Luật nhân quyền quốc tế - cơ sở của pháp luật và cơ chế quốc tế về bảo đảm quyền con người trong ứng dụng công nghệ sinh học.
Luật nhân quyền quốc tế đã phát triển mạnh mẽ sau khi Liên Hợp quốc thành lập vào năm 1945, đặc biệt là từ khi có Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948. Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, hệ thống quyền con người và các biện pháp bảo vệ, thúc đẩy quyền con người tiếp tục được bổ sung và ngày càng trở nên quan trọng. Hiện nay, khung pháp luật quốc tế về quyền con người được tập hợp từ các văn kiện mang tính chất toàn cầu và các văn kiện mang tính chất khu vực, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Hiến chương Liên Hợp quốc – văn kiện nền tảng của Luật nhân quyền quốc tế
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, mục tiêu bảo vệ quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp quốc ngày 26/6/1945. Bao gồm 111 điều, chia thành 19 chương, có hiệu lực từ ngày 24/10/1945, văn kiện này được coi là bản Hiến pháp của luật quốc tế hiện đại và là văn bản quốc tế đầu tiên trải qua hơn 70 năm thử thách vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý và các ý nghĩa xã hội, trong đó có các điều khoản về bảo vệ và thực hiện quyền con người cho tất cả mọi người” (human rights for all). Mặc dù quyền con người không phải là chủ đề duy nhất của Hiến chương Liên Hợp quốc, tuy nhiên, văn kiện này đã đặt nền móng đầu tiên cho việc thiết lập một cơ chế pháp lý quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thế giới. Lời mở đầu của Hiến chương khẳng định ý chí của các dân tộc trong Tổ chức Liên Hợp quốc là: “tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, quyền bình đẳng giữa các nước lớn và nhỏ”.
Ý chí này đã được cụ thể hóa trong mục tiêu và phương châm hoạt động của tổ chức này, như Điều 1 của Hiến chương quy định ba mục tiêu cơ bản của Liên Hợp quốc, trong đó trực tiếp khẳng định: “Tăng cường sự hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá hoặc các vấn đề nhân đạo, thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.
Thứ hai, Bộ luật nhân quyền quốc tế – xương sống của Luật nhân quyền quốc tế
Bộ luật nhân quyền quốc tế (the International Bill of Human Rights) là thuật ngữ chỉ tập hợp ba văn kiện quốc tế cơ bản trên lĩnh vực này, trong đó bao gồm: Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 (UDHR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) – hai công ước này cũng được Đại Hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1966). Ngoài ra, các nghị định thư bổ sung của hai công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 cũng là những bộ phận cấu thành của Bộ luật này.
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người đã ghi nhận những chuẩn mực, nguyên tắc cơ bản nền tảng cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trên cơ sở đó, cộng đồng quốc tế cùng nhau thỏa thuận và xây dựng những công ước quốc tế về quyền con người mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia thành viên. Hai công ước quốc tế năm 1966 được cộng đồng quốc tế xây dựng một cách phù hợp với tư tưởng và các nguyên tắc cơ bản của Tuyên ngôn, bên cạnh đó cũng chi tiết và cụ thể hóa những quy định nhằm bảo vệ quyền con người trong từng lĩnh vực khác nhau như: dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Thứ ba, các văn kiện mang tính cốt lõi và phổ quát về quyền con người
Đầu tiên, các văn kiện cốt lõi về quyền con người là các văn kiện nhằm cụ hóa và bổ sung các quy định của Bộ luật nhân quyền quốc tế, Liên Hợp quốc đã thông qua nhiều điều ước và văn kiện quốc tế khác về quyền con người. Hệ thống các văn kiện cốt lõi về quyền con người đề cập đến các quyền và tự do cơ bản (ICCPR và ICESCR) của mọi cá nhân, các quyền đặc thù của một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người tị nạn, người không quốc tịch, người lao động di trú, người thiểu số…) và một loạt vấn đề khác có liên quan như xoá bỏ sự phân biệt đối xử về chủng tộc, xoá bỏ chế độ nô lệ và các thực trạng như nô lệ, xóa bỏ hình phạt tử hình, xoái bỏ tra tấn, xoá bỏ lao động cưỡng bức,….
Bên cạnh đó, là các văn kiện phổ quát về quyền con người, được xuất phát từ sự đa dạng trong các nhu cầu cơ bản của con người nên ngoài Bộ luật nhân quyền quốc tế và các văn kiện cốt lõi về quyền con người do Đại Hội đồng Liên Hợp quốc thông qua, một số cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc, tiêu biểu là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đã thông qua hàng loạt các văn kiện quốc tế mang tính phổ quát về quyền con người, điều chỉnh hơn 20 chủ đề khác nhau liên quan đến các khía cạnh của quyền con người. Xét về mặt nội dung, các văn kiện phổ quát về quyền con người đã quy định các chuẩn mực về quyền con người trong các lĩnh vực (quyền tự quyết, chống kỳ thị, đạo đức sinh học…), hay quyền của một nhóm người cụ thể (người thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi…).
Thứ tư, khung pháp luật quốc tế về quyền con người mang tính chất khu vực
Bên cạnh các văn kiện quốc tế mang tính chất toàn cầu, khung pháp luật quốc tế về quyền con người còn bao gồm hệ thống các văn kiện mang tính chất khu vực. Hệ thống này làm hài hòa các quy định của Luật nhân quyền quốc gia và Luật nhân quyền quốc tế thông qua việc bổ sung các quy định để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người với xu hướng gần gũi hơn với các quan niệm về văn hóa và tín ngưỡng của quốc gia trong khu vực đó.
Đầu tiên, các văn kiện về quyền con người ở châu Âu. Hệ thống quyền con người ở châu Âu có ba bậc lần lượt là: Hệ thống của Ủy ban châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và của Liên minh châu Âu (EU). Đây là hệ thống mang tính khu vực phức tạp nhất vì được phát triển do phản ứng lại với việc vi phạm quyền con người sâu sắc diễn ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Các văn kiện về quyền con người của châu Âu bao gồm: Công ước về bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản (1950) và 14 Nghị định thư bổ sung; Hiến chương Xã hội châu Âu (1961) sửa đổi năm 1991 và 1996 và các Nghị định thư bổ sung năm 1988 và 1995; Công ước châu Âu về ngăn ngừa tra tấn và các hình thức đối xử hạ nhục và phi nhân tính khác (1987); Đạo luật cuối cùng của Helsinki (1975); Hiến chương Paris về châu Âu mới (1990); Hiến chương châu Âu về các ngôn ngữ khu vực và thiểu số (1992); Công ước Khung về bảo vệ các quốc gia thiểu số (1994); Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (2000).
Thứ hai, hệ thống văn kiện về quyền con người khu vực liên Mỹ. Được bắt đầu từ Tuyên ngôn châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người được thông qua năm 1948 cùng với Hiến chương của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS). Ủy ban liên Mỹ về quyền con người do OAS sáng lập năm 1959 với 7 thành viên là cơ quan chính của hệ thống. Sau đó, các văn kiện về quyền con người ở châu Mỹ ngày càng phát triển với các văn kiện tiêu biểu như: Tuyên ngôn châu Mỹ về quyền và nghĩa vụ của con người (1948); Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ (1959); Công ước châu Mỹ về quyền con người (1969);
Thứ ba, các văn kiện về quyền con người ở châu Phi. Hệ thống các văn kiện về quyền con người của châu Phi được thiết lập từ năm 1981 với việc thông qua Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc, có hiệu lực từ năm 1986. Hiến chương thành lập Ủy ban châu Phi về quyền con người bao gồm 11 thành viên, đặt trụ sở ở Gambia. Ngày nay, tất cả 53 quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi (AU), tổ chức thay thế cho Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) từ năm 2001, đều đã phê chuẩn Hiến chương châu Phi. Hệ thống các văn kiện về quyền con người của châu Phi bao gồm: Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc (1981); Ủy ban châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc (1987); Nghị định thư thành lập Toà án quyền con người và quyền các dân tộc châu Phi (1997); Nghị định thư về quyền phụ nữ (2003).
Ngoài ra, còn một số khu vực khác cũng có những văn kiện riêng biệt như: Đối với các nước Hồi giáo, cần phải đề cập đến “Tuyên ngôn Cairo về quyền con người ở các nước Hồi giáo” năm 1990 do các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo soạn thảo nhưng chưa chính thức được thông qua; tại châu Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thành lập Ủy ban Liên chính phủ về quyền con người (AICHR) vào năm 2009.
Như vậy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản kể trên đã tạo ra khung pháp luật quốc tế về quyền con người. Đây là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống các văn kiện quốc tế và các cơ chế hành động của Liên Hợp quốc, các quốc gia và khu vực trên lĩnh vực quyền con người. Đồng thời, kêu gọi tất cả các quốc gia hành động, phối hợp với Liên Hợp quốc để đạt được việc tôn trọng và thực hiện quyền con người trên toàn thế giới. Việc bảo đảm quyền con người nói chung, và bảo đảm quyền con người trước những tác động của ứng dụng công nghệ sinh học nói riêng trước hết phải lấy nền tảng và cơ sở từ hệ thống pháp luật nhân quyền quốc tế này.