Từ lâu nhà nước ta được xây dựng và chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý và lãnh đạo về mọi mặt. Chính vì vậy, từ lâu Hồ Chí Minh đã luôn nhắc nhở cán bộ lãnh đạo nhà nước ta luôn làm việc trên tinh thần vì lợi ích của nhân dân qua câu nói: Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
1. Công bộc là gì?
Hiện nay, cụm từ về công bộc ít được sử dụng trong đời sống hằng ngày như trước đây. Tại Việt Nam, trước cách mạng Tháng Tám, tại các thời kỳ lịch sử thời phong kiến thì khái niệm được sử dụng để chỉ cho những quan lại và quân lính dưới quyền. Sau này, nhà nước ta đã dùng cụm từ cán bộ, công chức, viên chức để thay thế và “công bộc” vẫn được sử dụng.
Theo đó, công bộc là cụm từ chỉ cho những người làm nhiệm vụ, thực hiện các nghĩa vụ được giao bởi cấp trên, phải phục tùng mệnh lệnh và không được phản đối.
Mở rộng hơn chúng ta sẽ có cụm từ về công bộc của dân. Công bộc của dân được hiểu là cụm từ chỉ một quan hệ về nhiệm vụ, trách nhiệm và nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công viên chức thực hiện những nhiệm vụ vì lợi ích của nhân dân.
2. Phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về công bộc của dân:
Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, Đảng và nhà nước ta luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân mà phục vụ. Và theo quan điểm của Hồ Chí Minh từ lâu thì cán bộ được xem là những người công bộc của nhân dân, luôn sẵn sàng đặt nhiệm vụ của nhân dân lên hàng đầu, phục vụ lợi ích của nhân dân. Ngày 19 tháng 9 năm 1945, trên Báo Cứu quốc số 46, với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Chính phủ là công bộc của dân”. Theo Bác Hồ, để Chính phủ được lòng dân thì Chính phủ phải là công bộc, thật sự công bộc của dân theo nghĩa là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Luôn suy nghĩ cho nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì gây hại cho nhân dân thì tránh hoặc tìm cách khắc phục không cho xảy ra, hoặc hạn chế hậu quả xảy ra. Cụ thể sẽ được thể hiện qua những nội dung sau đây:
Thứ nhất, vì nhân dân mà phục vụ
Có thể khẳng định để có được một nhà nước độc lập và có chủ quyền như ngày nay chính là nhờ vào sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chủ tịch và quan trọng không kém đó chính là dòng máu yêu nước của nhân dân ta. Trải qua bao nhiêu vất vả, sự bóc lột tàn bạo của các thế lực thù địch,…nhưng với lòng yêu nước nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh giành lấy độc lập. Nhiều cuộc khởi nghĩa với sự lãnh đạo của người đứng đầu xuất phát từ nhân dân đứng lên đấu tranh bảo vệ chủ quyền, áp bức được xuất hiện, khiến cho quân địch khiếp sợ. Chình vì vậy, phục vụ cho nhân dân chính là một nhiệm vụ thiêng liêng được sự tin tưởng của nhân dân. Một đất nước chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có được sự tin tưởng của toàn nhân dân. Họ đã giành lại độc lập và giao nhà nước này cho đội ngũ lãnh đạo nhà nước quản lý và bảo vệ. Do đó, nhiệm vụ cao cả và quan trọng nhất chính là thực hiện nhiệm vụ hết mình, ra sức bảo vệ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân mà cống hiến.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công bộc là phẩm chất đầu tiên, cần thiết nhất của người cán bộ bởi lẽ người đại diện cho nhân dân, đại diện cho quyền lực nhà nước, người đứng đầu sẽ có vai trò chi phối, ảnh hưởng đến sự hình thành các đức tính khác như cần kiệm, liêm minh, tiết kiệm, biết lo lắng và đặc biệt là lòng yêu nước và yêu dân. Từ đó mới tạo nên một con người cách mạng đúng chất. Để có thể biết được đức tính này có tồn tại trong suy nghĩ, tiềm thức của một người lãnh đạo hay không chúng ta hãy nhìn vào những hành động, giá trị mà họ mang lại cho đời sống. Đó có phải là những lợi ích cho nhân dân, tất cả vì nhân dân hay chỉ đằng sau đó là tìm cách vụ lợi cho chính bản thân mình, ảnh hưởng, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, của những người nhân dân đáng được hưởng. Thái độ, cư xử chuẩn mực và hành vi của họ trong bất cứ hoàn cảnh nào đều biết đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của bản thân mình; biết hy sinh những những lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh cả bản thân vì lợi ích chung.
Chúng ta có thế thấy trên các báo đài hay những văn kiện, hướng dẫn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến các nhà lãnh đạo dưới trướng tại các vùng miền trên cả nước, người luôn đề cập vấn đề tư tưởng, bản chất của người làm cán bộ. Vào tháng 02/1946, trong một lần trả lời các nhà báo trong và ngoài nước, Người đã không e ngại mà bày tỏ rõ thái độ của mình như sau: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý một chút nào. Bây giờ, tôi phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác cho thì tôi phải gắng sức làm. Cũng giống như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận, bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”.
Dù chi vỏn vẹn trong vài dòng nhưng chắc hẳn chúng ta đều nhận thấy được sự chân thành, tấm lòng đầy cao cả, thể hiện đúng bản chất của một người làm cách mạng đáng có. Người đã nói được và làm được. Người nhận thấy được sự quan trọng của mình đối với đất nước nhưng không vì thế mà người có thái độ cao ngạo mà ngược lại Người cho rằng nhiệm vụ của mình là vì nhân dân mà phục vụ cho hết cả cuộc đời, cống hiến hết mình vì nhân dân. Người chỉ mong ước có được mái nhà để sinh sống, chằng ham giàu sang phú quý, người khác phục tùng mình hay vướng vào vòng danh vọng mà ngày này nhiều người cán bộ đã không thể làm được.
Thứ hai, lợi ích của Nhân dân bị xem nhẹ
Trong mọi thời đại, mục đích của một nhà nước chủ nghĩa chính là vì lợi ích của nhân dân. Nhưng nếu như lợi ích của nhân dân bị xem nhẹ, người làm cách mạng lại đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu thì nhà nước đó sẽ không thể nào là nhà nước có sự phồn vinh lâu dài.
Theo đó, ngược lại với công bộc là “chủ nghĩa cá nhân”. Một người làm cách mạng nhưng chỉ suy nghĩ làm gì để đem lại lợi ích tối đa cho bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Đối với người cán bộ, khi đã mang trong mình “căn bệnh chủ nghĩa cá nhân” thì nó rất nguy hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như của Nhân dân. Bởi lẽ, chủ nghĩa cá nhân là việc cá nhân làm gì cũng chỉ lo nghĩ cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tậ thể. Khi đất nước giành được độc lập, Bác đã khẳng định rõ ràng mục tiêu của Nhà nước ta.
Cụ thể, trong bản Hiến pháp năm 1946, Người chỉ rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam”. Đồng thời, trong thư gửi cho các Ủy ban nhân dân các cấp Người còn nhấn mạnh “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.”
Chính vì vậy, mỗi người cán bộ, đảng viên đều là “đầy tớ thật sự của nhân dân, là đầy tớ chung thành của nhân dân, người con hiểu thảo của Tổ quốc”.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây đặt biệt là những năm 2010 đến 2018 thì số lượng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi lợi dụng tính chất công việc để trục lợi cho bản thân. Thậm chí những người này những người đứng đầu đơn vị, thủ trưởng đơn vị, chánh thanh tra, chánh án,…toàn những cơ quan nắm giữ vai trò vai trò quan trọng trong cơ quan nhà nước, tại các đơn vị cấp huyện, quận, thành phố. Nhiều cá nhân ăn hối lộ đến vài trăm tỷ, làm giả giấy tờ để chiếm đoạn tài sản công. Đây chính là những đối tượng làm xấu đi hình ảnh người cán bộ trong mắt nhân dân, mất đi sự tin tưởng và trung thành với tổ quốc.
Nhiều cá nhân, sẵn sàng thực hiện hành vi trái pháp luật, “làm ngơ” để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng, khai thác trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, thuê người đứng tên trên các thửa đất, đứng đầu các đường dây buôn bán ma túy, mại dâm từ quốc tế vào nước ta.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do cán bộ công chức sống xa dân, lo cho lợi ích bản thân, lợi ích nhóm. “Nếu cán bộ công chức, đảng viên không tự hạn chế được bản thân, để những nhu cầu vật chất lôi cuốn bản thân và gia đình thì sẽ không khác gì con thiêu thân, sẽ bị biến chất; thậm chí ăn cắp, bớt xén của dân để làm giàu cho bản thân” – GS. TS Trần Văn Bính chia sẻ.
Chính vì vậy, hiện nay với sự kiên quyết và kiểm soát chặt chẽ của Đảng và Nhà nước đã phần nào hạn chế được những hành vi tham nhũng này. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều vụ như trên chưa được phát hiện ra.
Như vậy, cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân, chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ từ nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác được giao. Khi toàn Đảng và nhân dân cùng nhau đoàn kết đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ trước tiên đó chính là luôn tiên phong trong mọi vấn đề, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng. Việc học tập và rèn luyện những phẩm chất đạo đức này đối với mỗi người không thể chung chung, trừu tượng mà cần được thể hiện trong suy nghĩ, thái độ và những hành vi đạo đức ngay trong cuộc sống đời thường, trong công việc, mối quan hệ với đồng chí, Nhân dân.
Đối với Nhà nước ta, trong suốt những năm qua luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm của Bác, nhất là quan điểm cán bộ là công bộc của Nhân dân. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó; luôn được dân tin, dân phục, dân yêu, là chỗ dựa vững chắc trong mọi thời kỳ.