Pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng là một trong những công cụ chủ yếu mà nhà nước dùng để đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bằng việc xác định những hành vi nào nguy hiểm cho xã hội là tội phạm và quy định hình phạt đối với những người thực hiện hành vi nguy hiểm ấy, pháp luật hình sự là cơ sở pháp lý thống nhất cho các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nhằm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt người phạm tội và không làm oan người vô tội.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở pháp lý của việc định tội danh:
Dưới góc độ khoa học luật hình sự, khái niệm cơ sở pháp lý của việc định tội danh là hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự được dùng để xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bị coi là tội phạm. Cơ sở pháp lý của việc định tội danh bao gồm:
a) Bộ luật hình sự – cơ sở pháp lý trực tiếp của việc định tội danh: trong quá trình định tội danh, Bộ luật hình sự có ý nghĩa quyết định và quan trọng nhất, nó đóng vai trò là cơ sở pháp lý trực tiếp của việc định tội danh. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy vì có những lý do như sau:
– Thứ nhất, hiện nay Bộ luật hình sự nước ta là nguồn trực tiếp và duy nhất ghi nhận toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự hiện hành được áp dụng trong thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung, cũng như quá trình định tội danh và quyết định hình phạt nói riêng;
– Thứ hai, bản chất của việc định tội danh suy cho cùng là so sánh, đối chiếu và kiểm tra để xác định xem các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện trong thực tế khách quan có phù hợp với các dấu hiệu tương ứng của một tội phạm cụ thể nào đó được quy định trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự hay không;
– Thứ ba, nhà làm luật khi xây dựng hệ thống các quy phạm của Phần các tội phạm Bộ luật hình sự, đã tìm xem các dấu hiệu nào là đặc trưng cơ bản nhất, phổ biến nhất và hay được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong những hành vi ấy, sau đó điển hình hóa và quy định chung trong Bộ luật hình sự với tính chất là các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng;
– Thứ tư, Bộ luật hình sự với tính chất là cơ sở pháp lý duy nhất của việc định tội danh chứa đựng những mô hình pháp lý của các tội phạm, mà dựa vào đó những người có thẩm quyền tiến hành việc định tội danh xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của những hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể tương ứng được thực hiện với các dấu hiệu định tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự.
b) Bộ luật tố tụng hình sự – cơ sở pháp lý gián tiếp của việc định tội danh: trong quá trình định tội danh, nếu các quy phạm pháp luật của Bộ luật hình sự đóng vai trò là cơ sở pháp lý trực tiếp về mặt nội dung, thì các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự là cơ sở pháp lý gián tiếp về mặt hình thức quy định cách thức, trình tự, thẩm quyền định tội danh. Bởi vì:
Thứ nhất, các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự có ý nghĩa pháp lý quan trọng đối với việc bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Chẳng hạn, Toà án cấp phúc thẩm hoặc cấp giám đốc thẩm sau khi đã nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ mọi chứng cứ thu thập được trong vụ án hình sự cụ thể nhận thấy rằng: tội danh mà bị cáo bị Toà án cấp dưới xét xử là không có căn cứ, các dấu hiệu của hành vi phạm tội tương ứng với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản mà trong bản án của Toà án cấp dưới lại định tội danh theo các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng, thì theo các khoản 1 Điều 357, khoản 5 Điều 388 của
Thứ hai, trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành của nước ta đã đưa ra những cơ sở pháp lý quan trọng của việc định tội danh như: các quy định về chứng cứ (các Điều 85, 86, 87, 88, 89), tạm giam (Điều 113), thời hạn tạm giam (Điều 119), căn cứ khởi tố vụ án hình sự (Điều 143), những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự (Điều 148) .v.v..
c) Cấu thành tội phạm – mô hình pháp lý của việc định tội danh: cấu thành tội phạm là một khái niệm trừu tượng mang tính khoa học, là mô hình pháp lý chung nhất cho tất cả các hành vi cho xã hội. Những dấu hiệu của cấu thành tội phạm vừa phản ánh được đầy đủ tính nguy hiểm của loại tội phạm cụ thể và vừa đủ cho phép phân biệt loại tội phạm này với các loại tội phạm khác. Như vậy, cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, là căn cứ để Toà án lựa chọn đúng loại và mức hình phạt đối với người bị kết án. Trong cấu thành tội phạm có cấu thành tội phạm giảm nhẹ, cấu thành tội phạm tăng nặng… do đó, trong quá trình định tội danh các cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm nhân dân phải đánh giá chính xác các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc giảm nhẹ để định tội danh cho đúng với khung hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự.
Để giúp cho các cán bộ tiến hành tố tụng định tội danh được chính xác, các nhà khoa học pháp lý đã phân loại cấu thành tội phạm thành bốn yếu tố: khách thể của tội phạm, chủ thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Chính sự phân chia này làm cho chúng ta phân biệt được hai tội cụ thể khác nhau mặc dù giữa chúng có những dấu hiệu trùng nhau.
Ví dụ: tội trộm cắp tài sản (Điều 170
2. Các giai đoạn của việc định tội danh:
Quá trình định tội danh là quá trình xác định sự phù hợp của các tình tiết cơ bản, điển hình nhất của một hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra trong thực tế với các dấu hiệu cấu thành một tội phạm nào đó được quy định trong Bộ luật hình sự. Nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự, chúng ta có thể nhận thấy quá trình định tội danh thường diễn ra ba giai đoạn có tính logic sau đây:
a) Giai đoạn thứ nhất: xác định quan hệ pháp luật. Giai đoạn này thể hiện bằng việc phân tích các dấu hiệu cơ bản nhất của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện trong thực tế để xác định xem hành vi đó có các dấu hiệu của tội phạm hay không, có phải là hành vi bị pháp luật hình sự cấm không hay chỉ là hành vi vi phạm pháp luật khác. Tức là phải dựa vào Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về năm căn cứ khởi tố vụ án hình sự (tố giác của công dân; tin báo của cơ quan Nhà nước hay tổ chức xã hội; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, đơn vị bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm; người phạm tội tự thú) để xác định dấu hiệu tội phạm. Trong giai đoạn này thông thường sẽ có ba khả năng xảy ra như sau:
– Thứ nhất, không được khởi tố vụ án hình sự khi có 1 trong 7 căn cứ được quy định tại Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự;
– Thứ hai, nếu hành vi được thực hiện cụ thể là hành vi vi phạm pháp luật khác, thì tuỳ theo từng giai đoạn tố tụng hình sự mà cơ quan chức năng gửi tin báo, đơn báo hoặc đơn tố giác cho cơ quan Nhà nước (hay tổ chức xã hội) hữu quan để giải quyết theo thẩm quyền;
– Thứ ba, xác định được hành vi nguy hiểm cho xã hội mà chủ thể thực hiện có các dấu hiệu của tội phạm, từ đó sẽ phát sinh quan hệ pháp luật hình sự.
b) Giai đoạn thứ hai: tìm nhóm quy phạm pháp luật hình sự. Đây là giai đoạn xác định xem hành vi phạm tội mà chủ thể thực hiện cụ thể thuộc chương tương ứng nào trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự quy định. Trong giai đoạn này, nảy sinh quá trình xác định xem khách thể loại (loại quan hệ xã hội nào) được pháp luật hình sự bảo vệ đã bị tội phạm xâm hại đến và trong một số trường hợp tìm các dấu hiệu của loại chủ thể đặc biệt thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đó (ví dụ: người có chức vụ, quân nhân…).
c) Giai đoạn thứ ba: tìm quy phạm pháp luật hình sự cụ thể. Đây là giai đoạn so sánh, đối chiếu và kiểm tra xem các dấu hiệu của tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện do điều luật nào của chương đã xác định ở giai đoạn hai, tức là phải xác định xem hành vi phạm tội đó là phạm tội gì, tương ứng với cấu thành tội phạm nào (cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ) và tội phạm ấy thuộc khoản nào trong điều luật cụ thể đã tìm được.
Như vậy, định tội danh là một dạng của hoạt động áp dụng pháp luật có ý nghĩa lớn về mặt chính trị – xã hội, đạo đức và pháp luật. Quá trình định tội danh đối với một hành vi nguy hiểm cho xã hội tất yếu phải trải qua ba giai đoạn nói trên và phải dựa vào tình tiết thực tế của vụ án cũng như các quy định của pháp luật hình sự. Nhưng để đạt tới chân lý khách quan thì người định tội danh phải tiến hành theo một trật tự nhất định.