Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu như Đảng viên có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của đơn vị thì sẽ phải áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật. Vậy trường hợp nếu như Đảng viên bị xử lý kỷ luật có tiếp tục được bổ nhiệm không?
Mục lục bài viết
1. Đảng viên bị xử lý kỷ luật có tiếp tục được bổ nhiệm không?
Theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam có nêu rõ Đảng viên là một người chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Lý tưởng của một Đảng viên là do nhân và vì dân; mục tiêu phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Đảng viên phải vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích của cá nhân mình phía sau lợi ích của Đảng, của Nhà nước.
Căn cứ Điều 2 Quyết định số 69-QĐ/TW 2022 quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với Đảng viên như sau:
– Tất cả đảng viên và tổ chức đảng sẽ bình đẳng trước kỷ luật của Đảng.
Tổ chức đảng hay đảng viên khi vi phạm các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì phải tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật một cách chính xác, kịp thời và công minh.
– Khi xử lý kỷ luật phải đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Đảng.
– Phải căn cứ dựa trên nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra để tiến hành xem xét kỷ luật.
– Chỉ được kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật đối với một hành vi vi phạm.
Trường hợp có hai hành vi vi phạm trở lên cùng một thời điểm thì phải tiến hành xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất.
– Sau thời gian là 12 tháng tính từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật, nếu như tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật, khi đó quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
– Tổ chức đảng ra quyết định kỷ luật phải hủy bỏ hoặc thay đổi quyết định kỷ luật cho phù hợp nếu như tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, sai.
Tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đã ra quyết định kỷ luật oan, sai, nếu có vi phạm đến mức phải kỷ luật thì xử lý theo quy định khi tổ chức đảng không thực hiện.
– Việc công bố quyết định kỷ luật thực hiện ở tổ chức đảng đã tiếp nhận việc chuyển giao, chia tách, sáp nhập hoặc tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng nếu như tổ chức đảng bị kỷ luật đã chuyển giao, chia tách, sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động.
– Đối với trường hợp kỷ luật tổ chức đảng: cơ quan có thẩm quyền phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức. Bên cạnh đó phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
– Đối với đảng viên vi phạm pháp luật: đảm bảo phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
– Áp dụng biện pháp khai trừ ra khỏi Đảng với trường hợp đảng viên có vi phạm pháp luật đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên.
– Lưu ý hình thức kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật.
– Nếu như có nhiều đảng viên vi phạm trong cùng một vụ việc: mỗi đảng viên phải bị kỷ luật về hành vi vi phạm của mình.
– Đối với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật: không được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì có thể thấy trong thời gian bị xử lý kỷ luật, Đảng viên sẽ không được bổ nhiệm.
2. Hết thời gian xử lý kỷ luật, Đảng viên có được tiếp tục bổ nhiệm:
Theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-VPQH quy định thì đối với trường hợp đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật khiển trách như sau:
– Đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật: nếu như cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, nếu như hết thời hạn trên, cán bộ, công chức không có hành vi vi phạm đến mức bị áp dụng xử lý kỷ luật thì vẫn tiếp tục được thực hiện nâng ngạch, bổ nhiệm bình thường.
– Đối với viên chức: Nếu như viên chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày quyết định có hiệu lực.
Do vật, đối với đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật khiển trách sẽ không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Tuy nhiên, hết thời hạn này nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì vẫn được bổ nhiệm lại nếu đảm bảo đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Xử lý kỷ luật Đảng viên tiến hành như thế nào?
Theo quy định tại Điều 15 Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trình tự xử lý kỷ luật một Đảng viên vi phạm các quy định của pháp luật, của đơn vị, Nhà nước như sau:
– Tổ chức thực hiện bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật bằng phiếu kín. Cụ thể kết quả tính số phiếu biểu quyết như sau:
+ Không có hình thức kỷ luật nào đủ số phiếu: cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức nào có kết quả đủ số phiếu theo quy định thì quyết định kỷ luật bằng hình thức đó.
+ Phải được sự đồng ý của trên một nửa số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng nếu quyết định kỷ luật hay đề nghị áp dụng kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức đối với đảng viên.
+ Phải được ít nhất 2/3 số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó nhất trí đề nghị khi áp dụng hình thức khai trừ Đảng viên và kèm theo có sự đồng ý trên một nửa số thành viên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định.
– Nếu Đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định của cấp mình thì sẽ tiến hành đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
Lưu ý: Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Tại cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất. Tuyệt đối khi xử lý kỷ luật không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần.
Và việc kỷ luật Đảng viên này sẽ không thay thế hình thức xử lý kỷ luật vi phạm hành chính. Do đó, kể cả Đảng viên bị xử lý kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng rồi vẫn sẽ chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với hành vi vi phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-VPQH Luật cán bộ, công chức.
Quy định số 102-QĐ/TW xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Quy định 22-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
THAM KHẢO THÊM: