Mã số doanh nghiệp được xem là một dãy số nhất định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp cho mỗi doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, đây là mã số sử dụng trong lĩnh vực quản lý thuế vào các hoạt động khác có liên quan đến thuế của doanh nghiệp. Dưới đây là một số vấn đề khi công ty ngưng hoạt động kinh doanh tuy nhiên chưa đóng mã số thuế doanh nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Công ty ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 206 của Văn bản hợp nhất
– Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản cho các cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh chậm nhất trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc trước ngày doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh trên thực tế hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời gian đã thông báo;
– Cơ quan đăng ký kinh doanh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong trường hợp sau:
+ Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi nhận thấy doanh nghiệp đó không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
+ Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan, theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
+ Đình chỉ hoạt động, chấm dứt hoạt động kinh doanh đối với một ngành nghề hoặc một số ngành nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực nhất định theo quyết định của tòa án.
– Trong trường hợp tạm dừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, nộp đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cần phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ, hoàn thành đầy đủ quá trình thực hiện hợp đồng đã ký kết với khách hàng, đối tác và người lao động, ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp và chủ nợ/khách hàng/người lao động có thỏa thuận khác.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Luật quản lý thuế năm 2019 có quy định về vấn đề chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Theo đó:
– Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì sẽ thực hiện hoạt động chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong những trường hợp sau:
+ Chấm dứt hoạt động kinh doanh, thực hiện thủ tục giải thể/phá sản;
+ Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Thực hiện thủ tục chia tách, sáp nhập, hợp nhất.
– Người nộp thuế kê khai vào đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì sẽ thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong những trường hợp sau:
+ Bị chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh các nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức không kinh doanh;
+ Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thu hồi các giấy phép khác có giá trị pháp lý tương đương;
+ Thực hiện thủ tục chia tách, sáp nhập, hợp nhất, bị cơ quan thuế ra thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại các địa chỉ đã đăng ký trước đó;
+ Các cá nhân đã chết, mất tích, bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
+ Các nhà thầu nước ngoài trong trường hợp kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi hết thời hạn của hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí cho chủ thể khác.
Theo đó thì có thể nói, khi công ty ngưng hoạt động kinh doanh trên thực tế thì cần phải thực hiện thủ tục đóng mã số thuế doanh nghiệp. Pháp luật hiện nay cũng chưa đưa ra mức xử phạt đối với hành vi công ty ngưng kinh doanh nhưng chưa đóng mã số thuế. Trên thực tế, công ty ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng mã số thuế thì sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro không đáng có, điển hình nhất là hiện tượng ngừng kinh doanh nhưng vẫn phải đóng thuế. Theo đó, dù đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và trả toàn bộ giấy phép kinh doanh có liên quan sau khi ngưng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên công ty vẫn nhận được yêu cầu đóng thuế từ phía cơ quan quản lý thuế vì công ty đó chưa thông báo đóng mã số thuế. Lỗi đầu tiên để xảy ra hiện tượng này đó là sự thiếu hiểu biết về quy trình đóng mã số thuế của công ty, vì vậy đòi hỏi người nộp thuế cần phải tìm hiểu đầy đủ quy định của pháp luật, tham khảo ý kiến của các cơ quan ban ngành có liên quan để tránh mất oan những khoản chi phí không đáng có.
2. Thủ tục đóng mã số thuế khi công ty ngừng hoạt động:
Trình tự và thủ tục đóng mã số thuế khi công ty ngưng hoạt động kinh doanh được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu đóng mã số thuế công ty. Thành phần hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau: Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo mẫu do pháp luật quy định, giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế, công văn giải trình mất giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc mất thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, các loại giấy tờ khác khi được yêu cầu.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hiệu lực mã số thuế trong trường hợp này là các cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong khoảng thời gian 02 ngày làm việc được tính kể từ ngày cơ quan thuế nhận được thông báo của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ xem xét tính hợp lý của hồ sơ, yêu cầu người nộp thuế thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan. Sau đó cơ quan thuế sẽ thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Bước 3: Nhận kết quả.
3. Vai trò của đóng mã số thuế khi công ty ngừng hoạt động:
Việc đóng mã số thuế của công ty khi công ty ngưng hoạt động đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cụ thể:
Thứ nhất, lập mã số thuế là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoạt động hợp pháp của công ty. Khi lập mã số thuế, hoạt động của công ty sẽ nằm trong sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, được cạnh tranh công bằng, được bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Chỉ những doanh nghiệp đang trong quá trình hoạt động mới có mã số thuế, vì vậy khi doanh nghiệp đó ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục khóa mã số thuế để hạn chế những rủi ro không đáng có.
Thứ hai, hoạt động đống mã số thuế khi doanh nghiệp ngưng hoạt động kinh doanh giúp cho công tác quản lý doanh nghiệp của cơ quan chức năng có thẩm quyền diễn ra thuận lợi và suôn sẻ hơn. Nếu khi ngưng hoạt động kinh doanh, mã số thuế cũ của các doanh nghiệp vẫn chưa được xóa sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản lý hoạt động doanh nghiệp của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trong một số trường hợp còn có thể ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp khác, hoạt động quản lý thuế của nhà nước có thể bị lẫn lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thứ ba, đóng mã số thuế doanh nghiệp khi công ty ngưng hoạt động giúp công ty ngăn ngừa được tình trạng lừa đảo có thể xảy ra. Mỗi doanh nghiệp trên thực tế chỉ có 01 mã số thuế duy nhất, thông qua mã số thuế đó doanh nghiệp sẽ cập nhật thông tin và giúp người dân nắm bắt được những thông tin cơ bản của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Nếu không khóa mã số thuế, khi doanh nghiệp đó đã không còn hoạt động, những đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng thông tin đó để lừa gạt người dân trong xã hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tới công tác quản lý của nhà nước và lợi ích của cá nhân có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật quản lý thuế 2019;
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022 Luật Doanh nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: