Cướp tiệm vàng là một hành vi phạm pháp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vậy hành vi cưới giật ở tiệm vàng sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù?
Mục lục bài viết
1. Tội cướp giật tài sản phải chịu hình phạt bao nhiêu năm tù theo quy định của Bộ luật Hình sự?
1.1. Hành vi cướp giật tài sản bị khép vào tội gì?
Người phạm cướp giật tài sản ở tiệm vàng có thể có nhiều thủ đoạn khác nhau như vào tiệm vàng vờ mua hàng rồi cướp giật nhẫn, dây chuyền, trang sức khác có giá trị rồi mang đi bán lấy tiền, ta có thể hiểu đây là một hành vi cướp giật tài sản.
Cướp giật tài sản là việc lấy trộm tài sản một cách nhanh chóng và công khai, nhằm tránh sự phản kháng từ phía chủ sở hữu. Đây được coi là một trong những hành vi phạm tội trong nhóm tội danh liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản một cách công khai. Hành động này thường bao gồm việc lợi dụng những cơ hội sơ hở của nạn nhân hoặc tạo ra sơ hở để nhanh chóng lấy đi tài sản và thoát khỏi hiện trường. Việc tẩu thoát nhanh chóng sau khi thực hiện hành vi cướp giật thực tế thường được thực hiện để tránh bị bắt.
Theo quy định tại điều 171, Bộ luật Hình sự năm 2015; hành vi cướp giật tài sản ở tiệm vàng sẽ bị khép vào tội cướp giật tài sản và sẽ chịu các chế tài xử lý theo quy định pháp luật.
1.2. Khung hình phạt đối với tội cướp giật tài sản ở tiệm vàng:
Tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
– Khung 1: Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Khung 2: Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
+ Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
+ Có tổ chức;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh, an toàn xã hội;
+ Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai, người dưới 16 tuổi, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
+ Hành hung để tẩu thoát;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Khung 3: Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
– Khung 4: Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
+ Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, hoàn cảnh chiến tranh;
+ Làm chết người.
– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Như vậy, theo quy định trên, người phạm tội cướp giật tài sản ở tiệm vàng có 4 khung hình phạt, có thể bị áp dụng hình phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tù và cao nhất là hình phạt tù chung thân. Hình phạt cụ thể còn phụ thuộc vào kết luận điều tra và phán quyết của Tòa án.
Người phạm tội cướp giật tài sản ở tiệm vàng còn có thể phải chịu hình phạt tiền bổ sung từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
2. Các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản:
Người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi cướp giật ở tiệm vàng này có đầy đủ các yếu tố sau:
– Mặt khách quan của tội cướp giật tài sản thể hiện qua những dấu hiệu:
+ Hành vi chiếm đoạt tài sản một cách công khai và nhanh chóng được. Người phạm tội thực hiện hành vi lấy cắp tài sản của người khác ở tiệm vàng một cách táo bạo và không che giấu, thường diễn ra trước mặt mọi người một cách quyết đoán và nhanh chóng chỉ trong một thời gian rất ngắn.
+ Để thực hiện hành vi này, người phạm tội không sử dụng vũ lực, mặc dù trong một số trường hợp có thể sử dụng sức mạnh như đạp hoặc xô để làm cho nạn nhân té để cướp; cũng không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần của nạn nhân như tội cướp tài sản,mà chỉ dựa vào sự nhanh nhẹn của người phạm tội và sự lơ đãng của nạn nhân; hoặc trong trường hợp nạn nhân là trẻ em, người già, phụ nữ… không đủ khả năng bảo vệ tài sản của mình, người phạm tội có thể giật lấy tài sản và tẩu thoát.
+ Đặc điểm của hành vi chiếm đoạt tài sản này là thường được thực hiện một cách bất ngờ và nhanh chóng, thường chỉ trong vài giây, khiến cho nạn nhân không kịp phản ứng. Ngay sau khi đã lấy được tài sản từ nạn nhân, người phạm tội thường nhanh chóng tẩu thoát để tránh sự truy đuổi. Thông thường, người phạm tội cũng sử dụng phương tiện như xe máy phân khối lớn để thực hiện hành vi phạm tội.
– Khách thể của tội cướp giật tài sản: Hành vi cướp giật tài sản ở tiệm vàng xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
– Mặt chủ quan của tội cướp giật tài sản: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
– Chủ thể của tội cướp giật tài sản: Chủ thể của tội cướp giật tài sản này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
– Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự: Theo điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi xem xét một vụ án cướp giật tài sản ở tiệm vàng cần chú ý tới các vấn đề sau:
+ Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, lỗi cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không;
+ Mục đích, động cơ phạm tội;
+ Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, địa điểm, thời gian và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
+ Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
+ Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
+ Những tình tiết khác liên quan đến việc miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt;
+ Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh hành vi phạm tội.
3. Người phạm tội cướp giật tài sản bao lâu thì được xóa án tích?
Đương nhiên xóa án tích được quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về đương nhiên được xóa án tích như sau:
– Người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây thì đương nhiên được xóa án tích:
+ Trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo: 01 năm ;
+ Trường hợp bị phạt tù đến 05 năm: 02 năm;
+ Trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm: 03 năm;
+ Trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án: 03 năm.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, quản chế, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên, tùy vào hình phạt tù cụ thể mà người phạm tội cướp giật tài sản ở tiệm vàng sẽ có thời gian được xóa án tích khác nhau.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.