Từ nhỏ phải sống trong sự bạo hành của bố về sức khoẻ và tinh thần. Bố luôn luôn đánh đập mẹ. Cháu muốn hỏi các luật sư liệu cháu có thể đưa đơn yêu cầu tước bỏ quyền làm bố của ông ấy được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa Luật sư, cháu năm nay 17 tuổi. Từ nhỏ phải sống trong sự bạo hành của bố về sức khoẻ và tinh thần. Bố luôn luôn đánh đập mẹ. Trong suốt 17 năm, hầu như ngày nào cũng chửi bới. Bố dùng nhiều từ ngữ tục tĩu để nói chuyện với mẹ trước mặt chúng cháu. Bố còn thường xuyên gặp gỡ người đàn bà khác, khi hết tiền thì về đập vỡ đồ đạc, la hét, đánh đập mẹ cháu rất tàn nhẫn để bắt mẹ đưa tiền trong khi nhà cháu không hề khá giả. Quá sức chịu đựng làm cháu trở nên trầm tính và sa sút nhiều trong việc học, từ học sinh khá giỏi xuống trung bình trong năm qua nhưng bố vẫn không quan tâm. Cháu nhiều lần cầu xin mẹ ly hôn nhưng mẹ không đồng ý. Cháu muốn hỏi các luật sư liệu cháu có thể đưa đơn yêu cầu tước bỏ quyền làm bố của ông ấy được không? Rất mong luật sư giải đáp vấn đề của cháu. Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Bạn 17 tuổi, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì bạn vẫn thuộc đối tượng là người chưa thành niên.
Theo Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:
“1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này”.
Trường hợp của bạn, đây là quyền nhân thân nên bạn không thể tước bỏ quyền làm bố của họ được. Tuy nhiên nếu bố bạn có những cư xử quá đáng với mẹ con bạn thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền của làm cha đối với bạn.
Ngoài ra theo Điều 86 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:
“1. Cha, mẹ, người giám hộ của con chưa thành niên, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện cha, mẹ có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên”.
Như vậy, bạn không có quyền yêu cầu Toà án hạn chế và không cho phép cha bạn được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian từ 1 đến 5 năm nếu như bạn có những căn cứ xác đáng trước tòa. Nhưng bạn có thể yêu nhờ những người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền làm cha của cha bạn theo Điều 86 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy như mẹ bạn, người thân thích…
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tuy nhiên Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định rất rõ ràng tại Điều 87 là cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Tức là cha bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ chu cấp kinh phí để nuôi dưỡng bạn.
Nếu cha bạn vẫn tiếp tục bạo hành mẹ và bạn thì bạn có thể nhờ chính quyền địa phương hoặc cơ quan, lực lượng chức năng để họ có biện pháp ngăn chặn, răn đe và xử lý đối với hành vi bạo hành gia đình của cha bạn.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.