Đại lý bảo hiểm được xem như là một loại hình dịch vụ tài chính, ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Vậy: Đại lý bảo hiểm là gì? Và nội dung trong hợp đồng đại lý bảo hiểm được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Đại lý bảo hiểm là gì?
Đại lý bảo hiểm là một hình thức của đại lý thương mại. Theo Điều 166 của
Như vậy: Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện một số hoạt động như hoạt động giới thiệu, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm … và các công việc khác nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, đại lý bảo hiểm mang một số đặc điểm sau:
– Đại lý bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài (sau đây gọi chung là doanh nghiệp bảo hiểm) là tổ chức trong và ngoài nước có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định và thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm;
– Hoạt động đại lý bảo hiểm dựa trên cơ sở là các thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho đại lý thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với thẩm quyền thuộc phạm vi đã thỏa thuận trong hợp đồng;
– Về bản chất, đại lý bảo hiểm là chủ thể trung gian thực hiện một số hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi ủy quyền và hưởng hoa hồng;
– Hoạt động đại lý là hoạt động giới thiệu, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và các công việc khác nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
– Thù lao của đại lý bảo hiểm khác với các đại lý thương mại khác, đại lý bảo hiểm chỉ hưởng thù lao dưới hình thức hoa hồng với tỉ lệ nhất định do pháp luật quy định;
– Mục đích của hoạt động đại lý bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm là kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, còn đại lý bảo hiểm thực hiện hoạt động đại lý để hưởng hoa hồng;
– Về tính chất hoạt động, đại lý bảo hiểm được xem là một chủ thể đứng ra để thực hiện “một giao dịch được ủy quyền” nên công việc của đại lý bảo hiểm mang tính chất độc lập cao và gắn với trách nhiệm cả về phía khách hàng trong quan hệ bảo hiểm và cả về phía doanh nghiệp bảo hiểm mà đại lý làm ủy quyền.
2. Quy định về nội dung của hợp đồng đại lý bảo hiểm:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì hợp đồng đại lý bảo hiểm sẽ bao gồm một số nội dung cơ bản. Căn cứ theo quy định tại Điều 126 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022, thì nội dung của hợp đồng đại lý bảo hiểm phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, địa chỉ của đại lý bảo hiểm;
– Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;
– Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm;
– Nội dung và phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm;
– Hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác (nếu có);
– Thời hạn hợp đồng;
– Phương thức giải quyết tranh chấp … hoặc một số điều khoản khác theo sự thỏa thuận của các bên không trái với quy định của pháp luật.
Như vậy, nội dung hợp đồng đại lý bảo hiểm sẽ bao gồm những nội dung cơ bản như trên.
3. Nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm:
Hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật bao gồm 4 nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tổ chức và cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ điều kiện hoạt động đại lý theo quy định và phải ký hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Thứ hai, các chủ thể sẽ không được làm đại lý bảo hiểm cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng một lúc và cho các chi nhánh nước ngoài khác nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của các doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý.
Thứ ba, các chủ thể đã được cấp chứng chỉ đại lý nhưng vi phạm quy định của pháp luật về thời gian hoạt động, tức là không hoạt động đại lý trong khoảng thời gian 03 năm liên tục kể từ ngày có chứng chỉ đại lý được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ cần phải thi chứng chỉ đại lý mới trước khi hoạt động đại lý.
Thứ tư, đại lý bảo hiểm không được thực hiện các hành vi sau đây:
– Thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung. phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm:
– Ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm trái quy định của pháp luật hoặc thực hiện hành vi xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm;
– Tranh giành khách hàng dưới các hình thức ngăn cản, dưới hình thức lôi kéo, dưới hình thức mua chuộc, dưới hình thức đe dọa nhân viên hoặc khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm khác;
– Xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.
4. Vai trò của đại lý bảo hiểm trên thực tế:
Do đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc giao kết hợp đồng không phải là hoàn tất quá trình bán hàng, mà đó mới chỉ là điểm khởi đầu của cả một chu trình chăm sóc và bảo vệ quyền lợi khách hàng kéo dài về sau. Cho nên, đại lý bảo hiểm với chức năng trung gian bảo hiểm có vai trò hết sức quan trọng trong việc làm cầu nối giữa nhà bảo hiểm và khách hàng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm là một trong các kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm quan trọng, giúp doanh nghiệp bảo hiểm thuận lợi trong việc tìm kiếm, tiếp xúc, tư vấn và bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng có nhu cầu tham gia, làm tăng số lượng hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời còn có nhiệm vụ chăm sóc khách hàng; kiểm tra, tìm hiểu tình hình hoặc thẩm định của đối tượng bảo hiểm và các hoạt động thực hiện hợp đồng của khách hàng. Bên cạnh đó, thông qua đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ của mình, phát triển, mở rộng các sản phẩm bảo hiểm.
Thứ hai, đối với khách hàng. Đại lý là người được doanh nghiệp ủy quyền thực hiện việc tư vấn và chào bán các sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp cho khách hàng nên họ trở thành người trung gian rất quan trọng nối giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Do tính chất phức tạp và đặc thù của sản phẩm bảo hiểm nên không phải khách hàng nào cũng nhận thức được vì sao mình cần tham gia bảo hiểm, với điều kiện tài chính và nhu cầu cụ thể của mình thì nên tham gia loại bảo hiểm gì là phù hợp nhất? Bản thân hợp đồng bảo hiểm cũng là loại hợp đồng được soạn sẵn bởi doanh nghiệp bảo hiểm và chứa đựng nhiều thuật ngữ, điều khoản mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành bảo hiểm, khiến khách hàng rất khó hiểu nếu không có sự giải thích, tư vấn cụ thể. Do vậy, hầu hết khách hàng đều dựa vào đại lý từ việc yêu cầu đại lý tư vấn, giúp họ lựa chọn loại hình bảo hiểm, giải đáp các thắc mắc về điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cho đến việc thu xếp kí hợp đồng bảo hiểm và giúp đỡ họ trong khâu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, các khoản chi trả khi xãy ra sự kiện bảo hiểm. Nhờ có đại lý bảo hiểm, người có nhu cầu bảo hiểm sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức, thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Việc dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm thỏa mãn các nhu cầu bảo hiểm của người có nhu cầu, góp phần bù đắp cho những thiệt hại xảy ra khi đối tượng được bảo hiếm gặp thiệt hại, giúp người thụ hưởng nhanh chóng ổn định, phục hồi cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, đối với xã hội. Với đội ngũ đông đảo, được đào tạo khá bài bản, đại lý bảo hiểm đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và vai trò của bảo hiểm đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Bằng chính những hợp đồng bảo hiểm mà đại lý tư vấn cho khách hàng, nó không chỉ giúp khách hàng giảm bớt những khó khăn về tài chính khi có rủi ro xảy ra mà còn góp phần không nhỏ trong việc ổn định và an sinh xã hội. Xã hội sẽ bớt đi nhiều cảnh trẻ mồ côi thất học, lang thang kiếm sống khi bố mẹ chúng không may gặp rủi ro trong cuộc sống; xã hội cũng sẽ bớt đi cảnh các cụ già vẫn phải vật lộn lo cho từng miếng ăn mỗi ngày và dưỡng bệnh do không có quỹ dự phòng cho tuổi hưu trí của mình. Các doanh nghiệp sẽ đỡ phải oằn lưng để khắc phục hậu quả như: Cháy nổ, chìm thuyền … thiệt hại tài sản và tính mạng nhân công vì có sự chia sẻ tôn thất từ các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua các hợp đồng bảo hiểm mà người đại lý đã tư vấn cho khách hàng. Mặt khác, sự xây dựng, tham gia và hoạt động của các đại lý bảo hiểm tác động đến năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Sự phân bổ mạng lưới đại lý bảo hiểm rộng rãi dẫn đến độ bao phủ của hoạt động bảo hiểm mà hoạt động bảo hiểm càng phát triển góp phần dẫn đến sự phát triển của hệ thống tài chính, sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác trong xã hội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.