Xuất phát từ lý do tự vệ, bảo vệ sự an toàn đến tính mạng và sức khỏe của bản thân, nhiều người đã thực hiện hành vi chống trả lại người gây thương tích. Vậy đánh người gây thương tích để tự vệ có bị phạt tù hay không?
Mục lục bài viết
1. Khi nào hành vi đánh người gây thương tích sẽ được coi là phòng vệ chính đáng?
Thực tiễn xét xử cho thấy, để tạo cơ sở pháp lý cho cán bộ có trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, mỗi người dân trước hết tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác, cũng như của xã hội. Pháp luật hình sự bất kỳ quốc gia nào cũng quy định chế định phòng vệ chính đáng và pháp luật hình sự Việt Nam cũng đã quy định rõ ràng vấn đề này. Một mặt, để khuyến khích, động viên công dân hãy làm việc có ích, có lợi cho xã hội, nhưng mặt khác, đó cũng chính là góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện quyền dân chủ của công dân. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm mà là hành vi tự vệ trước sự tấn công trái pháp luật, nhằm ngăn ngừa, hạn chế hậu quả tác hại do sự tấn công trái pháp luật gây ra hoặc đe dọa thực tế gây ra. Hành vi phòng vệ chính đáng không mang tính chất nguy hiểm cho xã hội mà nó hoàn toàn phù hợp với xã hội thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của công dân góp phần vào việc bảo vệ và củng cố trật tự xã hội. Cũng chính vì thế mà pháp luật cho phép người phòng vệ có thể thực hiện sự chống trả lại tất cả những hành vi xâm phạm tới những quan hệ xã hội được Bộ luật hình sự bảo vệ, không chỉ riêng gì quyền và lợi ích hợp pháp của người phòng vệ nói riêng.
Pháp luật hiện nay cũng đã có quy định cụ thể về hành vi phòng vệ chính đáng. Để xác định được hành vi đánh người gây thương tích nhằm mục đích tự vệ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, thì cần phải xác định xem hành vi đánh người gây thương tích đó có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hay không. Căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật hình sự năm 2015, phòng vệ chính đáng có thể hiểu là hành vi của người dựa trên mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình hoặc của người khác hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà nước, của các cơ quan và tổ chức trong xã hội mà đã thực hiện hoạt động chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích nói trên. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì phòng vệ chính đáng không được coi là tội phạm. Vì vậy, những người có hành vi gây thương tích trong trường hợp phòng vệ chính đáng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên pháp luật cũng có quy định cụ thể về các trường hợp bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Theo đó thì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả quá mức cần thiết, hành vi chống trả không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi xâm hại. Theo đó thì người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng.
Như vậy, cần phải xác định một số yếu tố sau đây để có thể kết luận hành vi đánh người gây thương tích có phải là phòng vệ chính đáng hay không, bao gồm:
– Hành vi chống trả để bảo vệ lợi ích của bản thân, lợi ích của nhà nước hoặc của các cơ quan tổ chức khác trong xã hội;
– Hành vi chống trả là cần thiết. Và để đánh giá hành vi chống trả có cần thiết hay không, thì cần phải xem xét toàn diện dựa trên những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại như: mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra trên thực tế, hung khí và phương tiện, phương pháp mà hai bên sử dụng …
Ví dụ: Cần xem xét đến phương tiện và vũ khí mà anh A sử giúp để xâm hại đến sức khỏe của anh B, mức độ thương tích mà anh A gây ra cho anh B.
– Người bị chống trả phải là người đang có hành vi xâm hại đến lợi ích của cá nhân, lợi ích của nhà nước hoặc của cơ quan và tổ chức khác.
2. Đánh người gây thương tích để tự vệ có bị phạt tù không?
Để xem xét hành vi đánh người gây thương tích để tự vệ có bị phạt tù hay không, cần nhìn nhận như sau:
Trường hợp thứ nhất: Nếu hành vi đánh người gây thương tích để tự vệ thỏa mãn được những yếu tố nêu trên và được kết luận là hành vi phòng vệ chính đáng thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trường hợp thứ hai: Nếu hành vi đánh người gây thương tích để tự vệ được xác định là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Khoản 2 Điều 22 Bộ Luật hình sự năm 2015, khi đó người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 136 Bộ Luật hình sự năm 2015, về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm quy tắc an toàn cho sức khoẻ của người khác. Cũng như quy tắc an toàn cho tính mạng, quy tắc an toàn cho sức khoẻ cũng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đã được quy phạm hoá hoặc có thể chỉ là những quy tắc xử sự xã hội thông thường, mọi người đều biết và thừa nhận. Một số hành vi vi phạm quy tắc an toàn thuộc một số lĩnh vực có thể được quy định là tội phạm ở những điều luật riêng khác. Trong trường hợp như vậy, hành vi vi phạm quy tắc an toàn không còn là hành vi khách quan của tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà là hành vi khách quan của những tội phạm khác đó.
Hậu quả của hành vi khách quan nêu trên mà cấu thành tội phạm đòi hỏi phải là thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 31% trở lên. Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý. Có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả.
Điều luật này quy định 03 khung hình phạt chính. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 01 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:
– (Phạm tội) đối với 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người là 31% đến 60%;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỉ lệ tổn thương là 61% trở lên.
Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm được quy định cho trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người là 61% trở lên.
3. Mức xử phạt đối với hành vi đánh người gây thương tích để tự vệ:
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 7 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi đánh người gây thương tích để tự vệ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;
– Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh;
– Dâm ô đối với những đối tượng được xác định là người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Sàm sỡ, quấy rối tình dục;
– Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;
– Thực hiện thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, thử nghiệm động cơ tàu bay, thử nghiệm cánh quạt tàu bay và trang bị, thử nghiệm thiết bị của tàu bay không người lái, thử nghiệm các phương tiện bay siêu nhẹ có chủng loại hoặc chất lượng không phù hợp với loại sản phẩm đã đăng ký theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phóng, thực hiện hành vi bắn hoặc thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại khi không được phép.
Người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác để tự vệ, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.