sách các đầu số điện thoại lừa đảo, spam mới nhất:
Tình trạng hiện nay cuộc gọi lừa đảo đã và đang xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống. Theo phản ánh của người dân hiện nay những cuộc gọi lừa đảo thường thấy sẽ có những đầu số như: +247; +231; +224; +232; +371; +252.
Hoặc các số điện thoại như 19003446; 8125; 7769; 6716; 8791; 7786; 8774; 19001095; 19001199; 19002196; 19002191; 19004510; 19003440; 19003439; 19002190; 19004562; 19002170; 6781; 6796; 6768; 7775; 8781; 7777; 8700.
Ngoài các cuộc gọi thì cũng có nhiều tin nhắn lạ với nội dung lừa đảo thường với những nội dung như sau, người dân cần cảnh giác: như các nội dung nhận được quà từ người lạ và gọi lại số điện thoại đó để nhận quà; hoặc các nội dung về việc được nhận thưởng từ các cửa hàng, siêu thị, phải làm theo hướng dẫn để được nhận phần thưởng đó; các nội dung mạo danh ngân hàng thông báo tài khoản đang bị tạm ngưng dịch vụ và yêu cầu đăng nhập vào đường link được gửi để được giải quyết; hoặc những cuộc đòi nợ dù không vay tiền của bất kỳ ai; gọi để khai thác yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân như số chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân;…
2. Làm thế nào để nhận biết được cuộc gọi lừa đảo:
Gần đầy các đầu số điện thoại lừa đảo tăng rất nhiều và chiêu trò ngày càng tinh vi, khiến người dùng hoang mang. Do đó, để tránh bị lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nắm bắt các dấu hiệu nhận biết các cuộc gọi lừa đảo sau đây:
Thứ nhất, người dân cần nắm rõ những đầu số lạ, có khả năng lừa đảo cao hiện nay như: +247; +231; +224; +232; +371; +252.
Thứ hai, nội dung các cuộc gọi lừa đảo thường sẽ là:
+ Nội dung cuộc gọi giới thiệu là nhân viên của bưu cục hoặc hải quan thông báo người dân đã nhận được bưu phẩm từ bạn nước ngoài gửi về và đề nghị cung cấp một số thông tin cá nhân để xác minh. Do bưu phẩm kiểm tra có tiền mặt và vàng bạc bên trong nên đang bị giữ tại kho, do đó người dân cần chuyển tiền phí cho họ khoảng vài chục triệu để được giải quyết lấy hàng ra.
+ Hoặc nội dung thông báo người dân nhận được phần thưởng lớn có giá trị lớn, người dân phải nộp tiền đóng thuế sau đó mới có thể nhận được hàng và yêu cầu người dân chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng cung cấp.
+ Nội dung cuộc gọi tự xưng là nhân viên y tế trường học hoặc nhân viên bệnh viện thông báo con của phụ huynh đã xảy ra chấn thương nặng đang được cấp cứu trong bệnh viện, phụ huynh cần phải chuyển tiền gấp để làm phí phẫu thuật cho con em.
+ Hoặc các cuộc gọi mời chào tham gia các chương trình, khóa học làm giàu; cuộc gọi mời chào vay vốn với giá ưu đãi, lãi suất thấp.
+ Hoặc nội dung giả mạo cảnh sát giao thông thông báo rằng người dân đang bị khởi tố vì đã lái xe và gây tai nạn chết người ở Đà Nẵng hoặc ở địa bàn tỉnh thành nào đó. Yêu cầu giờ phải chuyển tiền để họ lo liệu cho.
Thứ ba, các cuộc gọi đến thường chỉ nháy máy lặp đi lặp lại nhiều lần, đánh vào tâm lý tò mò của người dân để người dân gọi lại, khi đó họ sẽ khai thác thông tin lấy những thông tin cá nhân.
3. Cách xử lý khi người dân gặp phải cuộc gọi lừa đảo:
Trong thời đại mạng xã hội, các phương tiện di động phát triển như hiện nay, mỗi người dân cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để xử lý khi gặp phải những cuộc gọi lừa đảo, cụ thể như sau:
– Quan trọng là tâm thế của người dân, khi nhận được các cuộc gọi từ số lạ, thấy nghi ngờ có vấn đề thì có thể bỏ qua, tắt máy không nghe. Trường hợp lỡ ấn nghe máy, nhận được những nội dung lừa đảo như trên, người dân cần bình tĩnh xác minh vấn đề, không được mất bình tĩnh mà tin ngay thực hiện theo những yêu cầu của những đối tượng lừa đảo.
Khi nhận được cuộc gọi là thì bước ban đầu người dân có thể kiểm tra bằng số điện thoại đó tìm kiếm trên zalo để xem có hiện thông tin người đó không. Cách này có thể giúp bạn tìm được chủ nhân số điện thoại đó.
– Với những số điện thoại rác, xác minh đó là lừa đảo thì cần báo với cơ quan chức năng để phối hợp điều tra tội phạm hoặc phản ánh các số điện thoại lừa đảo qua những kênh thông tin sau:
+ Người dân có thể phản ánh qua điện thoại gọi đến đầu số 156 của Bộ Thông tin và truyền thông để cung cấp thông tin những cuộc gọi, tin nhắn, số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo và làm theo những hướng dẫn của nhân viên chăm sóc khách hàng.
+ Người dân có thể phản ánh bằng cách nhắn tin đến đầu số 156 hoặc 5656 theo cú pháp sau:
S ( Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156: áp dụng với số điện thoại rác.
V (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156: áp dụng với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác.
LD (Số điện thoại – nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156: áp dụng với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
– Với những số điện thoại làm phiền gọi quá nhiều, cách nhanh nhất là người dân chặn các đầu số điện thoại đó bằng cách truy vào mục lịch sử cuộc gọi trên điện thoại và ấn chặn.
Hoặc người dân có thể tải phần mềm TrueCaller về máy (hỗ trợ cho cả Android và iOS) thực hiện như sau:
Điền đầy đủ số điện thoại, họ tên, email, làm thủ tục xác nhận đăng ký. Sau đó ấn cho phép phần mềm truy cập vào các tin nhắn, danh bạ để hoạt động hiệu quả. Tiếp theo ấn chọn tab ID Spam, nhấn kiểm tra cập nhật để chọn thêm những số điện thoại vừa gửi tin nhắn rác, lừa đảo.
Ngoài ra, ứng dụng TrueCaller còn có khả năng tự động cập nhật liên tục các từ khóa cho bộ lọc spam tự động.
4. Trường hợp bị lừa đảo qua điện thoại, người dân xử lý thế nào?
Trường hợp người dân không may bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, người dân cần bình tĩnh và sau đó thu thập đầy đủ các thông tin mình bị lừa như ghi âm các cuộc nói chuyện (nếu có), giao dịch chuyển tiền,… trình báo ra phía cơ quan công an.
Hồ sơ trình báo cần có những giấy tờ sau:
– Đơn trình báo về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng;
– Giấy tờ tùy thân gồm chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân;
– Các giấy tờ, tài liệu kèm theo chứng minh việc mình bị lừa đảo.
Và hiện nay, theo khuyến nghị của phía bên cơ quan công an, người dân có thể trình báo qua đường dây nóng. Cụ thể là:
– Đường dây nóng 113.
– Người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 08.3864.0508 (đối với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh).
– Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.
Và nhằm chung tay ngăn chặn các tình huống bị lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nâng cao cảnh giác; tuyên truyền các thông tin cho người thân gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để nắm bắt được tình hình; để họ có thể tránh được những sự cố lừa đảo đáng tiếc xảy ra. Bởi thực tế, khi bị lừa đảo qua mạng, qua điện thoại như này khó để biết đối tượng lừa đảo đó là ai, điều đó cũng đồng nghĩa với việc khả năng lấy lại được số tiền bị lừa đảo là rất ít, thậm chí là không thể. Có những người vì tin tưởng, thiếu hiểu biết mà bị lừa lên đến hàng trăm triệu đồng, có người còn bị lừa đến con số hàng tỷ đồng. Chính vì thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải tự bảo vệ mình trước tiên, một phần vì chính mình, phần lớn cũng góp phần vì cộng đồng.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.