Người đang đi tù chính là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân (phạm nhân) tại cơ sở giam giữ phạm nhân. Vậy theo các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự hiện hành thì người đang đi tù mà bố, mẹ của người đó mất có được về chịu tang không?
Mục lục bài viết
1. Đang đi tù mà bố, mẹ mất có được về chịu tang không?
Người đang đi tù chính là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân (phạm nhân) tại cơ sở giam giữ phạm nhân. Khoản 17 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019 có giải thích trích xuất chính là việc thực hiện những quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục ở tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho chính các cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ cho những hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định.
Theo quy định trên thì trích xuất chính là đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành về biện pháp tư pháp giáo dục ở tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho chính những cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ cho các hoạt động sau trong thời hạn nhất định theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền:
– Hoạt động điều tra;
– Hoạt động truy tố;
– Hoạt động xét xử;
– Khám bệnh;
– Chữa bệnh;
– Quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo.
Như vậy, qua các quy định trên thì có thể khẳng định được rằng người đang đi tù chỉ được đưa ra khỏi nơi quản lý (cơ sở giam giữ) để phục vụ cho các hoạt động sau trong thời hạn nhất định theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền:
– Hoạt động điều tra;
– Hoạt động truy tố;
– Hoạt động xét xử;
– Khám bệnh;
– Chữa bệnh;
– Quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo.
Còn đối với trường hợp bố, mẹ của phạm nhân mất (người đang đi tù) thì không thuộc trường hợp được đưa ra khỏi nơi quản lý (cơ sở giam giữ), vì thế người đang đi tù mà bố, mẹ mất thì không được về chịu tang.
2. Làm cách nào để người đang đi tù biết thông tin bố, mẹ mất?
Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về chế độ gặp của phạm nhân như sau:
– Phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không được quá 01 giờ.
– Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, khi đó Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định việc kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ.
– Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì sẽ được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
– Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân thì 02 tháng sẽ được gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ.
– Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác có đề nghị được gặp phạm nhân thì khi đó Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện sẽ xem xét, quyết định.
– Khi gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc là cá nhân khác, phạm nhân được nhận thư, tiền, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm.
Điều 54 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định Chế độ liên lạc của phạm nhân như sau:
– Phạm nhân được gửi mỗi tháng 02 lá thư. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải kiểm tra, kiểm duyệt thư mà phạm nhân gửi và nhận. Cụ thể:
+ Khi gặp những người mà được thăm gặp phạm nhân mà pháp luật quy định phạm nhân được nhận, gửi thư.
+ Thư của phạm nhân phải được kiểm tra kỹ trước khi được đưa vào cơ sở giam giữ.
+ Phạm nhân được gửi 02 lá thư trong một tháng, trước khi gửi nếu như phát hiện có nội dung xấu, ảnh hưởng quá trình chấp hành án của phạm nhân thì lập biên bản và không cho gửi.
+ Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ bị giam riêng, phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật thì ở trong thời gian chưa được công nhận cải tạo tiến bộ, Thủ trưởng cơ sở giam giữ có thể hạn chế việc nhận, gửi thư
– Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng 01 lần, mỗi lần không được quá 10 phút, trừ trường hợp cấp bách. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định việc cho phạm nhân được liên lạc bằng điện thoại và tổ chức kiểm soát việc liên lạc này. Cụ thể:
+ Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân không được quá 04 lần trong 01 tháng, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí.
+ Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy cơ sở giam giữ, có thành tích ở trong lao động, học tập thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tăng thêm mỗi tháng 01 lần không quá 10 phút.
+ Trong trường hợp gia đình thân nhân phạm nhân gặp thiên tai, địch họa; có thân nhân đã hy sinh, từ trần, bị bệnh nặng; phạm nhân không còn thuốc do thân nhân bảo đảm để sử dụng theo như đơn chỉ định của cơ quan y tế hoặc những trường hợp đặc biệt khác thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ sẽ quyết định cho phạm nhân điện thoại liên lạc với thân nhân nhưng sẽ không được quá thời lượng cho 01 lần liên lạc theo quy định.
+ Khi liên lạc điện thoại với thân nhân, phạm nhân phải liên lạc đúng số điện thoại và các nội dung đã đăng ký; sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trừ các phạm nhân là người dân tộc thiểu số và là người nước ngoài không biết tiếng Việt.
Như vậy, qua các quy định trên thì các cách để người đang đi tù biết thông tin bố, mẹ mất bao gồm có:
– Qua lần gặp thân nhân;
– Qua những lần được nhận, gửi thư;
– Qua hình thức liên lạc bằng điện thoại với thân nhân.
3. Xử lý khi người đang đi tù bỏ trốn về chịu tang bố, mẹ mất:
Căn cứ Điều 42 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì xử lý khi người đang đi tù bỏ trốn về chịu tang bố, mẹ mất như sau:
– Khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức cuộc truy bắt ngay, báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo đến ngay cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc thực hiện truy bắt không có kết quả thì khi đó Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu sẽ phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.
– Mọi trường hợp phạm nhân bỏ trốn đều phải được lập biên bản, áp dụng về những biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
– Phạm nhân đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo đúng với thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thi hành án hình sự 2019.
– Thông tư 182/2019/TT-BQP quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư.
THAM KHẢO THÊM: