Quản lí hoạt động đăng kí khai sinh được coi là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của công chức hộ tịch, nhiều người thắc mắc rằng: Công chức hộ tịch làm khống giấy khai sinh thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Công chức hộ tịch làm khống giấy khai sinh bị xử lý thế nào?
1.1. Hiểu như thế nào về công chức hộ tịch?
Công chức của Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao làm công tác hộ tịch phải đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân huyện đăng ký các việc hộ tịch thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện và thực hiện quản lý nhà nước về công tác hộ tịch trên địa bàn huyện. Công chức tư pháp – hộ tịch là người giúp Ủy ban nhân dân xã, có trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn người đi đăng ký khai sinh ghi đúng, đủ nội dung trong tờ khai đăng ký khai sinh; kiểm tra đối chiếu hồ sơ, yêu cầu đăng ký khai sinh với các quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc xác định họ, tên; dân tộc; quốc tịch; quê quán của trẻ em trước khi ghi vào sổ hộ tịch và giấy khai sinh. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, bảo đảm đúng quy định thì ghi đầy đủ thông tin vào Sổ hộ tịch, sau đó cập nhật thông tin vào phần mềm đăng ký hộ tịch để lấy số định danh cá nhân (đối với những cơ quan đăng ký hộ tịch đã sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân); trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã ký giấy khai sinh; hướng dẫn người đi đăng ký khai sinh ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên trong Sổ đăng ký khai sinh và trao giấy khai sinh cho người đi đăng ký khai sinh.
1.2. Xử lý khi công chức hộ tịch làm khống giấy khai sinh:
Cán bộ tư pháp hộ tịch là cán bộ của nhà nước vì thế cho nên phải thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nói riêng và của nhà nước nói chung. Nhìn chung thì theo quy định của pháp luật hộ tịch, công chức công tác tại bộ phận hộ tịch sẽ mang những chức năng và nhiệm vụ nhất định, không được phép thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
– Công chức hộ tịch không được gây khó khăn, phiền hà hoặc hách dịch, cửa quyền trong quá trình thực thi chức năng nhiệm vụ được giao, không được phép nhận hối lộ khi thi hành công vụ trong phạm vi và thẩm quyền của mình;
– Công chức làm công tác hộ tịch phải tiến hành thu các loại phí theo đúng quy định của pháp luật, không được phép thu phí cao hơn hoặc đặt ra các khoản phí khi đăng ký hộ tịch không phù hợp với quy định của nhà nước;
– Khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch, phải thực hiện theo đúng thủ tục và trình tự đã quy định, không được gây phiền hà hoặc kéo dài thời gian trong quá trình giải quyết đăng ký hộ tịch của người dân;
– Công chức hộ tịch không được sửa hoặc làm sai lệch thông tin trên cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia;
– Công chức hộ tịch cũng không được phép cấp các loại giấy tờ về hộ tịch hoặc đăng ký giấy tờ trái quy định của pháp luật;
– Công chức hộ tịch phải giữ bí mật cá nhân của khách hàng và không được tiết lộ các thông tin liên quan đến bí mật của khách hàng mà mình biết được trong quá trình đăng ký hộ tịch.
Như vậy hành vi làm khống và làm giả giấy khai sinh của công chức hộ tịch được coi là hành vi vi phạm pháp luật và trái với quy định của pháp luật về hộ tịch. Vì thế, với chức vụ là công chức hộ tịch, thì hành vi sai phạm sẽ phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể là tại Điều 74 của Luật Hộ tịch hiện hành có quy định: đối với công chức hộ tịch khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hộ tịch thì tùy theo tính chất và mức độ khác nhau có thể chịu trách nhiệm khác nhau, đó là xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về phương tiện xử lý kỷ luật, thì theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức, khi công chức vi phạm quy định của pháp luật thì có thể xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức khác nhau, như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc hoặc giáng chức. Bên cạnh đó, về phương diện hình sự, hành vi của công chức hộ tịch có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Chủ thể của loại tội phạm này là người có chức vụ quyền hạn. So với các loại tội phạm khác như tội tham ô thì chủ thể của tội này rộng hơn rất nhiều bởi nó liên quan đến việc quản lý tài sản. Đồng thời nếu công chức hộ tịch vi phạm phải tụi này thì phải toàn mãn dấu hiệu lỗi cố ý trực tiếp và động cơ phạm tội xuất phát từ mục đích trục lợi cá nhân.
2. Quy định về thủ tục đăng kí giấy khai sinh:
Thứ nhất, người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền. Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả. Sau khi nhận được hồ sơ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, Phòng Tư pháp báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện đồng ý giải quyết thì công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh và cùng người đi đăng ký khai sinh ký tên vào sổ, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký giấy khai sinh cấp cho người được đăng ký khai sinh.
Thứ hai, nếu trường hợp cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì công chức làm công tác hộ tịch cập nhật thông tin khai sinh vào hệ thống phần mềm dùng chung theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp để lấy số định danh cá nhân. Đối với các địa phương chưa áp dụng phần mềm dùng chung thì thực hiện theo thủ tục thông thường; tạm thời chưa lấy số định danh cá nhân.
Thứ ba, nếu hồ sơ chưa đầy đủ và hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung cần hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác của các công chức hộ tịch:
Thứ nhất, việc bố trí công chức hộ tịch, việc bố trí công chức có năng lực, trình độ, chuyên trách làm công tác đăng ký hộ tịch bảo đảm đáp ứng yêu cầu của người dân là yêu cầu bức thiết. Ngoài ra, Luật Hộ tịch còn quy định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn của công chức làm công tác hộ tịch phải thực hiện như: kiểm tra, rà soát, phát hiện, chủ động đăng ký kịp thời việc khai sinh, khai tử phát sinh trên địa bàn; tổ chức đăng ký lưu động đối với việc khai sinh, khai tử, kết hôn; thường xuyên tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức pháp luật để nâng cao năng lực và nghiệp vụ đăng ký hộ tịch; tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hộ tịch. Tuy nhiên, với khối lượng công việc khác nhau của mỗi địa phương, việc quy định tất cả các địa phương phải có công chức làm công tác hộ tịch chuyên trách chưa phù hợp với tình hình thực tế đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc đăng ký hộ tịch nói chung, đăng ký khai sinh nói riêng.
Thứ hai, việc tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, việc còn coi nhẹ công tác tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, có địa phương chỉ tổ chức triển khai khi có những văn bản mới mà không định kỳ tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch; chính vì không được kịp thời bồi dưỡng nghiệp vụ nên số công chức mới thay thế không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Thứ ba, về đầu tư cơ sở, vật chất phục vụ cho công tác hộ tịch, việc trang bị máy vi tính, tủ cất giữ hồ sơ, bố trí kho lưu trữ cho công chức tư pháp – hộ tịch tác nghiệp ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đăng ký khai sinh; công chức Tư pháp – Hộ tịch không được đầu tư đầy đủ cơ sở, vật chất phục vụ cho công tác sẽ không đáp ứng yêu cầu về thời gian trả kết quả cho công dân, việc lưu trữ các hồ sơ, giấy tờ khác cũng dễ làm thất lạc hay hư hỏng hồ sơ, đặc biệt là sổ hộ tịch.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Cán bộ công chức năm 2019;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Văn bản hợp nhất 1843/VBHN-BTP năm 2023 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành.