Chúng ta thường nghĩ cư trú là nơi ở thường trú của mình. Tuy nhiên, thường trú chỉ là một trong những hình thức của cư trú. Vậy cư trú là gì? Có những hình thức cư trú nào? Quy định về nơi cư trú của cá nhân, quản lý cư trú đối với cá nhân theo quy định mới nhất?
Mục lục bài viết
1. Cư trú là gì?
Luật cư trú năm 2020 giải thích về cư trú như sau:
“Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn Vị hành chính cấp xã).”
Trong đó:
– Nơi ở hiện tại là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà công dân đang thường xuyên sinh sống; trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi ở hiện tại là nơi công dân đang thực tế sinh sống.
– Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.
– Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
2. Nguyên tắc cư trú:
– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật
– Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
– Trình tự, thủ tục đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
– Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.
– Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
3. Quyền tự do cư trú của công dân:
Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân được thực hiện như sau:
– Công dân thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
b) Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
c) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;
d) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này;
– Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Nội dung, thời gian hạn chế quyền tự do cư trú thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của
Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại cho hoạt động đăng ký, quản lý cư trú.
4. Quy định về nơi cư trú và quản lý cư trú mới nhất:
4.1. Quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân về cư trú:
Quyền của công dân về cư trú
– Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật
– Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.
– Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.
– Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.
– Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.
– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của công dân về cư trú
– Thực hiện việc đăng ký cứ trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.
– Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
4.2. Quy định về nơi cư trú của công dân:
Nơi cư trú của công dân
– Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
– Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định như với người không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Nơi cư trú của người chưa thành niên
– Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.
– Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Nơi cư trú của người được giám hộ
– Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.
– Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Nơi cư trú của vợ, chồng
– Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.
– Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nơi cư trú của người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang
– Nơi cư trú của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sinh viên, học viên các trường Quân đội nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng có nơi cư trú khác theo quy định.
– Nơi cư trú của sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, học sinh, sinh viên, học viên các trường Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an có nơi cư trú khác theo quy định.
Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển
– Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả nâng di chuyển (sau đây gọi chung là phương tiện) là nơi đăng ký phương tiện đó, trừ trường hợp có nơi cư trư khác theo quy định của Luật này.
Đối với phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ thì nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động là nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ.
Nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo
– Nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, nhà tu hành, chức sắc, chức việc, người khác hoạt động tôn giáo sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định.
– Nơi cư trú của trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp
– Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở trợ giúp xã hội.
– Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là nơi cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú
– Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
– Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn việc khai báo thông tin về cư trú theo các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
4.3. Quy định về quản lý nhà nước về cư trú:
– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước.
– Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú và có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú;
b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú; tổ chức việc đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
c) Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật này;
d) Ban hành, in ấn và quản lý tờ khai thay đổi thông tin cư trú và các giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu, sổ sách về cư trú;
đ) Trang bị máy móc, phương tiện, thiết bị; bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú;
e) Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;
g) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật;
h) Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú.
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú theo sự phân công của Chính phủ.
– Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương;
b) Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về quản lý cư trú;
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;
d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.