Theo cơ quan nhà nước có thẩm quyền hiện nay, khi người dân nhặt được các loại giấy tờ tùy thân của người khác đánh rơi, trong đó có căn cước công dân cần phải đến cơ quan công an tại khu vực đó để trình báo. Vậy theo quy định thì đăng hình ảnh căn cước công dân nhặt được lên mạng xã hội có bị xử phạt hay không?
Mục lục bài viết
1. Đăng CCCD nhặt được lên mạng xã hội có bị phạt không?
Trước hết, trường hợp đánh rơi giấy tờ là một trong những vấn đề vô cùng phổ biến, khi nhặt được giấy tờ tùy thân của người khác đánh rơi thì cần phải đến trụ sở của Cơ quan công an gần nhất để trình báo trong trường hợp không thể liên lạc với chủ nhân của các loại giấy tờ đó. Hiện nay, một trong những loại giấy tờ tùy thân quan trọng là căn cước công dân, đặc biệt là căn cước công dân có gắn chíp, trong đó có chứa nhiều thông tin cá nhân của công dân, vì vậy hành vi đăng tải hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội tìm ẩn nhiều rủi ro, các đối tượng xấu có thể lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Theo đó:
-
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của bản thân. Quá trình sử dụng hình ảnh của cá nhân bắt buộc phải được sự đồng ý của cá nhân đó. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì bắt buộc phải trả thù lao, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
-
Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc không cần sự đồng ý của người đại diện hợp pháp: Hình ảnh được sử dụng vì mục đích dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích chung của toàn thể cộng đồng; hoặc trong trường hợp hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, trong đó bao gồm hội thảo, hội nghị, hoạt động thi đấu, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, một số hoạt động công cộng khác mà không làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân có hình ảnh.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Việc thu thập, sử dụng, lưu giữ, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bắt buộc phải được sự đồng ý của người đó; đồng thời quá trình lưu giữ, thu thập, sử dụng và công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình bắt buộc phải được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.
Như vậy, có thể nói trong trường hợp một người nhặt được giấy tờ tùy thân của người khác, trong đó có căn cước công dân, sau đó có hành vi chụp ảnh và đăng tải công khai lên mạng xã hội để tìm người bị mất khi chưa được sự đồng ý của người đó thì có thể bị xem là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
2. Đăng CCCD nhặt được lên mạng xã hội bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lưu giữ, cho thuê, cung cấp, sử dụng, truyền đưa, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin. Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
-
Có hành vi truy cập, sử dụng, tiết lộ, sửa đổi, làm gián đoạn, phá hoại trái phép thông tin, hoặc hệ thống thông tin;
-
Không thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để hướng tới mục tiêu ngăn chặn việc duy trì hoạt động truy cập thông tin, loại bỏ thông tin trái quy định của pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;
-
Có hành vi không thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu giữ thông tin số;
-
Có hành vi không đảm bảo bí mật thông tin của các tổ chức, bảo đảm bí mật thông tin của các cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số, ngoại trừ trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
-
Có hành vi không thực hiện đầy đủ biện pháp quản lý, biện pháp kĩ thuật cần thiết để hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cá nhân, hạn chế trường hợp bị đánh cắp, đánh mất, tiết lộ, thay đổi, sử dụng trái phép, hủy hoại khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng internet;
-
Có hành vi thu thập, sử dụng, xử lý thông tin của tổ chức, cá nhân khác tuy nhiên chưa được sự đồng ý hoặc sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người có hành vi thu thập, xử lý hoặc sử dụng thông tin của các tổ chức/cá nhân khác khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tổ chức vi phạm, hoặc có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp cá nhân vi phạm.
Vì vậy, nếu nhặt được căn cước công dân, đặc biệt là căn cước công dân gắn chíp thì có thể đăng tải các thông tin liên quan đến họ và tên, năm sinh, địa chỉ nhặt được lên mạng xã hội, công dân tuyệt đối không được chụp nguyên vẹn thẻ căn cước công dân của người khác và đăng tải tất cả các thông tin cần thiết lên mạng xã hội, vì đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Cơ quan công an hiện nay luôn khuyến cáo người dân không nên đăng tải hoặc chia sẻ hình ảnh cá nhân, đặc biệt là hình ảnh căn cước công dân, giấy tờ tùy thân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội, tuyệt đối không cung cấp thông tin căn cước công dân gắn chíp cho những dịch vụ không cần thiết, không thiết yếu, không có cam kết đảm bảo an toàn trên các nền tảng mạng xã hội nói chung.
3. Nếu nhặt được thẻ CCCD của người khác thì nên làm gì?
Trong trường hợp nhặt được thẻ căn cước công dân của người khác, đặc biệt là căn cước công dân gắn chíp hoặc một số giấy tờ tùy thân khác thì người dân nên:
-
Đến Cơ quan công an gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi nhặt được giấy tờ tùy thân, tìm kiếm cầu nối để xác định chủ nhân của các loại giấy tờ đó. Cơ quan có thẩm quyền có thể đăng tải rộng rãi trên trang thông tin điện tử của tổ chức hoặc đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông để chủ nhân của người mất giấy tờ nhận biết;
-
Hoặc trong trường hợp biết địa chỉ của người bị mất giấy tờ thì có thể xem xét dành thời gian (nếu có thể) để đến tận nơi trả lại giấy tờ cho họ;
-
Trong trường hợp muốn đăng tải thông tin lên mạng xã hội thì cần phải che những thông tin cần thiết, thông tin cơ bản, chỉ để những thông tin không quan trọng như: Họ và tên, nơi ở, năm sinh và địa điểm nhặt được giấy tờ.
Ngoài ra, khi phát hiện giấy tờ tùy thân của mình bị lộ và đang được sử dụng vào hành vi phạm pháp, người dân cần phải kịp thời thông báo cho Cơ quan công an nơi gần nhất để bảo vệ tối đa quyền lợi của bản thân. Mặc dù việc đăng tải lên mạng xã hội là nhằm mục đích tìm kiếm người bị mất giấy tờ, tuy nhiên đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, vì vậy công dân cần phải lưu ý.
Đối với người bị mất giấy tờ, cần phải ngay lập tức trình báo cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để làm lại giấy tờ theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ. Trong đó bao gồm: Ảnh chụp với kích thước 3cm x 4cm, các loại giấy tờ khác để chứng minh nhân thân.
Bước 2: Nộp ảnh thẻ và xuất trình giấy tờ tùy thân khác cho Cơ quan công an cấp xã, phường nơi làm mất giấy tờ. Trong trường hợp không biết mình làm mất giấy tờ ở đâu thì có thể thực hiện thủ tục này tại Cơ quan công an cấp xã, phường nơi cá nhân cư trú. Tại cơ quan công an, cần phải điền vào Mẫu đơn cớ mất do cơ quan công an cung cấp theo hướng dẫn của các cán bộ công an.
Bước 3: Chờ để nhận kết quả.
THAM KHẢO THÊM: