Khi xảy ra tai nạn lao động tại doanh nghiệp, công ty cũng phải có trách nhiệm chi trả, bồi thường cho người lao động. Vậy công ty phải trả chế độ gì cho người bị tai nạn lao động?
Mục lục bài viết
- 1 1. Công ty phải trả chế độ gì cho người bị tai nạn lao động?
- 2 2. Trường hợp nào người lao động được bảo hiểm xã hội chi trả chế độ tai nạn lao động?
- 3 3. Công ty có trách nhiệm gì trong công tác đảm bảo an toàn lao động cho người lao động?
- 4 4. Trách nhiệm của người lao động để ngăn chặn tình trạng tai nạn lao động xảy ra:
1. Công ty phải trả chế độ gì cho người bị tai nạn lao động?
Khi người lao động bị tai nạn lao động thuộc trường hợp được hưởng chế độ theo quy định thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm chi trả cụ thể như sau:
– Tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu cho người lao động.
– Điều trị cho người lao động.
– Chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí y tế (bao gồm từ lúc sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định).
– Chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền lương cho người lao động trong khoảng thời gian người lao động điều trị tai nạn và phục hồi.
– Chịu trách nhiệm bồi thường cho người lao động (trong trường hợp không phải 100% lỗi do người lao động gây ra) như sau:
+ Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: bồi thường ít nhất là 1,5 tháng tiền lương.
+ Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%: được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu tăng 1%.
+ Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: bồi thường ít nhất là 30 tháng tiền lương.
– Chi trả khoản trợ cấp cho người lao động:
+ Nếu như tai nạn giao thông xuất phát do chính người lao động gây ra: người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định như mục bồi thường cho người lao động bên trên.
2. Trường hợp nào người lao động được bảo hiểm xã hội chi trả chế độ tai nạn lao động?
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo chế độ và điều kiện như sau:
– Hưởng trợ cấp một lần (áp dụng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%):
+ Người lao động được hưởng năm lần mức lương cơ sở: nếu suy giảm 5% khả năng lao động, và sẽ được cộng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở nếu cứ suy giảm thêm 1%.
+ Bên cạnh đó, người lao động bị tai nạn còn được hưởng khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, cụ thể là:
- Được hưởng 0,5 tháng nếu đóng bảo hiểm từ 01 năm trở xuống.
- Cứ thêm mỗi năm đóng thì được hưởng thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động.
– Hưởng trợ cấp hằng tháng (áp dụng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên).
+ Người lao động được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở: trường hợp suy giảm 1% khả năng lao động. Người lao động sẽ được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở nếu như cứ suy giảm thêm 1%.
+ Người lao động còn được hưởng một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
3. Công ty có trách nhiệm gì trong công tác đảm bảo an toàn lao động cho người lao động?
Căn cứ Điều 7 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, công ty phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động cho người lao động như sau:
– Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn quy định, nội quy về biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.
– Phải trang bị đầy đủ các phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
– Phải thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
– Thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
– Tiến hành xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
– Có trách nhiệm đóng đầy đủ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
– Phải có trách nhiệm cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.
– Tuyệt đối không được phép ép buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động.
– Có trách nhiệm khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.
– Thực hiện khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.
– Thực hiện xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
– Khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phải có trách nhiệm lấy ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
Không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm sau đây:
+ Có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Có sự phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
+ Có hành vi sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
+ Che giấu khi có tai nạn lao động xảy ra.
+ Hành vi ép buộc người lao động làm những công việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có tai nạn lao động xảy ra.
+ Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.
4. Trách nhiệm của người lao động để ngăn chặn tình trạng tai nạn lao động xảy ra:
Để ngăn chặn tình trạng tai nạn lao động xảy ra, người lao động trong doanh nghiệp phải có trách nhiệm sau đây:
– Phải chấp hành đầy đủ nội quy, quy trình cũng như biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
– Phải tuân thủ đầy đủ các giao kết về an toàn lao động đối với doanh nghiệp.
– Đối với các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp thì phải có trách nhiệm sử dụng và bảo quản.
– Khi phát hiện có nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động thì phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời với người sử dụng lao động.
– Phải chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, phải tuyệt đối không được vi phạm những điều cấm sau:
– Có tai nạn lao động xảy ra nhưng che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật.
– Không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường của công ty.
– Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
Thông tư số 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.