Sau Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia. Để tìm hiểu rõ hơn mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Công ước Luật biển là gì?
Luật biển quốc tế có thể được coi là một luật chuyên ngành trong tổng thể hệ thống luật quốc tế. Giống như các ngành luật chuyên ngành khác, luật biển quốc tế bao gồm tổng thể các nguyên tắc quy phạm được các chủ thể của luật quốc tế thỏa thuận xây dựng nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các chủ thể đó trong hoạt động quản lý, sử dụng, khai thác và bảo vệ môi trường biển.
Công ước Luật biển trong tiếng Anh là “United Nations Convention on the Law of the Sea”, viết tắt là “UNCLOS”.
2. Nội dung của Công ước Luật biển 1982:
Công ước Luật biển 1982 quy định toàn bộ các vấn đề liên quan đến các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng, cũng như những quy định liên quan đến việc sử dụng, khai thác biển và đại dương. Những điều khoản quan trọng nhất quy định về việc thiết lập các giới hạn, giao thông đường biển, trạng thái biển đảo và các chế độ quá cảnh, các vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán thềm lục địa, khai khoáng lòng biển sâu, chính sách khai thác, …
Một số nội dung quan trọng đã được quy định trong Công ước Luật biển 1982 như sau:
– Đối với vùng nội thủy, các quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như trên đất liền. Chủ quyền này bao trùm lên cả vùng trời bên trên, vùng đáy biển, long đất dưới đáy biển. Mọi sự vào ra nội thủy của tàu thuyền cũng như phương tiện bay nước ngoài trên vùng trời nội thủy đều phải được xin phép. Trình tự, thủ tục cơ quan cấp phép do pháp luật của nước ven biển quy định
– Quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền đầy đủ đối với vùng lãnh hải mà họ có quyền thiết lập với chiều rộng không quá 12 hải lý. Tuy vậy, chủ quyền này không phải là tuyệt đối vì tàu thuyền nước ngoài được phép “đi qua vô hại” trong vùng lãnh hải.
“Đi qua không gây hại” được hiểu là chừng nào việc đi qua không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Tàu thuyền và máy bay được phép “đi quá cảnh” qua các dải hẹp, eo biển được sử dụng cho hàng hải quốc tế. Theo quy định tại Điều 19 của Công ước thì các trường hợp tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải mà không tiến hành bất kỳ hoạt động nào sau đây sẽ được coi là đi qua không gây hại: đe dọa hoặc dung vũ lực chống lại chính quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển; luyện tập hoặc diễn tập với bất kỳ kiểu loại vũ khí nào; thu nhập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;…
– Theo quy định tại Điều 33 của Công ước thì trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, quốc gia ven biển có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm:
+ Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình;
+ Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên lãnh thổ trong lãnh hải của mình.
Công ước cũng mở rộng quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ nằm trên đáy biển của vùng tiếp giáp lãnh hải.
– Quốc gia quần đảo, được tạo thành bởi nhóm hoặc các nhóm đảo liên quan gần gũi và những vùng nước tiếp liền, sẽ có chủ quyền đối với vùng biển nằm trong các đường thẳng được vẽ bởi các điểm xa nhất của các đảo, vùng nước bên trong các đảo được gọi là vùng nước quần đảo, và các quốc gia này có thể thiết lập các đường đi lại cho tầu thuyền và hàng không, trong đó các quốc gia khác có thể được hưởng quyền qua lại các quần đảo bằng các tuyến đường biển đã định.
– Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa 200 hải lý, đối với tài nguyên thiên nhiên và một số hoạt động kinh tế, và thực hiện quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường. Các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không và tự do đặt dây cáp ngầm và đường ống.
– Quốc gia không có biển hoặc bất lợi về địa lý có quyền tham gia trên cơ sở công bằng trong việc khai thác một phần thích hợp trong số phần dư dôi của các tài nguyên sống trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển trong cùng khu vực hoặc tiểu khu vực; các loài di cư như cá hoặc sinh vật biển được bảo vệ đặc biệt.
– Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa (khu vực đáy biển của quốc gia) trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa. Thềm lục địa có thể kéo dài ít nhất là 200 hải lý từ bờ biển, và có thể kéo dài không quá 350 hải lý trong những điều kiện cụ thể. Quốc gia ven biển chia sẻ với cộng đồng quốc tế phần lợi tức thu được do khai thác tài nguyên từ bất cứ khu vực nào trong thềm lục địa của quốc gia đó khi nó kéo dài quá 200 hải lý. Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (được thành lập theo Phụ lục II trong Công ước Luật biển 1982) sẽ có ý kiến đối với quốc gia liên quan về ranh giới ngoài của thềm lục địa khi nó kéo dài quá 200 hải lý.
– Tất cả các quốc gia đều có quyền tự do truyền thống về hàng hải, bay qua, nghiên cứu khoa học và đánh cá trên vùng biển quốc tế. Các quốc gia có trách nhiệm hợp tác với nhau trong việc thông qua các biện pháp để quản lý và bảo tồn các tài nguyên sống trên biển.
– Các quốc gia có chung biên giới với biển kín hoặc nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc quản lý tài nguyên sống, có chính sách và hoạt động về môi trường cũng như nghiên cứu khoa học. Các quốc gia không có biển có quyền tiếp cận với biển và được tự do quá cảnh thông qua nước quá cảnh để ra biển. Các quốc gia phải ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra do sự vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình để kiềm chế những sự ô nhiễm đó.
– Tất cả các nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Tuy vậy, hầu như trong tất cả mọi trường hợp, quốc gia ven biển có trách nhiệm đồng ý với đề nghị của các quốc gia khác khi việc nghiên cứu được tiến hành vì mục đích hòa bình và đã thực hiện một số yêu cầu chi tiết. Các quốc gia cam kết tăng cường phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển trong những điều kiện “công bằng và hợp lý” có tính đến đầy đủ những lợi ích hợp pháp.
– Các quốc gia thành viên phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp liên quan đến việc hiểu và áp dụng Công ước. Các tranh chấp cần được trình lên
Sau khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra đời và có hiệu lực, các quốc gia ven biển đã ra các tuyên bố để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của Công ước Quy chế pháp lý đối với các vùng biển và thềm lục địa đã trở thành nội dung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Lưu thông hàng hải qua vùng lãnh hải và các dải hẹp giờ đây đã được điều chỉnh dựa trên các nguyên tắc pháp lý.
3. Ý nghĩa của Công ước Luật biển 1982:
– Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 có thể nói là một văn kiện quốc tế tổng hợp toàn diện, bao quát được tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới như: an ninh, bảo vệ, nuôi trồng, khai thác tài nguyên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học, công nghệ… đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia cũng như đối với các vùng biển nằm ngoài phạm vi thuộc quyền tài phán quốc gia.
– Công ước thể hiện sự cố gắng lớn của cộng đồng quốc tế để điều chỉnh tất cả các khía cạnh liên quan đến biển, tài nguyên biển và việc sử dụng biển, tạo nên một trật tự thế giới mới cho việc quản lý và sử dụng biển của nhân loại.
– Công ước đã tạo ra một trật tự pháp lý mới trên biển, tương đối công bằng và được thừa nhận rộng rãi. Theo đó khi xảy ra tranh chấp thì các quốc gia phải giải quyết bằng con đường hòa bình. UNCLOS thành lập các cơ quan, cơ chế với vai trò và chức năng khác nhau, có tính chất bổ sung cho nhau; quy định cơ chế giải quyết tranh chấp trong việc giải thích và áp dụng Công ước.
Khi có tranh chấp, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nhanh chóng trao đổi quan điểm về giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình khác. Nếu việc trao đổi, đàm phán trong một thời gian hợp lý không đạt được giải pháp, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế để có phán quyết ràng buộc, đó là Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật Biển quốc tế, hoặc Tòa trọng tài, Tòa trọng tài đặc biệt.