Những điều Đảng viên không được làm được quy định tại Quy định 47-QĐ/TW năm 2011 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành. Nhiều người hiện nay đang có thắc mắc rằng: Vậy, Đảng viên có được xăm hình không? Có được nhuộm tóc không?
Mục lục bài viết
1. Đảng viên có được xăm hình không? Có được nhuộm tóc không?
Theo quy định tại Quy định 47-QĐ/TW năm 2011 về những điều Đảng viên không được làm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì Đảng viên không được làm các điều sau đây:
– Đảng viên không được nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.
– Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
– Đảng viên không được sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội hoặc phát tán bài viết, hồi ký không đúng sự thật. Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định.
-Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ; Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Khi Đảng viên nhận được những lời phê bình, tố cáo thì tuyệt đối không được đe dọạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý.
– Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.
Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.
– Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.
– Đảng viên (kể cả cấp uỷ viên và đảng viên là cán bộ diện cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ quản lý) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.
– Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ.
+ Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.
+ Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định.
+ Khi phát hiện ra những trường hợp tham nhũng, biết mà không báo cáo, phản ảnh, xử lý các hành vi tham nhũng; không thực hiện các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng.
+ Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước;
+ Huy động vốn và cho vay vốn tín dụng;
+ Thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án;
+ Thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng.
– Đảng viên có hành vi can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định.
+ Lợi dụng chức vụ được giao để chiếm dụng, vay, mượn tiền, tài sản của đối tượng trực tiếp quản lý trái quy định.
+ Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.
– Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định.
+ Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi cá nhân
– Đưa, nhận, môi giới hối lộ
+ Môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định.
– Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực;
+ Kê khai tài sản, thu nhập không đúng, quy định;
+ Mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định;
+ Tham gia hoạt động rửa tiên.
– Tổ chức du lịch, tặng quà, giải trí để lợi dụng người có trách, nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà mình tham gia.
– Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá tiêu chuẩn, định mức hoặc trái quy định.
+ Chiếm giữ, cho thuê, cho mượn tài sản, cho vay quỹ của Nhà nước, cơ quan, đơn vị tổ chức được giao quản lý, sử dụng trái quy định.
– Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
– Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; cho vay trái quy định của pháp luật; sử dụng các chất ma tuý; uống rượu, bia đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác.
+ Vi phạm đạo đức nghề nghiệp; có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định.
– Mê tín, hoạt động mê tín dị đoan
– Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi.
Theo đó việc Đảng viên xăm hình hay nhuộm tóc không nằm trong những điều cấm Đảng viên không được làm. Cho nên Đảng viên vẫn có thể xăm hình và nhuộm tóc, tuy nhiên vì bản thân người Đảng viên cũng cần phải tiết chế việc này. Ngoài ra tại nhiều cơ quan, tổ chức nơi Đảng viên làm việc có quy định Đảng viên không được xăm hình quá lớn hoặc nhuộm tóc màu quá nổi.
2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật Đảng:
Tất cả các tổ chức Đảng và Đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời.
Thi hành kỷ luật phải được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy trình và đúng thủ tục cũng như thẩm quyền theo quy định của Đảng
Khi xem xét kỷ luật đảng cần phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất cũng như mức độ, hậu quả nguyên nhân, hoàn cảnh nào dẫn đến vi phạm. Xem xét các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ như: ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục hậu quả, vi phạm đã gây ra
Một hành vi vi phạm kỷ luật chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Nếu có hai hành vi vi phạm trở lên tại cùng một thười điểm thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất. Không tách riêng từng hành vi vi phạm để xử lý kỷ luật nhiều lần
Sau 12 tháng, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng), nếu xét thấy tổ chức đảng hoặc đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật sẽ được đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
Trong trường hợp tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật oan, sai thì tổ chức đảng sẽ ra quyết định kỷ quyệt phải hủy bỏ hoặc thay đổi quyết định kỷ luật cho phù hợp nếu tổ chức đảng không thực hiện thì tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đã ra quyết định kỷ luật oan, sai, nếu có vi phạm đến mức phải kỷ luật thì xử lý theo quy định.
Tổ chức đảng bị kỷ luật đã chuyển giao, chia tách, sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động thì việc công bố quyết định kỷ luật thực hiện ở tổ chức đảng đã tiếp nhận việc chuyển giao, chia tách, sáp nhập hoặc tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó.
Kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật.
Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước đối với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Quy định 47-QĐ/TW quy định về những điều đảng viên không được làm