Kiểm định phương tiện PCCC là gì? Danh mục các phương tiện PCCC yêu cầu phải kiểm định? Nội dung và phương thức kiểm định các phương tiện PCCC? Hồ sơ kiểm định phương tiện PCCC?
Hiện nay, như chúng ta cũng thấy ngày càng có nhiều các tòa nhà cao tầng san sát nhau mọc lên, các cơ sở kinh doanh cũng ngày một nhiều hơn. Vấn đề về cháy nổ cũng thường xuyên xảy ra, có rất nhiều vụ cháy nổ để lại thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản. Chính vì vậy, có những phương tiện PCCC Nhà nước yêu cầu phải kiểm định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn trong vận hành và sử dụng.
Căn cứ pháp lý
– Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa
– Nghị định 136/2020/NĐ-CP
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Kiểm định phương tiện PCCC là gì?
Căn cứ theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2018 thì Kiểm định là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là hoạt động theo quy trình của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để kiểm tra, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của phương tiện phòng cháy và chữa cháy với yêu cầu quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn của Bộ Công an. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông phải được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
2. Danh mục thiết bị phải kiểm định PCCC:
Thiết bị PCCC phải kiểm định là các thiết bị phòng cháy và chữa cháy sản xuất mới, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu vào nước ta. Danh mục thiết bị kiểm định PCCC được quy định tại Phụ lục VI Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
Phương tiện chữa cháy cơ giới bao gồm:
– Xe chữa cháy: Xe chữa cháy có xitec, xe chữa cháy không có xitec, xe chữa cháy sân bay, xe chữa cháy rừng, xe chữa cháy hóa chất (bột, chất tạo bọt, khí), xe chữa cháy đường hầm, xe chữa cháy đường sắt, xe chữa cháy lưỡng cư.
– Các loại xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy: Xe thang; xe nâng; xe chỉ huy; xe trung tâm thông tin chỉ huy; xe khám nghiệm hiện trường cháy; xe chiếu sáng chữa cháy; xe trạm bơm; xe chở nước; xe chở phương tiện; xe chở quân; xe chở hóa chất; xe cứu nạn, cứu hộ; xe hút khói; xe sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật; xe hậu cần; xe cẩu; xe xử lý hóa chất độc hại, sinh học và hạt nhân; xe cung cấp chất khí chữa cháy; xe chở và nạp bình khí thở chữa cháy; xe chở vòi chữa cháy; xe tiếp nhiên liệu; xe cứu thương; mô tô chữa cháy.
– Máy bay chữa cháy; tàu chữa cháy; xuồng chữa cháy; ca nô chữa cháy; các cấu trúc nổi chữa cháy khác có động cơ.
– Các loại máy bơm chữa cháy.
– Các loại phương tiện cơ giới khác: Máy nạp khí sạch; thiết bị cưa, cắt, khoan, đục, đập, tời, kéo, banh, kích, nâng (có sử dụng động cơ) thiết bị xử lý thực bì (máy cắt thực bì, máy cắt cỏ); quạt thổi khói; quạt hút khói; máy phát điện; máy thổi gió; bình chữa cháy đeo vai có động cơ.
Phương tiện chữa cháy thông dụng bao gồm:
– Vòi, ống hút chữa cháy.
– Lăng chữa cháy.
– Đầu nối, ba chạc, hai chạc chữa cháy, Ezectơ.
– Trụ nước, cột lấy nước chữa cháy.
– Thang chữa cháy.
– Bình chữa cháy các loại: Bột, bọt, khí, gốc nước.
Chất chữa cháy các loại: Hóa chất chữa cháy gốc nước, bột chữa cháy, khí chữa cháy, chất tạo bọt chữa cháy.
Chất hoặc vật liệu chống cháy: vật liệu ngăn cháy, cửa ngăn cháy, kính ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy; màn, rèm ngăn cháy.
Thiết bị thuộc hệ thống báo cháy: Tủ trung tâm báo cháy, đầu báo cháy các loại, thiết bị cảnh báo cháy sớm, modul các loại, chuông báo cháy, đèn báo cháy, nút báo cháy, nút ấn báo cháy, hệ thống âm thanh báo cháy và hướng dẫn thoát nạn.
Thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy (bằng khí, sol-khí, nước, bột, bọt): Tủ điều khiển chữa cháy; chuông, còi, đèn, bảng cảnh báo xả chất chữa cháy; van báo động, van tràn ngập, van giám sát, van chọn vùng, công tắc áp lực, công tắc dòng chảy; ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy tự động, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy; họng tiếp nước chữa cháy (họng chờ), đầu phun chất chữa cháy các loại; chai, thiết bị chứa khí, sol-khí, bột, bọt chữa cháy các loại.
Đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố.
Trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân gồm:
– Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giầy, thắt lưng, kính, khẩu trang chữa cháy; quần, áo, mũ, ủng, găng tay, giày cách nhiệt; ủng, găng tay cách điện; thiết bị chiếu sáng cá nhân.
– Mặt nạ lọc độc; mặt nạ phòng độc cách ly; thiết bị hỗ trợ thở cá nhân dùng trong chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Phương tiện cứu người: Dây cứu người; đai cứu hộ; đệm cứu người; thang cứu người; ống tụt cứu người; thiết bị dò tìm người; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ trên cao; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ dưới nước; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ trong không gian hạn chế; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ sự cố hóa chất, phóng xạ; thiết bị phục vụ sơ cấp cứu người bị nạn.
Phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ: Kìm, cưa, búa, rìu, cuốc, xẻng, xà beng, dụng cụ phá dỡ đa năng, câu liêm, dao phát, cào, bàn dập.
Thiết bị, dụng cụ thông tin liên lạc, chỉ huy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gồm:
– Bàn chỉ huy, lều chỉ huy, cờ chỉ huy, băng chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
– Hệ thống thông tin hữu tuyến.
– Hệ thống thông tin vô tuyến, các thiết bị giám sát phục vụ chỉ huy chữa cháy rừng, trên không, định vị cầm tay GPS.
Phương tiện, thiết bị kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
3.Nội dung, phương thức kiểm định phương tiện PCCC:
Nội dung kiểm định bao gồm: Kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy; và Kiểm định thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện.
Phương thức kiểm định:
– Kiểm tra số lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời gian sản xuất, số sêri và các thông số kỹ thuật của phương tiện;
– Kiểm tra chủng loại, mẫu mã phương tiện;
– Kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Mẫu phương tiện để kiểm định được lấy ngẫu nhiên theo phương pháp lấy mẫu quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trường hợp chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy thì thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nước ngoài hoặc quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam. Cho phép sử dụng kết quả kiểm định của các cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm định;
4. Hồ sơ kiểm định phương tiện PCCC:
Hồ sơ đề nghị kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (trường hợp đề nghị
– Văn bản đề nghị kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC26) của đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
– Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc xuất xưởng của thiết bị.
– Giấy chứng nhận chất lượng của thiết bị (nếu có).
– Tài liệu kỹ thuật của thiết bị đề nghị kiểm định;
Hồ sơ đề nghị kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy gồm:
– Văn bản đề nghị kiểm định thiết bị phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC26) của đơn vị trực tiếp sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
– Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc xuất xưởng của thiết bị.
– Giấy chứng nhận chất lượng của thiết bị (nếu có)
– Tài liệu kỹ thuật của thiết bị đề nghị kiểm định;
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Trường hợp thiết bị PCCC do cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy thực hiện kiểm định và đề nghị cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận) bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC27).
– Biên bản kiểm định thiết bị phòng cháy và chữa cháy của cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
– Biên bản lấy mẫu thiết bị kiểm định (Mẫu số PC28).
– Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc xuất xưởng của thiết bị.
– Giấy chứng nhận chất lượng của thiết bị (nếu có).
– Tài liệu kỹ thuật của thiết bị đề nghị kiểm định.
Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ có thể là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Tóm lại, kiểm định phương tiện PCCC là vô cùng cần thiết. Tuỳ mục đích của mình mà cơ sở sản xuất kinh doanh chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp cơ quan có thẩm quyền Trường hợp hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch đó.