Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Vậy đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà thế nào?
Mục lục bài viết
1. Có bắt buộc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài hay không?
Hiện nay, trong xu thế phát triển, hội nhập, toàn cầu hóa ngày nay, nhu cầu ngoại giao, giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng nhiều. Đây chính là lý do góp phần thúc đẩy sự qua lại giữa công dân các nước với nhau. Mỗi năm, Việt Nam đón hàng triệu du khách. Đồng thời, cũng có rất nhiều người nước ngoài đến học tập, công tác tại Việt Nam. Khi sinh sống và làm việc (lưu trú) tại Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định, người nước ngoài phải thực hiện khai báo đăng ký tạm trú tại cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Tức ở đây, khi tạm trú tại Việt Nam, người nước ngoài sẽ phải thực hiện khai báo tạm trú tại cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể khẳng định, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam bắt buộc phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Quy định về việc đăng ký cho người nước ngoài là do cơ quan Nhà nước Việt Nam đưa ra. Các quy định này dựa trên khuôn khổ điều chỉnh của hệ thống pháp lý Việt Nam, cũng như công tác quản lý dân cư của cơ quan chức năng có thẩm quyền, buộc tất cả các cá nhân phải tuân thủ thực hiện.
2. Đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà thế nào?
Cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài gồm: Khách sạn, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám, chữa bệnh, nhà riêng.
Hiện nay, tại Việt Nam, có 2 hình thức khai báo tạm trú người nước ngoài thuê nhà là khai báo qua mạng tại Trang thông tin điện tử và khai báo bằng Phiếu khai báo tạm trú.
2.1. Cách tiến hành đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà bằng hình thức khai báo qua mạng tại Trang thông tin điện tử:
+ Bước 1: Truy cập vào website của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh nơi đặt cơ sở lưu trú.
+ Bước 2: Chủ thể trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú chọn Tải xuống để xem hướng dẫn cụ thể hoặc bấm vào đăng ký để tiến hành tạo tài khoản khai báo tạm trú cho người nước ngoài.
+ Bước 3: Đăng ký tài khoản
Người nước ngoài sẽ lựa chọn loại cơ sở lưu trú (trong trường hợp này là nhà trọ).
Đối với phần Thông tin người đăng ký tài khoản sẽ sử dụng tài khoản này để quản lý cũng như khai báo tạm trú cho người nước ngoài đến Việt Nam.
Sau đó, cá nhân chọn phần mục “Hoàn tất đăng ký”.
+ Bước 4: Đăng nhập tài khoản.
Cá nhân tiến hành đăng nhập tài khoản bằng tài khoản đã được đăng ký trước đó.
+ Bước 5: Khai báo lưu trú cho người nước ngoài bằng việc điền đầy đủ các thông tin hiển thị trên hệ thống.
2.2. Cách tiến hành đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà bằng hình thức khai báo qua phiếu khai báo:
+ Bước 1: Người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở lưu trú tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Vậy nên, người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở lưu trú sẽ đảm nhiệm tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài.
+ Bước 2: Khai, nộp Phiếu khai báo tạm trú theo mẫu NA17 Thông tư
Trong phiếu khai báo này, người nước ngoài sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về việc lưu trú, để phục vụ cho công tác tiếp nhận và quản lý thông tin cư trú của Cơ quan chức năng có thẩm quyền.
+ Bước 3: Nhận phiếu khai báo tạm trú.
Sau khi hoàn tất việc đăng ký tạm trú thông qua phiếu khai báo tạm trú, người khai báo tạm trú nhận lại ngay Phiếu khai báo tạm trú đã có xác nhận của trực ban Công an cấp xã.
Trên đây là cách thức đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam.
3. Ý nghĩa của việc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà:
Việc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với người nước ngoài, mà còn có giá trị sâu sắc với công tác quản lý dân cư của Nhà nước Việt Nam.
– Thông qua việc đăng ký tạm trú, cơ quan Nhà nước Việt Nam sẽ nắm bắt được thông tin về người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam. Đồng thời, đây là cơ sở để chính quyền địa phương nơi người nước ngoài tạm trú quản lý hoạt động của các chủ thể này một cách khách quan và hiệu quả, tránh những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra.
– Việc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam giúp công tác quản lý dân cư và xã hội của cơ quan chức năng có thẩm quyền được chặt chẽ và toàn diện nhất. Đây là căn cứ xác minh tính tối cao, hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân cư. Đặc biệt, việc quản lý cư trú của người nước ngoài giúp đảm bảo tính an toàn của nền an ninh xã hội.
– Khi đăng ký tạm trú, người nước ngoài sẽ được cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, mọi hoạt động của người nước ngoài sẽ nằm trong sự giám sát, bảo vệ của chính quyền Việt Nam. Trong trường hợp phát sinh những rủi ro, thông qua thông tin khai báo cư trú, Nhà nước Việt Nam sẽ hỗ trợ người nước ngoài tạm trú một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Hay nói cách khác, quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài khi tạm trú tại Việt Nam sẽ được đảm bảo.
– Sâu sắc hơn, hoạt động quản lý người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thông qua khai báo tạm trú giúp người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập hay du lịch tại Việt Nam có một trải nghiệm an toàn và lành mạnh. Đây là yếu tố níu chân du khách, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
Trên đây là những vai trò, ý nghĩa của hoạt động khai báo tạm trú cho người nước ngoài. Từ những vai trò, ý nghĩa sâu sắc này, Nhà nước cần thắt chặt công tác quản lý hoạt động khai báo tạm trú cho người nước ngoài.
4. Mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài:
Mẫu (Form) NA17 |
Tên cơ sở lưu trú:……(1) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ……ngày, ……tháng…… năm……… | |
PHIẾU KHAI BÁO TẠM TRÚ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Kính gửi:…………
STT | Họ Tên | Giới tính | Sinh ngày, tháng, năm | Quốc tịch | Loại, số hộ chiếu (2) | Loại, thời hạn, số, ngày cấp, cơ quan cấp thị thực (3) | Ngày, cửa khẩu nhập cảnh (4) | Mục đích nhập cảnh | Tạm trú (từ ngày đến ngày) | |
Nam | Nữ | |||||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Xác nhận | Đại diện cơ sở lưu trú |
Ghi chú:
(1) Cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng, hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật.
(2): Ghi rõ số, loại hộ chiếu (phổ thông, công vụ…);
(3): Nếu nhập cảnh theo diện miễn thị thực thì ghi “Miễn thị thực”; nhập cảnh bằng giấy tờ khác thì ghi rõ theo thứ tự: loại giấy tờ (thị thực, thẻ tạm trú, giấy miễn thị thực, thẻ ABTC), số, thời hạn, ngày cấp, cơ quan cấp.
(4): Ghi ngày, tháng, năm, cửa khẩu nhập cảnh lần gần nhất;
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài 2014;
Thông tư 04/2015/TT-BCA Quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam