Quy định về việc đăng ký, ngừng khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nhằm đảm bảo hoạt động vận tải hành khách diễn ra hiệu quả và an toàn. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các quy định cụ thể về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Vận tải hành khách theo tuyến cố định là gì?
Khái niệm về tuyến cố định được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau: tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi lịch trình, hành trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến, đối với tuyến xe buýt thì xác định điểm đầu và điểm cuối.
Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định hành trình, lịch trình nhất định, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến.
2. Quy trình đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định:
2.1. Đối với tuyến mới không nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố:
Quy trình đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách tuyến cố định đối với tuyến mới không nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố được quy định tại khoản 1, 2 Điều 20 Nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau:
– Dựa trên danh sách tuyến vận tải hành khách cố định được công bố, các doanh nghiệp và hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo loại hình tuyến cố định được phép chọn lựa giờ xuất bến và đăng ký khai thác tuyến vào các thời điểm chưa có đơn vị nào khai thác.
– Đối với tuyến mới chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố:
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải cần xây dựng phương án và thống nhất với bến xe hai đầu tuyến về giờ xe xuất bến, sau đó gửi phương án tới Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến để đăng ký khai thác tuyến theo quy định;
+ Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải không thống nhất được giờ xe xuất bến với bến xe thì Sở Giao thông vận tải quyết định giờ xe xuất bến trên cơ sở đề xuất của đơn vị vận tải;
+ Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thực hiện cấp phù hiệu cho phương tiện, bổ sung, cập nhật vào danh mục chi tiết tuyến theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đồng thời báo cáo về Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét việc công bố danh mục mạng lưới tuyến và cập nhật, bổ sung theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2.2. Hồ sơ đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định:
Hồ sơ đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định được quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định như sau:
– Hồ sơ đăng ký khai thác tuyến bao gồm:
+ Đăng ký khai thác tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
+ Bản sao Biên bản thống nhất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia khai thác tuyến với bến xe hai đầu tuyến (áp dụng đối với trường hợp tuyến mới).
Như vậy, để đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định thì hồ sơ mà doanh nghiệp, hợp tác xã cần chuẩn bị phải có các giấy tờ như trên.
2.3. Quy trình đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định áp dụng từ ngày 01/7/2021:
– Quy trình đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định áp dụng từ ngày 01/7/2021 như sau:
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khai thác tuyến về Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải. Đối với việc đăng ký khai thác tuyến, Sở không nhận hồ sơ gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý tuyến hoặc hồ sơ gửi qua đường bưu điện;
+ Sở Giao thông vận tải phải kiểm tra hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ thông báo trực tiếp trên hệ thống dịch vụ công nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp hồ sơ đăng ký cần sửa đổi, bổ sung.
Doanh nghiệp, hợp tác xã phải hoàn thiện và cập nhật hồ sơ lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo sửa đổi, bổ sung của Sở Giao thông vận tải.
Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không hoàn thiện, bổ sung đủ hồ sơ trong vòng 2 ngày kể từ khi nhận được thông báo thì hồ sơ được coi là không hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tiếp tục kiểm tra hồ sơ tiếp theo theo thứ tự thời gian nộp trên hệ thống dịch vụ công;
+ Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ ban hành Thông báo bằng văn bản về việc đăng ký khai thác tuyến thành công và trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định và gửi:
Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia (đối với trường hợp đăng ký khai thác tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh), doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe hai đầu tuyến để phối hợp quản lý theo mẫu quy định tại Phụ lục IV Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Nếu trong trường hợp có nhiều hồ sơ cùng đăng ký trùng giờ xuất bến và trùng tuyến, Sở Giao thông vận tải xử lý hồ sơ theo thứ tự thời gian nộp hồ sơ của doanh nghiệp, hợp tác xã trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đơn vị nộp trước được kiểm tra, xử lý trước.
– Hiệu lực của thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng tham gia khai thác tuyến hoặc theo hiệu lực của quyết định đình chỉ khai thác tuyến của Sở Giao thông vận tải.
Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện đưa xe vào khai thác trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có Thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công thì Thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công không còn hiệu lực.
– Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định áp dụng từ ngày 01/7/2021.
3. Ngừng khai thác tuyến hoặc ngừng khai thác một hoặc một số chuyến xe trên tuyến:
Theo khoản 7 Điều 20 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, hợp tác xã khi ngừng khai thác tuyến hoặc ngừng khai thác một số chuyến xe trên tuyến thì thực hiện như sau:
– Doanh nghiệp, hợp tác xã phải gửi thông báo đến bến xe hai đầu tuyến, Sở Giao thông vận tải và chỉ được phép ngừng hoạt động sau khi đã niêm yết tại bến xe hai đầu tuyến tối thiểu 15 ngày;
– Sở Giao thông vận tải cập nhật và công bố lại các nội dung về biểu đồ chạy xe theo tuyến và cập nhật vào danh mục mạng lưới tuyến các nội dung gồm: Tổng số chuyến xe tối đa được khai thác trên tuyến, giờ xuất bến của các chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác, giãn cách thời gian tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề; danh sách đơn vị đang khai thác tuyến; xây dựng và thông báo điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến.
– Nếu trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị đình chỉ khai thác tuyến nếu không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục thì phải nộp lại phù hiệu cho cơ quan cấp.
– Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh ban hành Quyết định đình chỉ khai thác tuyến và gửi cho Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, đồng thời đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.