Khi phát hiện vợ hoặc chồng mình ngoài tình với một người khác, người chồng hoặc người vợ thường có xu hướng ghen tuông và có những hành động không kiểm soát được dẫn đến tình trạng đánh ghen. Vậy phải hiểu đánh ghen là gì mới đúng? Hành vi đánh ghen có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Mục lục bài viết
1. Đánh ghen là gì?
Đánh ghen là hành vi được thực hiện bằng lời nói hoặc hành động của một người đối với một người khác khi người đó xen vào quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân hay còn gọi là có quan hệ bất chính với vợ hoặc chồng của người có hành vi.
Đánh ghen là ghen tuông có xu hướng tàn bạo, dùng những hành động bạo lực, thô bạo với người khác. Hành vi này có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của người bị đánh ghen. Hiện nay việc đánh ghen không chỉ dừng ở mức độ đánh, đấm, túm tóc, gây thương tích,…mà còn lột đồ gây ảnh hưởng xấu đến nhân phẩm, hình ảnh của người bị đánh ghen.
2. Đánh ghen có vi phạm pháp luật không?
Như đã trình bày ở mục 1 thì hành vi đánh ghen là hành vi bạo lực có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của người bị đánh ghen. Bên cạnh đó, việc đánh ghen không chỉ làm ảnh hưởng đến những người tham gia mà còn ảnh hưởng đến trật tự công cộng bởi việc đánh ghen thường gây được sự chú ý tới nhiều người và tạo thành hiệu ứng đám đông quay phim, chụp ảnh… Theo đó, người có hành vi đánh ghen gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi đánh ghen vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ vào mức độ và tính chất vi phạm.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh ghen:
Đối với những hành vi đánh ghen xảy ra ở độ nhẹ, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành. Cụ thể, người thực hiện hành vi đánh ghen có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về các lỗi như sau:
Như đã phân tích ở trên, việc đánh ghen ở ngoài đường, ở những khu vực công cộng rất dễ tạo nên hiệu ứng đám đông. Việc đánh ghen gây ảnh hưởng đến những hoạt động xung quanh, ảnh hưởng đến trật tự ổn định. Theo đó, khi thực hiện hành vi đánh ghen gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng thì người đánh ghen có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi vi phạm quy định về trật tự công cộng được quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Cụ thể người có hành vi đánh ghen sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đối với hành vi khiêu khích, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự- nhân phẩm của người bị đánh ghen và thực hiện hành vi đánh ghen dưới hình thức tổ chức, thuê, xúi giục, dụ dỗ, kích động hoặc lôi kéo người khác tham gia cùng để gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị đánh ghen.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi đánh ghen với mục đích cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người bị đánh ghen nhưng lại chưa đủ điều kiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Trên thực tế, hầu hết các vụ đánh ghen xảy ra đều được người thực hiện hành vi lên kế hoạch trước. Thậm chí nhiều trường hợp xảy ra thì người đánh ghen có chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ hoặc vũ khí để phục vụ cho việc đánh ghen. Do đó, nếu sử dụng vũ khí khi tham gia đánh ghen thì người đó còn bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đối với hành vi mang theo trong người vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ khác có khả năng gây sát thương nhằm mục đích cố ý gây thương tích cho người bị đánh ghen.
Bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật thì người có hành vi đánh ghen sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 13 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là bị tịch thu tang vật hoặc phương tiện thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Thêm vào đó là người có hành vi đánh ghen phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám- chữa bệnh đối với hành vi vi phạm của mình trong trường hợp người bị đánh ghen phải vào cơ sở y tế để khám bệnh và chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh ghen:
Việc đánh ghen có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của người bị đánh ghen. Theo đó, người có hành vi đánh ghen khi mức độ của hành vi đạt đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau:
2.2.1. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác:
Hành vi đánh ghen có thể khiến cho người bị đánh ghen cảm thấy nhục nhã và mục đích ban đầu của người có hành vi đánh ghen là khiến cho người có quan hệ ngoài luồng với vợ hoặc chồng của mình cảm thấy nhục nhã ở nơi công cộng. Theo đó, người có hành vi đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, nếu người có hành vi đánh ghen gây xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị đánh ghen nếu mức độ nhẹ thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Bên cạnh đó, nếu hành vi nghiêm trọng hơn thì có thể bị phạt tù với thời gian từ 03 tháng đến 05 năm tuỳ vào mức độ và tính chất của hành vi và mức độ thiệt hại, ảnh hưởng đến người bị đánh ghen.
Theo quy định tại điều luật này, người phạm tội còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 4 là cấm đảm nhiệm công việc, chức vụ và hành nghề nhất định trong thời gian từ 01 năm đến 05 năm.
2.2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích:
Cố ý gây thương tích được đặt ra khi người bị đánh ghen bị tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp được pháp luật quy định thì người thực hiện hành vi đánh ghen sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo quy định tại điều luật này thì người có hành vi đánh ghen thực hiện hành vi của mình khiến cho người bị đánh ghen bị tổn hại đến sức khoẻ và có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc với khung cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Tuy nhiên, một số trường hợp người bị đánh ghen bị tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng người đánh ghen sử dụng các vũ khí, thủ đoạn hoặc liên quan đến một số tình tiết khác được quy định tại khoản 1 Điều 134 này thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Cụ thể các trường hợp đó như sau:
– Dùng vũ khí hoặc vật liệu nổ hoặc hung khí nguy hiểm hoặc sử dụng thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người khác;
– Sử dụng a-xít nguy hiểm hoặc sử dụng hoá chất nguy hiểm để thực hiện hành vi của mình gây thương tích cho người khác;
– Thực hiện hành vi cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người già yếu, ốm đau hoặc gây thương tích với người không có khả năng tự vệ. Bên cạnh đó đối tượng bị gây thương tích còn có thể là ông, bà, cha, mẹ, thầy- cô giáo, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho người thực hiện hành vi;
– Thực hiện hành vi có tổ chức;
– Thực hiện hành vi có tính chất côn đồ…
3. Khi phát hiện vợ hoặc chồng ngoại tình thì phải làm sao để giải quyết mà không đánh ghen vi phạm pháp luật:
Khi phát hiện vợ hoặc chồng có quan hệ ngoài luồng với người khác thì không nên đánh ghen vì đánh ghen dễ dẫn đến những hậu quả xấu và dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Do đó khi có phát hiện việc vợ hoặc chồng có hành vi quan hệ ngoài luồng thì nên lựa chọn cách nói chuyện hoà giải để giải quyết. Hoặc nếu không giải quyết thoả đáng và triệt để thì có thể tố cáo hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng lên cơ quan công an địa phương để được răn đe và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.