Giám đốc công ty được xem là cương vị quản lý cao cấp mang nhiều quyền lực và có tầm ảnh hưởng trong các doanh nghiệp, có quyền đưa ra các quyết định quan trọng trong quá trình kinh doanh của công ty. Vậy công ty có nhu cầu thuê xe của chính giám đốc công ty có được hay không?
Mục lục bài viết
1. Công ty thuê xe của chính giám đốc công ty được không?
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được xác định là các cá nhân đại diện cho doanh nghiệp, công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch dân sự của công ty đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp còn đại diện cho doanh nghiệp với tư cách là người yêu cầu giải quyết việc dân sự, với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc trước Tòa án, thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp khác nhau, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể đảm nhiệm nhiều chức danh khác nhau. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể là các chủ thể sau đây:
– Người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên. Trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể là chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do các tổ chức làm chủ sở hữu, thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể là chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
– Người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên. Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể là chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên;
– Người đại diện theo pháp luật của loại hình công ty cổ phần. Đối với trường hợp mô hình công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần có thể là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty cổ phần, hoặc các chức danh khác được quy định cụ thể trong điều lệ của công ty cổ phần;
– Người đại diện theo pháp luật của loại hình công ty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh sẽ được xác định là các thành viên hợp danh, giữ chức vụ hoặc đồng thời giữ chức vụ là chủ tịch hội đồng thành viên trong công ty hợp danh, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty hợp danh;
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân. Khác với các loại hình doanh nghiệp nêu trên, người đại diện theo pháp luật của loại hình doanh nghiệp tư nhân được xác định là chủ doanh nghiệp tư nhân đó.
Theo đó thì có thể nói, trong trường hợp giám đốc công ty đồng thời được xác định là người đại diện theo pháp luật của công ty, muốn ký kết hợp đồng thuê phương tiện hoặc thuê nhà của chính mình cho công ty thì sẽ không được phép thực hiện. Căn cứ theo quy định tại Điều 141 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về phạm vi đại diện của người đại diện. Theo đó:
– Người đại diện sẽ chỉ được phép xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện dựa trên các căn cứ sau đây:
+ Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
+ Điều lệ của pháp nhân;
+ Nội dung ủy quyền;
+ Quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Trong trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có quyền xác lập và thực hiện mọi giao dịch dân sự xuất phát vì lợi ích của người được đại diện, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác;
– Một cá nhân hoặc pháp nhân có thể làm đại diện cho nhiều cá nhân hoặc nhiều pháp nhân khác nhau, tuy nhiên không được phép nhân danh người được đại diện để xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc xác lập các giao dịch dân sự với bên thứ ba mà mình cũng đang là người đại diện của người đó, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác;
– Người đại diện bắt buộc phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Theo đó thì có thể nói, giám đốc công ty trong trường hợp đồng thôi giữ chức danh đại diện theo pháp luật của công ty thì sẽ không được phép ký hợp đồng thuê xe với chính mình. Khi có nhu cầu thuê các phương tiện, pháp luật không cấm công ty phải thuê phương tiện của người ngoài công ty hay phương tiện của người trong công ty, giám đốc công ty cũng không ngoại lệ. Hoàn toàn có thể ký hợp đồng thuê xe của chính giám đốc công ty. Tuy nhiên cần phải lưu ý về chủ thể ký kết hợp đồng thuê xe, vì trong một số trường hợp giám đốc công ty sẽ được xác định là người đại diện của công ty đó, khi đó sẽ không đảm bảo tính vô tư khách quan.
2. Các doanh nghiệp nhà nước có được thuê xe riêng cho giám đốc công ty không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 72/2023/NĐ-CP, có quy định cụ thể về phạm vi và đối tượng được sử dụng, thẩm quyền quyết định số lượng phương tiện ô tô phục vụ cho công tác chung của các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó:
– Phương tiện ô tô phục vụ cho công tác chung của doanh nghiệp là các phương tiện ô tô một cầu hoặc hai cầu, các phương tiện có chỗ ngồi từ 04 chỗ ngồi đến 16 chỗ ngồi, trong đó bao gồm cả phương tiện ô tô là xe bán tải để phục vụ cho công tác chung của các cơ quan, tổ chức và đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, các phương tiện đó sẽ không thuộc danh mục xe ô tô chuyên dùng căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 72/2023/NĐ-CP;
– Các đối tượng sau đây sẽ được quyền sử dụng phương tiện xe ô tô phục vụ cho công tác chung để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và chức trách được cơ quan tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước giao phó, tuy nhiên không được phép sử dụng các phương tiện này để đưa đón các cá nhân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại. Cụ thể bao gồm:
+ Phó tổng cục trưởng và các chức vụ khác tương đương;
+ Bộ trưởng và các chức vụ khác tương đương, phó Vụ trưởng và các chức vụ khác tương đương;
+ Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (ngoại trừ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh);
+ Giám đốc, phó giám đốc Sở và tương đương cấp tỉnh;
+ Bí thư huyện ủy, bí thư quận ủy, bí thư Thành ủy, bí thư Thị ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Ủy viên của ban thường vụ huyện ủy, ủy viên của Ban thường vụ quận ủy, ủy viên của ban thường vụ thành ủy, ủy viên của ban thường vụ thị ủy, chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Ủy viên hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, chủ tịch công ty, giám đốc hoặc phó giám đốc và các chức danh tương đương khác tại doanh nghiệp nhà nước;
+ Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ đặc thù trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Danh mục nhiệm vụ đặc thù hiện nay đang được quy định cụ thể tại Quy chế quản lý sử dụng tài sản công của cơ quan và đơn vị.
Theo đó thì có thể nói, các doanh nghiệp nhà nước có thể được thuê xe riêng cho giám đốc công ty tuy nhiên cần phải phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không được phép thuê xe riêng cho giám đốc chỉ sử dụng với mục đích đưa đón giám đốc từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại.
3. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của công ty:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Văn bản hợp nhất
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn thận, khách quan vô tư, minh bạch, đảm bảo quyền lợi tốt nhất của doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích hợp pháp của công ty;
– Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp, không được phép lạm dụng địa vị, lạm dụng chức vụ hoặc sử dụng các thông tin, sử dụng bí quyết kinh doanh, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để nhằm mục đích tư lợi cá nhân, trục lợi dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc phục vụ cho lợi ích của các tổ chức và cá nhân khác trong xã hội;
– Thông báo kịp thời, thông báo đầy đủ, thông báo chính xác cho doanh nghiệp và doanh nghiệp mà mình hoặc những người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, có phần vốn góp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng cần phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do hành vi vi phạm trách nhiệm của mình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật dân sự 2015;
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022
– Nghị định 72/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
THAM KHẢO THÊM: