Đã thỏa thuận bồi thường có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Có đơn bãi nại thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Đã thỏa thuận bồi thường có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Có đơn bãi nại thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tóm tắt câu hỏi:
Đã có đơn bãi nại của shop sau khi bị bắt 3h thỏa thuận và bồi thường tiền theo thỏa thuận (1tr5) có bị gửi án về địa phương lưu hồ sơ. Em là sinh viên năm cuối, Khi em đi mua đồ trong shop quần áo cần thơ đã đánh cắp một cái áo và đã bị bắt đưa lên công an phường. Qua tra hỏi em khai đã đánh cắp 5 cái áo trước đó. Em đã mong được đền bù những gì em đã đánh cắp và qua thỏa thuận với sự chứng kiến của công an cần thơ thì em đã bồi thường tiền cho số áo lần trước và đồng thời shop quần áo cũng không truy cứu và viết đơn bãi nại cho em. Như thế em có bị gửi bản án về nơi cư trú (nhà, địa phương lưu hồ sơ) không ạ I!!! Hiện tại em đang rất hối hận với những gì đã làm và sợ sẽ có lý lịch xấu sẽ có tiền án. thì em sẽ không xin việc được. Hiện tại em rất hoang mang và sợ Rất mong nhận được tư vấn của Luật Sư. Em chân thành cảm ơn?
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009;
– Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về tội trộm cắp tài sản của bạn, theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Trong trường hợp của bạn, bạn đã trộm cắp 1 cái áo tại một shop quần áo. Sau khi bị bắt đưa lên công an thì bạn đã thành thật khai báo là trước đó cũng đã tiến hành trộm cắp 5 cái áo tại shop quần áo này. Qua thỏa thuận và có sự chứng kiến của lực lượng công an, bạn đã bồi thường số tiền là 1.500.000đ cho 5 cái áo lần trước và 1 cái áo lần này, đã được chủ shop quần áo đồng ý, do đó, có thể xác định được giá trị tài sản mà bạn trộm cắp là dưới 2 triệu đồng.
Trong trường hợp này, bạn đã trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng vì chủ shop cũng đã đồng ý cho bạn được bồi thường; bạn cũng không bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, như vậy là bạn không phạm tội theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự.
Hành vi trộm cắp dưới hai triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 nói trên thì bị coi là vi phạm hành chính và bị xử phạt theo quy định tại
"Điều 15: Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm phápluật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.
4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ. Ngoài việc bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 1 trên, bạn còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung do hành vi vi phạm của bạn gây ra theo quy định tại khoản 3 điều này. Và vì chỉ bị xử lí vi phạm hành chính chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên sẽ không có bản án và cũng sẽ không bị gửi bản án về nư cư trú.