Theo quy định của pháp luật hiện nay, kế toán viên cao cấp được xem là công chức chuyên môn nghiệp vụ cao nhất làm việc và công tác trong bộ máy hành chính nhà nước thực hiện các chức năng quản lý trong lĩnh vực công tác kế toán. Vậy cử nhân Luật có được phép làm kế toán viên cao cấp hay không?
Mục lục bài viết
1. Cử nhân Luật có được làm kế toán viên cao cấp không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ, có quy định cụ thể về kế toán viên cao cấp. Theo đó, mã số của kế toán viên cao cấp là 06.029. Cụ thể như sau:
– Về chức danh, kế toán viên cao cấp theo quy định của pháp luật được xem là các công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhất công tác trong lĩnh vực kế toán, kế toán viên cao cấp được bố trí đối với các chức danh lãnh đạo cấp Vụ, Cục hoặc cấp tương đương tại các bộ/ban ngành/và các đơn vị ở trung ương, kế toán viên cao cấp thực hiện chức năng quản lý trong lĩnh vực công tác kế toán, kế toán viên cao cấp giúp đỡ cho các lãnh đạo đơn vị chỉ đạo và điều hành quản lý tổ chức thực hiện hệ thống nghiệp vụ kế toán một cách đơn giản và khoa học;
– Về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kế toán viên cao cấp cũng cần phải đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu như sau:
+ Nắm vững chủ trương và đường lối chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, nắm vững kiến thức quản lý hành chính, cải thiện hành chính, cải cách và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ ban hành, của các bộ ban ngành, lĩnh vực kế toán, công tác tổ chức bộ máy của đơn vị và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kế toán;
+ Hiểu rõ, đầy đủ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về kế toán, tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kế toán, các chế độ tài chính kế toán của nhà nước, pháp luật quốc tế có liên quan đến công tác kế toán trong ngành nghề, lĩnh vực và các chế độ kế toán cụ thể;
+ Có năng lực đề xuất, có năng lực tham mưu, định hướng chính sách, chủ trì xây dựng các dự án pháp luật, pháp lệnh, đề án liên quan trực tiếp đến công tác kế toán, sau đó trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng;
+ Có năng lực chuyên môn sâu rộng về lý luận và thực tiễn trong nghiệp vụ kế toán, phương pháp và xu hướng phát triển của công tác kế toán, kiểm toán trong nước và kiểm toán quốc tế;
+ Có năng lực nghiên cứu khoa học, có năng lực tổ chức chỉ đạo ứng dụng tiến bộ kĩ thuật hiện đại để cải tiến hệ thống quản lý nghiệp vụ kế toán trên thực tế;
+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin ở mức cơ bản, có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, sử dụng tiếng dân tộc đồng bào thiểu số đối với công chức kế toán công tác ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
– Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và bồi dưỡng đối với kế toán viên cao cấp được quy định cụ thể bao gồm:
+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kế toán, chuyên ngành kiểm toán hoặc chuyên ngành tài chính;
+ Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hành chính, hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, chứng chỉ bồi dưỡng kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, hoặc có bằng cấp lý luận chính trị hành chính.
Đối chiếu theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, mặc dù có bằng cử nhân, tuy nhiên đó là bằng cử nhân luật, bằng cử nhân luật không phải chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của kế toán viên cao cấp. Vì vậy, cử nhân luật không được làm kế toán viên cao cấp theo quy định của pháp luật.
2. Kế toán viên cao cấp có những nhiệm vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ, có quy định cụ thể về nhiệm vụ của kế toán viên cao cấp. Theo đó, kế toán viên cao cấp bao hàm rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Có thể kể đến những nhiệm vụ của kế toán viên cao cấp như sau:
– Chủ trì nghiên cứu, chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính và lĩnh vực kế toán, xây dựng các đề án chiến lược phát triển công tác kế toán đối với các ngành nghề và lĩnh vực kế toán mà mình đảm nhiệm;
– Chủ trì tổ chức quá trình phối hợp nghiệp vụ của lĩnh vực liên quan giữa các cấp quản lý cùng lĩnh vực của các ngành đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong phạm vi toàn quốc;
– Chủ trì xây dựng tài liệu, xây dựng giáo trình, hướng dẫn đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ công chức làm công tác kế toán;
– Chủ trì tổ chức, chủ trì chỉ đạo, chủ trì thực hiện công tác kế toán và kiểm tra nghiệp vụ kế toán trên thực tế;
– Chủ trì tổ chức tổng hợp, tổ chức đánh giá, tổ chức phân tích tài chính, từ đó rút ra kinh nghiệm, đưa ra các phương án để xuất, phương án điều chỉnh, phương án sửa đổi hoặc bổ sung liên quan đến quy trình nghiệp vụ kế toán, sửa đổi hoặc bổ sung các quy định về kế toán hiện hành nhằm mục đích tổ chức quản lý chặt chẽ có hiệu lực và hiệu quả hơn trong lĩnh vực kế toán.
3. Tiêu chuẩn chung về phẩm chất của vị trí kế toán viên cao cấp:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ, có quy định cụ thể về tiêu chuẩn chung về phẩm chất của vị trí kế toán viên cao cấp. Cụ thể bao gồm:
– Nắm vững chủ trương, nắm vững đường lối của đảng, trung thành với tổ quốc cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung thành với đảng và nhà nước, luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, bảo vệ tối đa lợi ích của tổ quốc và lợi ích của nhân dân;
– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công chức theo quy định của pháp luật về kế toán, nghiêm túc chấp hành đầy đủ sự phân công nhiệm vụ của cấp trên, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, tuân thủ kỷ luật kỷ cương, tuân thủ trật tự hành chính, gương mẫu thực hiện nội qui và quy chế của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Tận tâm và tận tụy trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, cần phải có tinh thần trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, công tâm, vô tư, có thái độ ứng xử đúng mực và xử sự văn hóa trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ, trong quá trình thi hành công vụ, chuẩn mực trong quá trình giao tiếp và phục vụ nhân dân;
– Có lối sống sinh hoạt lành mạnh, khiêm tốn, đoàn kết, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, không được phép lợi dụng công việc nhằm mục đích nhu cầu lợi ích cá nhân hoặc trục lợi cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;
– Thường xuyên có ý thức học tập, nâng cao rèn luyện phẩm chất đạo đức trí tuệ, nâng cao trình độ và nâng cao năng lực chuyên môn.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 29/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
THAM KHẢO THÊM: