Đảng viên là một vị trí gương mẫu, luôn tuân thủ sống và làm việc theo quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật. Thực tế, trường hợp Đảng viên có con ngoài giá thú thì bị xử lý kỷ luật thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là Đảng viên?
Theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam có nêu rõ Đảng viên là một người chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Lý tưởng của một Đảng viên là do nhân và vì dân; mục tiêu phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Đảng viên phải vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích của cá nhân mình phía sau lợi ích của Đảng, của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Đảng viên phải có được phẩm chất trong sạch, có đạo đức sống và lối sống đúng đắn, lành mạnh; không được thực hiện những hành vi trái lương tâm, đạo đức và pháp luật. Đảng viên phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đảng viên gắn bó mật thiết với nhân dân, phục tùng tổ chức cũng như kỷ luật của Đảng.
2. Đảng viên có con ngoài giá thú thì bị xử lý kỷ luật thế nào?
Có con ngoài giá thú thực tế được hiểu là người con được sinh ra khi cha, mẹ chưa đăng ký kết hôn, như vậy sẽ có 02 trường hợp:
Một là, con sinh ra lúc cha, mẹ chưa tiến hành đăng ký kết hôn, tức là còn đang độc thân.
Hai là, con sinh ra khi cha mẹ không phải là vợ chồng hợp pháp, tức hiểu một trong các bên hoặc cả hai bên đã có gia đình nhưng ngoại tình dẫn đến việc có con.
Thực tế, trong các Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định… của Đảng chưa có quy định nào về việc xử lý kỷ luật Đảng viên độc thân sinh con mà không đăng ký kết hôn. Chính vì thế con sinh ra theo như trường hợp một ở trên sẽ không bị xử lý kỷ luật.
Còn với trường hợp con sinh ra như trường hợp số hai thì đó lại là hành vi vi phạm đạo đức cũng như vi phạm pháp luật, đặc biệt là đối với Đảng viên.
Căn cứ Điều 51 Quyết định số 69-QĐ/TW 2022 quy định xử lý kỷ luật đối với Đảng viên về hành vi vi phạm quy định hôn nhân và gia đình như sau:
– Xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
+ Có hành vi trốn tránh trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên.
+ Có hành vi can thiệp việc kết hôn, ly hôn hoặc để con tảo hôn.
+ Sau khi ly hôn mà có hành vi cản trở người không trực tiếp nuôi con được thăm con.
+ Sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giả mạo giấy tờ để đăng ký nuôi con nuôi.
+ Chung sống với người khác như vợ, chồng khi không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng).
+ Vi phạm quy định về mang thai hộ.
– Xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
+ Với những hành vi Đảng viên đã bị kỷ luật hình thức khiển trách mà còn tái phạm hoặc thực hiện hành vi vi phạm lần đầu nhưng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
+ Vi phạm việc sửa chữa, làm sai lệch nội dung hoặc giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn.
+ Có hành vi thực hiện khai gian dối hoặc lừa dối khi đăng ký kết hôn hoặc cho, nhận nuôi con nuôi.
+ Khi đang có vợ hoặc có chồng mà có con với người khác.
+ Thiếu trách nhiệm, xác nhận không đúng tình trạng hôn nhân dẫn đến người khác đăng ký kết hôn không hợp pháp hoặc trái quy định.
– Xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
+ Thực hiện những hành vi quy định như trên mà gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
+ Có hành vi ép buộc vợ (chồng), con làm những việc trái đạo lý, trái pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Vi phạm các quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây dư luận xấu trong xã hội.
+ Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn mà từ chối thực hiện.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 7 Mục III Hướng dẫn số 05/HD/UBKTTW năm 2022 có quy định về hành vi vi phạm hôn nhân và gia đình, trong đó có hành vi đảng viên bị kỷ luật là có con đẻ ngoài hôn nhân với người khác.
Do vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, có thể thấy nếu đảng viên có con ngoài giá thú (có con đẻ ngoài hôn nhân với người khác) thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc với người đang có chức vụ thì sẽ bị cách chức, hoặc thậm chí tùy mức độ có thể bị khai trừ khỏi Đảng.
3. Quy trình xử lý kỷ luật Đảng viên:
Nguyên tắc tất cả các tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Khi thực hiện kỷ luật Đảng viên phải đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Đảng. Đồng thời khi tiến hành xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.
Theo quy định tại Điều 15 Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trình tự xử lý kỷ luật một Đảng viên vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình như sau:
– Tổ chức thực hiện bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật bằng phiếu kín. Cụ thể kết quả tính số phiếu biểu quyết như sau:
+ Không có hình thức kỷ luật nào đủ số phiếu: cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức nào có kết quả đủ số phiếu theo quy định thì quyết định kỷ luật bằng hình thức đó.
+ Phải được sự đồng ý của trên một nửa số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng nếu quyết định kỷ luật hay đề nghị áp dụng kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức đối với đảng viên.
+ Phải được ít nhất 2/3 số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó nhất trí đề nghị khi áp dụng hình thức khai trừ Đảng viên và kèm theo có sự đồng ý trên một nửa số thành viên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định.
– Nếu Đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định của cấp mình thì sẽ tiến hành đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
Lưu ý: Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Tại cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất. Tuyệt đối khi xử lý kỷ luật không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần.
Và việc kỷ luật Đảng viên này sẽ không thay thế hình thức xử lý kỷ luật vi phạm hành chính. Do đó, kể cả Đảng viên bị xử lý kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng rồi vẫn sẽ chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với hành vi vi phạm.
4. Mẫu phiếu biểu quyết đề nghị thi hành kỷ luật đối với Đảng viên:
…….. | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
| ……., ngày….tháng…..năm 20….. |
PHIẾU BIỂU QUYẾT
thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên…(họ và tên, chức vụ)
1. Không kỷ luật | □ |
2- Khiển trách | □ |
3- Cảnh cáo | □ |
4- Cách chức (Ghi đầy đủ chức vụ từ khi vi phạm đến thời điểm hiện tại của đảng viên): |
|
(1)……… | □ |
(2)……… | □ |
(3)……… | □ |
(4) Tất cả các chức vụ trong Đảng. | □ |
5- Khai trừ ……… | □ |
Ghi chú:
– Đồng ý hình thức nào thì đánh dấu X vào ô tương ứng.
– Đảng viên không có chức vụ thì không ghi hình thức cách chức trong phiếu biểu quyết.
– Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng: Chỉ đưa vào phiếu khi đảng viên có nhiều chức vụ về Đảng, kể cả chức vụ ở nhiệm kỳ trước và hiện tại.
– Một chức vụ qua nhiều nhiệm kỳ: Cần ghi đủ từng nhiệm kỳ theo từng ô (để biểu quyết rõ việc cách chức một hay các nhiệm kỳ cụ thể).
– Đã đồng ý ở ô (4) thì không đánh dấu vào các ô (1), (2), (3) trong mục 4 (Cách chức).
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam .
Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Quyết định số 69-QĐ/TW 2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Quy định số 102-QĐ/TW xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.