Hiện nay rất nhiều người với mong muốn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã tiến hành bồi thường đầy đủ cho người bị hại. Vậy câu hỏi đặt ra: Đã bồi thường cho người bị hại thì có bị truy tố hay không?
Mục lục bài viết
1. Đã bồi thường đầy đủ cho người bị hại thì có bị truy tố không?
1.1. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại trong vụ án hình sự:
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, các quyền của con người đối với tính mạng sức khỏe và danh dự nhân phẩm, uy tín cũng như tài sản được hiến pháp ghi nhận và được pháp luật bảo vệ. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự thường diễn ra thông qua những “thiệt hại ngoài hợp đồng”. Khi đó Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về: Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc xin lỗi công khai … là đích hướng đến các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý các vấn đề bồi thường diễn ra trong vụ án hình sự thông qua trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tức là trách nhiệm được xác định theo quy định của pháp luật. Khi xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự cũng phải dựa trên nền tảng các vấn đề pháp lý và các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được luật hóa trong các quy định từ Điều 589 đến Điều 593 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Từ những phân tích trên thì có thể đưa ra khái niệm như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là trách nhiệm dân sự được thực hiện cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, mà trong đó bị can, bị cáo, pháp nhân thương mại phải thực hiện nhằm khắc phục những hậu quả do hành vi của mình gây ra đối với những người có liên quan.
1.2. Đã bồi thường đầy đủ cho người bị hại thì có bị truy tố không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có ghi nhận: Các chủ thể là bị hại trực tiếp bị thiệt hại về vật chất và tinh thần, hoặc các chủ thể là cơ quan và tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra có quyền đề nghị hình phạt và mức bồi thường thiệt hại cũng như biện pháp đảm bảo bồi thường theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Vì thế bị hại trong một vụ án tố tụng hình sự có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Vậy câu hỏi đặt ra: Nếu đã bồi thường đầy đủ cho người bị hại thì còn bị truy tố hay không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Bởi trong trường hợp bị hại đã nhận được tiền bồi thường và rút yêu cầu khởi tố thì vụ án cũng sẽ chấm dứt. Căn cứ theo Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của” như sau:
Khởi tố theo yêu cầu của bị hại chỉ áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội cụ thể của một số tội phạm nhất định quy định tại khoản 1 Điều 155 (khoảng có cấu thành cơ bản) các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự;
Đồng thời không phải trong mọi trường hợp phạm vào những tội nêu ở các điều luật nói trên của pháp luật hình sự đều khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Điều luật quy định chỉ được áp dụng được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại trong trường hợp hành vi phạm tội được nói đến ở khoản 1 của các điều luật hình sự nói trên. Điều đó có nghĩa là, việc khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại chỉ áp dụng trong trường hợp hành vi phạm tội xảy ra gây nguy hiểm cho xã hội ở các mức không lớn. Đó là các trường hợp phạm vào loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng không có tình tiết định khung tăng nặng.
Như vậy có thể thấy, theo quy định của pháp luật thì đối với các tội phạm không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại như đã phân tích ở trên, nếu đã tiến hành hoạt động bồi thường thiệt hại thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Còn vấn đề bồi thường thiệt hại là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình phạt khi cơ quan tố tụng xem xét và định khung hình phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đó là: người phạm tội tự nguyện sửa chữa và bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Hoặc đây có thể là hình thức để xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 bộ luật hình sự năm 2015.
Vì thế đối với câu hỏi: Đã bồi thường đầy đủ cho người bị hại thì có bị truy tố không? Câu trả lời là có, nếu trong trường hợp bị hại rút đơn và vụ án đó là vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, và câu trả lời sẽ là không nếu trong trường hợp không thuộc vụ việc khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu bị hại bãi nại, thì cơ quan chức năng vẫn hoàn toàn có thẩm quyền truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự:
Khi giải quyết các vụ án liên quan đến tính mạng và sức khỏe, danh dự và nhân phẩm cũng như uy tín và tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, thì các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc về bồi thường thiệt hại. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, thiệt hại thực tế phải được bồi thường một cách toàn bộ và kịp thời. Bên gây thiệt hại và bên thiệt hại có thể thỏa thuận về mức bồi thường và hình thức bồi thường. Phương thức bồi thường này thường là một lần hoặc nhiều lần. Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường và hình thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Trường hợp bên gây thiệt hại và bên thiệt hại không thỏa thuận được thì khi giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần phải lưu ý rằng: thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Thứ hai, trong trường hợp gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình do lỗi vô ý thì người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ các điều kiện sau:
– Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;
– Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Đây là điều kiện luôn đi cùng với điều kiện thứ nhất. Người đâu thiệt hại có thể được xem xét giảm mức bồi thường thiệt hại nếu như mức độ thiệt hại vượt quá khả năng kinh tế của họ.
Thứ ba, mức bồi thường thiệt hại có thể bị thay đổi khi không phù hợp với thực tế và có yêu cầu của bên gây thiệt hại, bên bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại. Với nguyên tắc này thì các nhà làm luật đã dự đoán được tác động của cơ chế thị trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên.
3. Hậu quả pháp lý của việc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại:
Trường hợp sau khi có yêu cầu khởi tố vào cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mà người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, chưa trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với Ý muốn của họ do bị ép buộc và cưỡng bức thì tùy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu tuy nhiên cơ quan điều tra và viện kiểm sát vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án đó. Quy định này thể hiện sự tôn trọng quyền tự định đoạt đối với việc lựa chọn cách thức giải quyết vụ án và nhà nước cho phép người đã yêu cầu khởi tố được làm để bảo đảm tốt nhất quyền lợi hợp pháp của bị hại. Tùy từng trường hợp cụ thể mà tòa án sẽ giải quyết như sau:
Thứ nhất, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm thì hội đồng xét xử hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án. Đối với trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời hạn kháng cáo và kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì tòa án phải hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết việc rút đơn yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm.
Thứ hai, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì hội đồng xét xử hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.