Mua nhà với một bên gia đình nhưng chồng bị mất năng lực hành vi dân sự vậy có thể giao dịch với người vợ được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin hỏi luật sư, hiện tại tôi muốn mua một ngôi nhà của gia đình chị B. Tôi được biết tài sản này là tài sản chung của vợ chồng chị B, tuy nhiên hiện tại thì phía gia đình chị B thì chồng chị ấy lại bị bệnh và mất năng lực điều khiển hành vi dân sự của mình. Vậy hỏi luật sư khi tôi mua mảnh đất đó thì người vợ có quyền bán không, có cần chữ ký của các con không? Liệu sau này có tranh chấp gì không tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 22. “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Khoản 3 điều 24 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được
Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.”
Điều 62. Bộ luật dân sự quy định:
“ Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.”
Như vậy người vợ có quyền đại diện cho chồng.
Điều 319 BLTTDS cũng quy định:
“ Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
1. Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 của Bộ luật này.
3. Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
4. Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có chứng cứ để chứng minh người đó nghiện ma tuý hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.”
>>> Luật sư
Như vậy, để có thể giao dịch được thì phía bên bán là bên gia đình chị B phải thực hiện thủ tục bao gồm
– Nộp đơn lên Tòa án yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố bên chồng bị mất năng lực hành vi dân sự kèm theo đơn là kết luận của cơ quan chuyên môn về việc không đủ nhận thức hành vi.
– Cử người đại diện giám sát việc giám hộ và khi mua bán nhà thì cũng cần có đầy đủ chữ ký của người giám sát này yêu cầu phải là người đầy đủ năng lực hành vi dân sự
Khi bên chị B thực hiện xong hết các thủ tục này rồi thì giao dịch mua bán nhà của anh vẫn thực hiện như thường và thực hiện việc mua bán chuyển nhượng có công chứng tại văn phòng công chứng, và hợp đồng cũng phải có đủ chữ ký của bên giám sát việc giám hộ.