Đảng viên tham nhũng sẽ bị kỷ luật, xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích, làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Các hành vi tham nhũng:
– Theo khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Hay nói cách khác, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân.
– Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm các hoạt động cụ thể như sau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Hiện nay, tham nhũng vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, diễn ra khá phổ biến tại nước ta hiện nay. Tham nhũng gây đến những ảnh hưởng, hậu quả đặc biệt quan trong cho sự phát triển chung của xã hội, tác động tiêu cực đến sự bình ổn của an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn đưa ra những phương hướng, quy định điều chỉnh chặt chẽ, khách quan về việc phòng chống tham nhũng, quy định về việc kỷ luật tham nhũng.
2. Đảng viên tham nhũng sẽ bị kỷ luật, xử lý như thế nào?
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là người gia nhập và được kết nạp vào đồng thời sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là những thành tố quan trọng, đóng vai trò nòng cốt trong việc duy trì trật tự Đảng, sự vận hành và hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam. Để trở thành thành viên của Đảng cộng sản Việt Nam, công dân Việt Nam phải đảm bảo những yêu cầu, điều kiện nhất định về cả năng lực lẫn nhân thân. Vậy nên, Đảng viên phải là những chủ thể tài đức vẹn toàn. Khi trở thành Đảng viên, các cá nhân phải nghiêm túc tuân thủ và thực hiện các điều lệ Đảng. Đảng viên phải là tấm gương để mọi người noi theo. Vậy nên, khi Đảng viên có hành vi tham nhũng, sẽ bị kỷ luật, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 17 Quy định 69/QĐ-TW, đảng viên vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý, kỷ luật. Dựa theo điều luật này, đối với hành vi tham nhũng, Đảng viên sẽ bị xử lý như sau:
– Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:
+ Trong trường hợp Đảng viên không lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng, Nhà nước.
+ Đảng viên không lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và cán bộ, đảng viên thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
+ Hình thức kỷ luật này cũng có thể bị áp dụng trong trường hợp Đảng viên buông lỏng lãnh đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Những hành vi vi phạm nêu trên liên quan đến việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, mức độ liên quan (vi phạm) của Đảng viên mới ở mức thấp. Trong những trường hợp nêu quan ở trên, Đảng viên sẽ bị áp dụng mức kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Tuy nhiên, với những trường hợp nêu trên nhưng gây đến hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm, Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
– Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
+ Trường hợp Đảng viên không xử lý, bao che, dung túng cho tổ chức, cá nhân tham nhũng, tiêu cực và vi phạm quy định về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập.
+ Đảng viên thực hiện ban hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp mình về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
+ Đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực, ở cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý, Đảng viên không xử lý. Điều này gây ra những hậu quả kéo theo.
+ Trong hoạt động thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, tiêu cực, Đảng viên không lãnh đạo, chỉ đạo hoặc có hành vi cản trở.
+ Đối với hành vi tham nhũng, Đảng viên chịu trách nhiệm liên quan chỉ tiến hành chỉ đạo chỉ xử lý nội bộ hoặc xử lý về hành chính đối với cá nhân tham nhũng, tiêu cực, có dấu hiệu tội phạm.
+ Khi Đảng viên chịu trách nhiệm liên quan tiến hành bàn và thống nhất nhận tiền, tài sản không hợp pháp để sử dụng cho tập thể hoặc thành viên trong tổ chức đảng.
– Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức giải tán khi vi phạm một trong các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như sau:
+ Đảng viên vi phạm thực hiện ban hành nghị quyết, quyết định chống lại chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
+ Đảng viên vi phạm lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, bè phái gây mất ổn định chính trị, xã hội; tham nhũng có tổ chức.
Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ của hậu quả trong hành vi tham nhũng, Đảng viên sẽ phải đứng trước mức kỷ luật, xử lý như trên. Các quy định mà Nhà nước đưa ra mang tính điều chính khách quan cao. Nó được xem là căn cứ để xử lý đối với các chủ thể vi phạm; giúp giữ sạch nề nếp, môi trường chính trị toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam.
3. Đảng viên tham nhũng có bị khai trừ ra khỏi Đảng không?
Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm là Đảng viên tham nhũng có bị khai trừ ra khỏi Đảng không. Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Quy định 69/QĐ-TW, Đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:
– Đảng viên thực hiện tham gia rửa tiền, mở tài khoản, mua bán tài sản ra nước ngoài trái phép.
– Đảng viên tham gia chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục trái quy định tạo lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ nhằm mục đích trục lợi. Đồng thời, Đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che hoặc cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để làm trái quy định, trục lợi; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
– Đảng viên sẽ bị khai trừ khỏi Đảng khi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; đối phó, cản trở việc kiểm tra, giám sát, xác minh tài sản, thu nhập; Không chỉ đạo và tổ chức thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.
– Đảng viên thực hiện sử dụng dự thảo kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để đe dọa đối tượng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi.
– Trong trường hợp chỉ đạo xử lý hành chính, kinh tế đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực, có dấu hiệu tội phạm hoặc cho miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trái pháp luật đối với người phạm tội tham nhũng, tiêu cực, Đảng viên sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng.
– Đảng viên có hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới hoặc trực tiếp đưa, nhận “hoa hồng” hoặc môi giới đưa, nhận “hoa hồng” trái quy định. Nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi thực thi công vụ.
– Đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các hành vi trái quy định của pháp luật như: tham mưu, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, quyết định đấu thầu, chỉ định thầu hoặc quyết định đầu tư, cấp phép, quyết định tỷ lệ phần vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp, liên quan đến dự án, đề án kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đấu giá đất, tài sản Nhà nước nhằm trục lợi; Tham ô tiền, tài sản, lợi dụng chính sách an sinh xã hội và quỹ cứu trợ, cứu nạn để tham nhũng, tiêu cực; lợi dụng việc lập quỹ để trục lợi; gây ảnh hưởng với người khác hoặc giả mạo trong công tác để trục lợi; sử dụng trái phép tài sản của Đảng, Nhà nước, của tập thể nhằm trục lợi; để bao che, tiếp tay hành vi vi phạm pháp luật; cản trở, can thiệp trái pháp luật việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giảm án nhằm trục lợi; chiếm dụng tài sản công.
– Đảng viên không thực hiện bồi hoàn, giao nộp tiền, tài sản đã sử dụng, chiếm đoạt do tham nhũng; không chủ động thu hồi hoặc cản trở thu hồi tài sản tham nhũng
– Đảng viên thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã trái quy định của pháp luật.
Như vậy, từ những phân tích ở trên, có thể thấy, trong trường hợp Đảng viên tham nhũng, có thể bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Quy định 69/QĐ-TW; Luật phòng, chống tham nhũng 2018