Công văn 9368/BTNMT-KSONMT được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành vào ngày 02/11/2023 nhằm hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Văn bản này có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tóm tắt nội dung Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023:
- 2 2. Thuộc tính văn bản Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023:
- 3 3. Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 có còn hiệu lực không?
- 4 4. Các văn bản có liên quan đến Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023:
- 5 5. Toàn văn nội dung Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
1. Tóm tắt nội dung Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023:
Nội dung chính của
- Mục tiêu: Hướng dẫn cụ thể các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân về cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt đúng cách, góp phần vào việc giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý, tăng cường tái chế và bảo vệ môi trường.
- Nội dung hướng dẫn: Công văn đưa ra các hướng dẫn chi tiết về:
- Các loại chất thải rắn sinh hoạt: Phân loại các loại chất thải như chất thải hữu cơ, chất thải tái chế, chất thải nguy hại sinh hoạt, chất thải còn lại.
- Quy trình phân loại: Hướng dẫn quy trình phân loại chất thải từ khi thu gom đến khi xử lý.
- Bình chứa và bao bì: Quy định về việc sử dụng các loại bình chứa và bao bì phù hợp cho từng loại chất thải.
- Thu gom và vận chuyển: Hướng dẫn về việc thu gom và vận chuyển chất thải sau khi phân loại.
- Xử lý chất thải: Hướng dẫn các phương pháp xử lý chất thải phù hợp với từng loại.
- Ý nghĩa: Công văn này cung cấp cơ sở pháp lý và kỹ thuật để các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt một cách hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Tóm lại: Công văn 9368/BTNMT-KSONMT được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành vào ngày 02/11/2023 nhằm hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Văn bản này có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
2. Thuộc tính văn bản Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023:
Số hiệu: | 9368/BTNMT-KSONMT |
Nơi ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Ngày ban hành: | 02/11/2023 |
Người ký: | Võ Tuấn Nhân |
Loại văn bản: | Công văn |
Ngày hiệu lực: | 02/11/2023 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 có còn hiệu lực không?
Công văn 9368/BTNMT-KSONMT được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành vào ngày 02/11/2023, có hiệu lực từ ngày 02/11/2023. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023:
Quyết định 1982/QĐ-BKHCN năm 2023 công bố Tiêu chuẩn quốc gia đối với Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Công văn 491/CN-MTCN năm 2023 chấp hành pháp luật về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi do Cục Chăn nuôi ban hành
Quyết định 2711/QĐ-BNN-KHCN năm 2022 về kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường 2020
5. Toàn văn nội dung Công văn 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 9368/BTNMT-KSONMT V/v hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt | Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2023 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP). Theo đó, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường được phân công như sau:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: Quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Khoản 2 Điều 75); bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Khoản 2 Điều 76); lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (Khoản 1 Điều 77); lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Khoản 2 Điều 78); quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn (Khoản 6 Điều 78); quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại (khoản 6 Điều 79).
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: Quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt (khoản 2 Điều 76); quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường (khoản 5 Điều 79); hướng dẫn đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (khoản 4 Điều 80).
Triển khai hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định: (1) Nội dung về yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; (2) Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; (3) Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; (4) Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; (5) Hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; (6) Phương pháp định giá dịch vụ xử l ý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; (7) Đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.
Để tiếp tục hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành “Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt”. Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: (1) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (2) Chất thải thực phẩm; (3) Chất thải rắn sinh hoạt khác (Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo).
Triển khai quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nội dung sau:
1. Nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (ban hành kèm theo Văn bản này) để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện; trong đó lưu ý một số nội dung sau:
a) Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.
b) Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị quý Ủy ban phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) để được hướng dẫn kịp thời hoặc xem xét, điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Trân trọng./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Võ Tuấn Nhân
(Phụ lục đính kèm file tải dưới đây)