Khái niệm, đặc điểm quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khái quát về quyết định hình phát đối với tội lừa đảo. Nguyên tắc quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt:
Để xây dựng khái niệm QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chúng ta nghiên cứu khái niệm QĐHP. QĐHP là một trong những giai đoạn và nội dung cơ bản, đóng vai trò quan trọng trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự và chỉ do
Theo đó, Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự các Toà án khác do luật định là những cơ quan có quyền nhân danh Nhà nước tuyên một người là có tội và áp dụng hình phạt đối với họ. Ngoài Tòa án ra không có cơ quan nào khác có quyền QĐHP. Tòa án áp dụng các quy định của pháp luật hình sự để làm căn cứ QĐHP đối với người phạm tội, thể hiện sự lên án của Nhà nước đối với họ về việc thực hiện tội phạm, là sự trừng trị người phạm tội.
Trước khi có BLHS năm 1985, trong thực tiễn xét xử, QĐHP được gọi tên là “Lượng hình”. Sau khi BLHS năm 1985 được ban hành và có hiệu lực, thuật ngữ “Lượng hình” được thay thế bằng thuật ngữ “QĐHP” và thuật ngữ này được sử dụng cho đến nay. Mặc dù là một khái niệm quan trọng nhưng cho tới nay vẫn chưa có một văn bản nào quy định khái niệm về QĐHP. Khái niệm này chỉ được nghiên cứu dưới góc độ là một khái niệm khoa học luật hình sự mà chưa được quy định trong hệ thống văn bản pháp lý hình sự có tính chất chính thống.
QĐHP là hoạt động áp dụng pháp luật quan trọng trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự. QĐHP chính xác, khách quan là cơ sở để đạt được các mục đích của hình phạt: trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội; ngăn ngừa họ phạm tội mới; răn đe, ngăn ngừa những người khác trong xã hội. Chỉ khi hình phạt được quyết định một cách chính xác thì mục đích của hình phạt mới đạt được, giúp cho người bị kết án tự mình ý thức được sự công bằng của pháp luật và bản thân họ cũng thấy rõ lỗi lầm, sai phạm mà quyết tâm cải tạo trở thành người công dân có ích cho xã hội. Hình phạt được quyết định quá nhẹ so với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm đã được thực hiện sẽ sinh ra ở người phạm tội thái độ xem thường pháp luật, còn hình phạt được quyết định quá nặng sẽ gây ra ở người bị kết án, cũng như những người khác tâm lý oán hận, mất niềm tin chống đối Nhà nước và xã hội.
QĐHP bao gồm hai nội dung chính, đó là: Toà án lựa chọn trong những hình phạt cụ thể được quy định trong điều luật (khoản điều luật) được áp dụng với bị cáo và xác định một mức hình phạt cụ thể đối với bị cáo. Loại và mức hình phạt được quyết định áp dụng đối với bị cáo phải được thực hiện trong bản án buộc tội theo các quy định của BLHS và được công bố một cách công khai khi tuyên án. Hình phạt do Toà án quyết định tùy thuộc vào tình hình cụ thể của vụ án cụ thể có thể là nghiêm khắc, ít nghiêm khắc hoặc nhẹ nhưng trong mọi trường hợp bao giờ cũng phải bảo đảm đúng pháp luật, công bằng và cá thể hoá. Điều đó có nghĩa rằng, khi QĐHP phải đảm bảo sự tương xứng của hình phạt được tuyên với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, với các đặc điểm nhân thân người phạm tội, với các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, với dư luận xã hội, với ý thức pháp luật. Để đảm bảo sự tương xứng đó khi QĐHP phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, cân nhắc nhân thân người phạm tội, cân nhắc các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Như vậy, từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm: “QĐHP là một giai đoạn trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự do Toà án lựa chọn loại và mức hình phạt cụ thể được quy định trong BLHS theo một thủ tục định để áp dụng đối với người phạm tội thể hiện trong bản án buộc tội”.
Như vậy, QĐHP là vấn đề rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, dựa trên kết quả của hoạt động định tội danh trước đó để có cơ sở pháp lý và định hướng cho việc QĐHP. Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một loại tội phạm cụ thể được quy định tại Điều 174 của BLHS năm 2015. Một người coi là chủ thể của tội phạm này khi đáp ứng các điều kiện là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời là người thực hiện hành vi mà Điều 174 quy định với lỗi cố ý.
Khi QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tòa án phải dựa vào cấu thành tội phạm cơ bản để định tội danh xác định bị cáo có phải phạm tội này hay không. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định với các khung hình phạt khác nhau tương ứng với các hành vi phạm tội khác nhau, Tòa án phải thực hiện bước xác định hành vi tội phạm thỏa mãn khung hình phạt nào từ đó sẽ đưa ra QĐHP cụ thể đối với người phạm tội.
Từ cơ sở lý luận trên và kết hợp với BLHS Việt Nam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể đưa ra khái niệm QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một giai đoạn trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự do Toà án lựa chọn loại và mức hình phạt cụ thể được quy định trong BLHS theo một thủ tục nhất định để áp dụng đối với người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác.
2. Đặc điểm quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt:
Thứ nhất, QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quá trình áp dụng BLHS, dựa trên kết quả của hoạt động định tội danh trước đó để đưa ra hình phạt tương xứng đối với hành vi phạm tội.
Thứ hai, QĐHP là một giai đoạn trong quá trình áp dụng pháp luật của Tòa án trên cơ sở xác định đúng đắn, đầy đủ nội dung của các quy phạm pháp luật hình sự. QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được tiến hành theo các bước sau:
+ Bước 1: Xác định khung hình phạt. Theo đó, Điều 174 BLHS năm 2015 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có bốn khung hình phạt tương ứng với các trường hợp phạm tội khác nhau. Khi QĐHP đối với người phạm tội này, Tòa án trên cơ sở tài liệu và kết quả tranh luận tại phiên tòa phải xác định chính xác hành vi phạm tội thuộc trường hợp nào tương ứng với điểm nào, khoản nào của Điều 174 BLHS năm 2015 để làm căn cứ QĐHP.
+ Bước 2: Xác định loại hình phạt trong khung hình phạt đã xác định tại bước 1. Đây là bước quan trọng ảnh hưởng đến bản án của người phạm tội. Theo đó, Tòa án căn cứ vào các quy định của BLHS tại khung hình phạt đã được xác định tại bước 1 để lựa chọn loại hình phạt tương ứng nếu có từ 02 loại hình phạt trở lên, còn trong trường hợp khung hình phạt được xác định chỉ có duy nhất một loại hình phạt thì Tòa án bắt buộc phải QĐHP theo loại hình phạt đó.
Chẳng hạn, tại khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015 quy định:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm….
Như vậy, với trường hợp bước 1 Tòa án xác định bị cáo phạm tội theo khoản 1 này thì tại bước 2 Tòa án có thể lựa chọn một trong hai loại hình phạt là cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn. Tương tự như vậy, nếu bước 1 Tòa án xác định hành vi phạm tội tương ứng với khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 thì đến bước 2 này Tòa án có thể lựa chọn hình phạt áp dụng là hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân. Tuy nhiên, trường hợp bước 1 Tòa án xác định bị cáo phạm tội theo khoản 2 (trừ trường hợp được áp dụng quy định QĐHP dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng) hoặc khoản 3 Điều 174 BLHS năm 2015 thì sang bước 2 Tòa án không có sự lựa chọn loại hình phạt bởi cả hai khoản này chỉ quy định duy nhất loại hình phạt là tù có thời hạn.
Việc lựa chọn loại hình phạt nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội gây ra, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân người phạm tội, nguyên nhân điều kiện người phạm tội và đây cũng là yếu tố để tòa án thực hiện bước 3 sau đây.
+ Bước 3: Quyết định mức hình phạt (trong đó có bao gồm trường hợp áp dụng loại hình phạt tù và trường hợp hưởng án treo)
Khi QĐHP đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tòa án sau khi đã thực hiện hai bước nêu trên thì mức hình phạt cụ thể phải nằm trong khung hình phạt được xác định và phụ thuộc vào các yếu tố khác như phần trên đã trình bày như tính chất mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội gây ra, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân người phạm tội, nguyên nhân điều kiện người phạm tội. Theo đó: một là, nếu hành vi phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng hơn tình tiết giảm nhẹ hoặc không có tình tiết giảm nhẹ, người phạm tội có nhân thân xấu sẽ phải chịu hình phạt tù ở mức cao khung hình phạt; hai là, nếu hành vi phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn tình tiết tăng nặng hoặc không có tình tiết tăng nặng, có nhân thân tốt thì người phạm tội sẽ được áp dụng hình phạt ở mức thấp của khung hình phạt; ba là, trong trường hợp tòa án áp dụng hình phạt tù thì người phạm tội có thể được hưởng án treo nếu đủ điều kiện quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015.
Thứ ba, QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoạt động áp dụng pháp luật đối với một tội phạm cụ thể, quá trình QĐHP phải tuân theo những thủ tục chặt chẽ về mặt tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành. Mọi hành vi vi phạm pháp luật tố tụng đều có nguy cơ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Quyết định mức hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đối với tội danh cụ thể nên có đặc điểm riêng liên quan đến đặc điểm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trong thực tế khách quan và quy định của BLHS năm 2015 về tội phạm này. Để thực hiện được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm vào lòng tin của người bị hại, làm cho người bị hại tưởng giả là thật, tự nguyện đưa tài sản cho kẻ phạm tội. Phải đối chiếu và so sánh đưa ra kết luận về việc có hay không có sự phù hợp giữa hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra trong thực tế với quy phạm pháp luật quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong BLHS Việt Nam hiện hành.