Đăng ký nhãn hiệu không trung thực là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhiều đối tượng thực hiện hành vi này với mục đích trái pháp luật, hoặc có động cơ trục lợi cá nhân. Vậy đăng ký nhãn hiệu không trung thực được hiểu như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đăng ký nhãn hiệu không trung thực là như thế nào?
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về các trường hợp đăng ký nhãn hiệu không trung thực. Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 96 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về việc hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Theo đó, văn bằng bảo hộ sẽ bị hủy bỏ hiệu lực toàn bộ khi thuộc một trong những trường hợp cơ bản sau đây:
– Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dụng ý xấu;
– Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định của pháp luật về kiểm soát an ninh đối với sáng chế căn cứ theo quy định tại Điều 89 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022;
– Đơn đăng ký sáng chế đối với các sáng chế được trực tiếp sáng tạo ra dựa trên cơ sở nguồn gốc gien hoặc dựa trên cơ sở tri thức truyền thống và nguồn gien tuy nhiên không bộc lộ, hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của các loại gien/tri thức truyền thống về nguồn gien có trong đơn.
Theo đó thì có thể nói, hành vi đăng ký nhãn hiệu không trung thực là một trong những căn cứ để hủy bỏ toàn bộ hiệu lực đối với văn bằng bảo hộ.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 117 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về vấn đề từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Theo đó, trong đơn đăng ký sáng chế, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ khi thuộc một trong những trường hợp cơ bản như sau:
– Có cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra khẳng định về việc đối tượng được nêu trong đơn đăng ký không đáp ứng đầy đủ điều kiện để có thể được bảo hộ;
– Có cơ sở để đưa ra khẳng định về việc người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký đối với đối tượng sở hữu công nghiệp đó, hoặc người nộp đơn đăng ký có hành vi đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;
– Đơn đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật tuy nhiên không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc không phải là đơn có ngày nộp đơn sớm nhất thuộc các trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 90 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022;
– Đơn thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 90 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 tuy nhiên không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn;
– Quá trình sửa đổi hoặc bổ sung đơn là mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc các đối tượng đã được nêu trong đơn, hoặc làm thay đổi bản chất của các đối tượng yêu cầu đăng ký được nêu cụ thể trong đơn.
Từ các điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, pháp luật Việt Nam đã có quy định đối với hành vi đăng ký nhãn hiệu không trung thực, tuy nhiên chưa có bất cứ điều luật cụ thể nào xác định rõ tiêu chí để nhận biết hành vi đăng ký nhãn hiệu không trung thực. Đây được xem là một trong những thiếu sót của Luật sở hữu trí tuệ năm 2022, trong thời gian tới, hy vọng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bổ sung các tiêu chí nhận biết hành vi đăng ký nhãn hiệu không trung thực. Đối chiếu và học hỏi với một số quốc gia trên thế giới, có thể đưa ra một số tiêu chí để xác định hành vi đăng ký nhãn hiệu không trung thực như sau:
– Có hành vi sao chép giống hoàn toàn hoặc tương tự đối với các nhãn hiệu nổi tiếng của các chủ thể khác;
– Có hành vi dịch nhãn hiệu sang tiếng việt hoặc dịch sang tiếng nước ngoài thông dụng, để thực hiện hoạt động đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng của các chủ thể khác trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Đăng ký không trung thực, chiếm đoạt đối với nhãn hiệu của người khác khi thấy họ chưa đăng ký nhãn hiệu đó trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Có hành vi tự tiện đại diện chủ sở hữu nộp đơn đăng ký nhãn hiệu khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu, hoặc khi chủ sở hữu yêu cầu chuyển nhượng/thay đổi thông tin đăng ký nhãn hiệu tuy nhiên không hợp tác thực hiện;
– Thực hiện các hành vi có dụng ý xấu, không trung thực khác khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu, từ đó xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hợp pháp.
2. Mục đích của việc quy định đăng ký nhãn hiệu không trung thực:
Nhìn chung, việc quy định về vấn đề đăng ký nhãn hiệu không trung thực, với dụng ý xấu trước hết nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ sở hữu nhãn thực sự. Đây cũng được xem là cơ sở và là tiền đề để các chủ sở hữu nhãn hiệu có căn cứ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước cơ quan có thẩm quyền, là cơ sở để có thể đòi lại quyền sở hữu nhãn hiệu trên thực tế. Luật sở hữu trí tuệ quy định về vấn đề đăng ký nhãn hiệu không trung thực để tạo ra cơ sở pháp lý nhằm giải quyết xung đột khi có các mâu thuẫn xảy ra trong thực tế. Có thể kể đến một số mục đích cơ bản của việc quy định đăng ký nhãn hiệu không trung thực như sau:
– Nhằm mục đích hạn chế hành vi vi phạm quy định của pháp luật của các đối tượng xấu trong xã hội;
– Là cơ sở để chủ sở hữu nhãn hiệu bảo vệ tối đa quyền lợi của mình, yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu khi có người khác chiếm đoạt và sử dụng thiếu trung thực, có dụng ý xấu;
– Hạn chế tối đa hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường quyền sở hữu trí tuệ;
– Thể hiện sự tiến bộ của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, có sự học hỏi và phát huy những điểm tích cực trong pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia trên thế giới.
3. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả bị nghiêm cấm:
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể như sau:
– Xâm phạm đến quyền nhân thân căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022, xâm phạm đến quyền tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022;
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 24 và Điều 26 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022;
– Có hành vi cố tình hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp công nghệ hữu hiệu do các tác giả và do các chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện nhằm mục đích bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm của mình, thực hiện các hành vi được quy định tại Điều 35 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022;
– Có hành vi sản xuất, nhập khẩu, chào bán, mua bán, phân phối, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị dưới bất kỳ hình thức nào, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại, tìm kiếm lợi nhuận đối với các loại thiết bị và sản phẩm, đối với các loại linh kiện, giới thiệu và cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết các thiết bị, các sản phẩm, các linh kiện và các dịch vụ đó đã được sản xuất, sử dụng nhằm mục đích vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quy định của pháp luật;
– Có hành vi cố tình xóa bỏ, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin liên quan đến quản lý quyền sở hữu trí tuệ mà không được phép của các tác giả, không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục hoặc có khả năng tạo ra điều kiện thuận lợi, hoặc nhằm mục đích che giấu hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quyền tác giả, các hành vi mà luật sở hữu trí tuệ nghiêm cấm;
– Có hành vi cố tình phân phối, nhập khẩu để phân phối, có hành vi truyền đạt, cung cấp, phát sóng đến công chúng các bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết các thông tin đó đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu xóa bỏ, gỡ bỏ, thay đổi, khi thực hiện hoạt động phát sóng không được sự đồng ý và xin phép của chủ sở hữu quyền tác giả, khi biết và có cơ sở để biết quá trình thực hiện hành vi của mình sẽ nhằm mục đích sử dụng hoặc tạo ra khả năng, tạo ra điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến quyền tác giả;
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật liên quan đến quyền tác giả để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian căn cứ theo quy định tại Điều 198 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.