Khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản,...Vậy danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản:
- 1.1 1.1. Nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản:
- 1.2 1.2. Quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung thủy sản đối với ngư cụ khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng biển:
- 1.3 1.3. Quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung thủy sản đối với ngư cụ khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng nội địa:
- 2 2. Có được thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ không?
- 3 3. Người có thẩm quyền ban hành danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản:
1. Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản:
Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản được thực hiện theo phụ lục II Ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể như sau:
1.1. Nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản:
TT | Nghề, ngư cụ cấm | Phạm vi |
1 | Nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc) | Vùng ven bờ; vùng nội địa |
2 | Nghề lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn, lừ) | Vùng ven bờ; vùng nội địa |
3 | Nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) | Vùng ven bờ |
4 | Các nghề: đáy; xăm; chấn; xiệp; xịch; te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ. | Vùng ven bờ; vùng nội địa |
5 | Nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông). | Vùng lộng; vùng ven bờ; vùng nội địa |
Ghi chú: Nghề lưới kéo khai thác ở vùng nội địa; Nghề chấn; Nghề te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ khai thác ở tại vùng ven bờ, vùng nội địa; Nghề cào đáy bằng khung sắt kết hợp với tàu mà có gắn động cơ (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) khai thác ở vùng nội địa, vùng ven bờ, vùng lộng cấm hoạt động bắt đầu từ ngày 01/01/2023.
1.2. Quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung thủy sản đối với ngư cụ khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng biển:
TT | Tên loại ngư cụ | Kích thước mắt lưới quy định (2a (mm)) |
1 | Rê trích | 28 |
2 | Rê thu ngừ | 90 |
3 | Rê mòi | 60 |
4 | Vây, vó, mành, rút, rùng hoạt động ngoài vụ cá cơm | 20 |
5 | Nò, sáo, quầng | 18 |
6 | Các loại lưới đánh cá cơm | 10 |
7 | Lưới kéo hoạt động vùng lộng | 34 |
8 | Lưới kéo hoạt động vùng khơi | 40 |
9 | Lưới chụp; lồng bẫy ở vùng lộng, vùng khơi | 40 |
1.3. Quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung thủy sản đối với ngư cụ khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng nội địa:
TT | Tên loại ngư cụ | Kích thước mắt lưới quy định (2a (mm)) |
1 | Lưới vây | 18 |
2 | Đăng, nò, sáo | 18 |
3 | Lưới rê (lưới bén hoặc tên gọi khác tùy theo vùng miền) | 40 |
4 | Lưới rê (cá linh) | 15 |
5 | Vó, rớ | 20 |
6 | Chài các loại | 15 |
2. Có được thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ không?
Điều 7 Luật Thủy sản 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản, căn cứ Điều này thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản bao gồm có:
- Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực mà tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.
- Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của những loài thủy sản.
- Lấn, chiếm, gây hại cho khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển.
- Khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, đến nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển.
- Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (sau đây được gọi là khai thác thủy sản bất hợp pháp); mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản có từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại.
- Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác mà có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
- Sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác; thả neo, đậu tàu ở tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác hoặc là nơi tàu cá khác đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ các trường hợp bất khả kháng.
- Đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích để gian lận thương mại.
- Sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở trong nuôi trồng thủy sản; hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng ở trong sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng giống thủy sản nằm ở ngoài Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để nuôi trồng thủy sản.
- Phá hủy, tháo dỡ gây hư hại, lấn chiếm phạm vi công trình của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; xả các chất thải không đúng nơi quy định trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
- Lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, khai thác các thông tin, sử dụng thông tin dữ liệu về nguồn lợi thủy sản trái quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản đó chính là thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác. Như vậy, có thể khẳng định được rằng tổ chức, cá nhân không được phép có hành vi thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân khác đang khai thác.
3. Người có thẩm quyền ban hành danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản:
Điều 13 Luật Thủy sản 2017 quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sau:
- Đối tượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản bao gồm những loài thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non mà tập trung sinh sống và đường di cư của loài thủy sản.
- Tổ chức, cá nhân có những trách nhiệm sau đây:
+ Thực hiện bảo vệ và khai thác thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc là phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản;
+ Dành hành lang cho loài thủy sản di chuyển khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở những sông, hồ, đầm, phá;
+ Khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra khi mà xả thải, thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình ở dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc là mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, đến khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống và đường di cư của loài thủy sản;
+ Tuân theo quy định của Luật Thủy sản và quy định khác của pháp luật có liên quan khi mà tiến hành hoạt động thủy sản hoặc là có hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đường di cư, sinh sản của loài thủy sản.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các trách nhiệm sau đây:
+ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức thực hiện các chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
+ Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; tiêu chí xác định về loài, chế độ quản lý, bảo vệ và trình tự, thủ tục khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
+ Xây dựng, ban hành kế hoạch và các biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản;
+ Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập, thực hiện bảo tồn, lưu giữ giống gốc của các loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
+ Công bố đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí và ban hành về Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các trách nhiệm sau đây:
+ Quy định bổ sung nghề, ngư cụ, khu vực cấm khai thác chưa có tên ở trong danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản phù hợp với thực tế với hoạt động bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, sau khi mà được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn phù hợp với các chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy định trên có nêu rõ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí và ban hành về Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản. Như vậy, người có thẩm quyền ban hành danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản đó chính là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT 01/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản.
THAM KHẢO THÊM: