Cựu thanh niên xung phong bị suy giảm khả năng lao động có được hưởng chế độ gì không? Chế độ đối với thanh niên xung phong.
Cựu thanh niên xung phong bị suy giảm khả năng lao động có được hưởng chế độ gì không? Chế độ đối với thanh niên xung phong.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi hỏi mẹ tôi là cựu thanh niên xu phong chống mỹ, hiện nay sinh sống tại Đắc Lắk hiện tại giờ bị đau không có khả năng lao động thì có được hưởng chế độ thương xuyên không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp luật:
– Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
– Công văn 720/BNV-CTTN giải quyết chế độ đối với thanh niên xung phong tập trung đã hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến.
* Nội dung:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến quy định:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định chế độ đối với thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15 tháng 7 năm 1950 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.”
Theo tại Điều 2 Quyết định 40/2011/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp một lần:
“1.Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này được hưởng chế độ trợ cấp một lần, tính theo số năm thực tế trực tiếp tham gia kháng chiến, cụ thể như sau:
a) Từ đủ 2 năm trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng;
b) Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.
Khi tính thời gian thực hiện chế độ trợ cấp một lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính nửa (1/2) năm.
2. Trường hợp thanh niên xung phong đã từ trần thì một trong những người sau đây được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần.”
Như vậy, nếu mẹ bạn tham gia kháng chiến trong thời gian từ 15 tháng 7 năm 1950 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh,…thì sẽ được hưởng chế độ đối với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ.
Vì thông tin bạn đưa ra không rõ ràng về thời gian mẹ bạn tham gia kháng chiến nên bạn có thể căn cứ vào Điều 2 nêu trên để biết được mẹ bạn được hưởng trợ cấp một lần là bao nhiêu.
Đối với trợ cấp hàng tháng theo Điều 3 Quyết định 40/2011/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp hàng tháng như sau:
“1. Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hàng tháng mức 360.000 đồng. Mức trợ cấp này sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng quy định tại Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.”
Khoản này được hướng dẫn tại khoản 6 Công văn 720/BNV-CTTN năm 2013 như sau:
“6. Đề nghị làm rõ nội dung “Không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa”; trường hợp TNXP còn vợ hoặc chồng hoặc có con nhưng những người đó bị bệnh tật mất khả năng lao động, không giúp được gì, thực sự không là nơi nương tựa cho cựu TNXP thì giải quyết thế nào? Các trường hợp này được hiểu thống nhất như sau:
a) Người không còn khả năng lao động là người được cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp giấy chứng nhận không còn khả năng lao động;
b) Người sống cô đơn không nơi nương tựa là người không có hoặc không còn người nuôi dưỡng hợp pháp. Trường hợp TNXP tuy còn người nuôi dưỡng hợp pháp nhưng người đó cũng thuộc diện phải sống nhờ trợ cấp theo chế độ bảo trợ xã hội thì cũng được vận dụng để xét hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, TNXP tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hàng tháng. Như vậy, TNXP phải đủ cả 2 điều kiện là không còn khả năng lao động và hiện sống cô đơn không nơi nương tựa mới thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, mẹ bạn chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng khi mẹ bạn có giấy chứng nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên không còn khả năng lao động, sống cô đơn và không nơi nương tựa thì mới được xét trợ cấp hàng tháng.
Thủ tục xét hưởng trợ cấp như sau: Đối tượng thanh niên xung phong thực hiện nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Hồ sơ bao gồm:
– Một trong các giấy tờ sau đấy chứng minh là thanh niên xung phong (bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã)
+ Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi thanh niên xung phong trở về địa phương như: Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị quản lý thanh niên xung phong; giấy chuyển thương, chuyển viện, phiếu sức khỏe; giấy khen trong thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong…
+ Trường hợp thanh niên xung phong không còn một trong các giấy tờ trên thì phải nộp bản khai có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi tham gia thanh niên xung phong (bản chính). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận bản khai đối với đối tượng là người địa phương đi thanh niên xung phong nhưng hiện đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương khác.
– Bản khai cá nhân (theo mẫu).
Sau khi nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xét duyệt hồ sơ của mẹ bạn theo quy định của pháp luật.