Cơ quan thuế kiểm tra doanh nghiệp nộp thuế trong trường hợp nào? Quyền kiểm tra đột xuất doanh nghiệp của công an? Công an kinh tế có quyền dừng xe kiểm tra hành chính không? Đoàn thanh tra môi trường kiểm tra doanh nghiệp? Thẩm quyền của công an kinh tế và quản lý môi trường?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp: Tôi có nhận được điện thoại của công an kinh tế huyện thông báo muốn kiểm tra doanh nghiệp của tôi vào 03 ngày tới. Công ty của tôi chỉ sản xuất cơ khí nhỏ. Vậy xin hỏi luật sư, – Công an có quyền kiểm tra doanh nghiệp của tôi như vậy không? – Có quyền kiểm tra những vấn đề gì? xin chân thành cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Kiểm tra doanh nghiệp là hoạt động xem xét, xác minh, làm rõ và kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ hoặc đột xuất theo căn cứ, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định về việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được thành lập chủ yếu là để kinh doanh, vì thế trước hết phải chịu sự kiểm tra liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng và trong các lĩnh vực khác như lao động, vệ sinh môi trường… và mỗi một lĩnh vực kiểm tra thì thuộc thẩm quyền kiểm tra của một cơ quan nhất định như kiểm tra thuế phải là Chi cục thuế, kiểm tra về vốn lưu động thuộc sở kế hoạch đầu tư…
Điều 15 Luật công an nhân dân 2014 có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của công an nhân dân như sau:
“ 6. Thực hiện quản lý về công tác điều tra và phòng, chống tội phạm. Chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, bạo loạn và giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố, điều tra tội phạm theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác thống kê hình sự; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và kiến nghị biện pháp khắc phục; giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng theo quy định của pháp luật”.
Cơ quan công an được kiểm tra, tiếp cận sổ sách tài chính, báo cáo tài chính, thuế của doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 28/2014/TT-BCA, theo đó trong trường hợp doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc có tin tố giác về tội phạm liên quan đến doanh nghiệp thì lực lượng cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cảnh sát phòng chống ma túy có quyền kiểm tra sổ sách, hồ sơ, chứng từ, tài liệu của các doanh nghiệp.Vì vậy Công an có quyền tiến hành kiểm tra doanh nghiệp của bạn. Về lĩnh vực kiểm tra thì công an kinh tế xuống kiểm tra có rất nhiều trường hợp có thể xảy ra như có thể là có đơn tố cáo công ty bạn trong làm ăn hoặc công ty bạn ký kết hợp đồng với một đối tác có vấn đề… tuy nhiên vấn đề kiểm tra sẽ được ghi rõ trong quyết định của Thủ trưởng đơn vị.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định các cơ quan Nhà nước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp phải theo đúng chức năng, thẩm quyền, thủ tục do pháp luật quy định và phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp.
Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường). Nghiêm cấm việc tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mà không có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tự ý mở rộng đối tượng, phạm vi thanh tra, kiểm tra; sử dụng các loại giấy tờ khống chỉ hoặc vi phạm các quy định khác về thủ tục thanh tra, kiểm tra.
Mục lục bài viết
- 1 1. Cơ quan thuế kiểm tra doanh nghiệp nộp thuế trong trường hợp nào?
- 2 2. Quyền kiểm tra đột xuất doanh nghiệp của công an:
- 3 3. Công an kinh tế có quyền dừng xe kiểm tra hành chính không?
- 4 4. Đoàn thanh tra môi trường kiểm tra doanh nghiệp:
- 5 5. Thẩm quyền của công an kinh tế và quản lý môi trường:
1. Cơ quan thuế kiểm tra doanh nghiệp nộp thuế trong trường hợp nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi muốn hỏi cơ quan thuế có quyền kiểm tra doanh nghiệp trong những trường hợp nào?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định Điều 61 Thông tư tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính, Cơ quan thuế kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế trong trường hợp sau:
1. Người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu theo thông báo của cơ quan thuế; không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng; hoặc cơ quan thuế không đủ căn cứ để ấn định số thuế phải nộp theo
2. Kiểm tra đối với trường hợp qua phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
3. Kiểm tra đối với các trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau và kiểm tra sau hoàn thuế theo quy định.
4. Kiểm tra đối với các trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề.
5. Kiểm tra đối với các đối tượng chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, cổ phần hoá, đóng mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
2. Quyền kiểm tra đột xuất doanh nghiệp của công an:
Tóm tắt câu hỏi:
Tự dưng doanh nghiệp tôi đang hoạt động bình thường, Công an đến kiểm tra vốn lưu động, tài chính, thuế, tôi có hỏi sở kế hoạch đầu tư có yêu cầu công an đến kiểm tra hay không nhưng Sở trả lời là không và mọi hoạt động của công ty không vi phạm pháp luật gì? Luật sư cho tôi hỏi, Công an có được quyền kiểm tra vốn lưu động, tài chính,thuế của doanh nghiệp tôi không? Và nếu được kiểm tra thì Công an nào có quyền kiểm tra?
Luật sư tư vấn:
Doanh nghiệp được thành lập chủ yếu là để kinh doanh, vì thế trước hết phải chịu sự kiểm tra liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng và trong các lĩnh vực khác như lao động, vệ sinh môi trường… như kiểm tra thuế phải là Chi cục thuế, kiểm tra về vốn lưu động thuộc sở kế hoạch đầu tư…
Cơ quan công an được kiểm tra, tiếp cận sổ sách tài chính, báo cáo tài chính, thuế của doanh nghiệp theo quy định tại Pháp lệnh 24/2004 về Tổ chức điều tra hình sự và Thông tư số 28/2014/TT-BCA, theo đó thẩm quyền này thuộc về Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lí kinh tế và chức vụ trong quá trình điều tra hình sự.
Trong trường hợp doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc có tin tố giác về tội phạm liên quan đến doanh nghiệp thì lực lượng cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cảnh sát phòng chống ma túy có quyền kiểm tra sổ sách, hồ sơ, chứng từ, tài liệu của các doanh nghiệp.Vì vậy chỉ khi nhận được tin tố giác về tội phạm về ví dụ như trốn thuế hay mở công ty kinh doanh một lĩnh vực nhưng lại đăng kí một lĩnh vực thì Công an mới được quyền kiểm tra chứ bình thường không phải thẩm quyền của mình.
Theo Điều 89 Luật doanh nghiệp 2005 quy định về kiểm toán, thanh tra hoạt động kinh doanh của công ty nhà nước:
“1. Báo cáo tài chính hàng năm của công ty nhà nước phải được kiểm toán; chế độ kiểm toán được thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm toán.
2. Cơ quan thanh tra thực hiện việc thanh tra hoạt động kinh doanh của công ty nhà nước theo đúng chức năng, thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về thanh tra.
Việc thanh tra về cùng một vụ việc được thực hiện không quá một lần trong một năm đối với một công ty nhà nước. Thời hạn thanh tra không quá ba mươi ngày; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh tra được gia hạn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không được quá ba mươi ngày.
Việc thanh tra bất thường chỉ được thực hiện khi có căn cứ về sự vi phạm pháp luật của công ty.
Khi tiến hành thanh tra phải có quyết định của người có thẩm quyền; khi kết thúc thanh tra phải có biên bản, kết luận thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra chịu trách nhiệm về nội dung biên bản và kết luận thanh tra.
Người ra quyết định thanh tra không đúng pháp luật hoặc lợi dụng việc thanh tra để vụ lợi, sách nhiễu, gây phiền hà cho hoạt động của công ty thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, nếu doanh nghiệp bạn đang hoạt động bình thường, hỏi sở kế hoạch đầu tư không có yêu cầu kiểm tra và doanh nghiệp không có vi phạm pháp luật gì thì có việc kiểm tra vô lý do về vốn lưu động, tài chính, thuế công an với doanh nghiệp thì không được phép. Nếu lợi dụng việc thanh tra gây phiên hà cho hoạt động doanh nghiệp thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự .
3. Công an kinh tế có quyền dừng xe kiểm tra hành chính không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào anh/chị! Em xin hỏi là công an kinh tế có quyền dừng xe đang lưu thông trên đường (không vi phạm Luật giao thông đường bộ) để kiểm tra hàng hóa trong xe không? Em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo như bạn trình bày, bạn bị công an kinh tế dừng xe khi đang lưu thông trên đường. Tuy nhiên bạn chưa nói rõ chiến sĩ công an kinh tế này thuộc Bộ Công an hay thuộc Phòng cảnh sát điều tra của cơ quan công an cấp tỉnh.
Điều 9 Thông tư 28/2014/TT-BCA quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ như sau:
“1. Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì xây dựng kế hoạch giải quyết báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì sau khi tiếp nhận chuyển ngay cho cơ quan, đơn vị điều tra có thẩm quyền kèm theo các tài liệu có liên quan (nếu có). Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, thu thập tài liệu, chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.
Định kỳ hàng tháng, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
2. Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XVI, Mục B Chương XXI, các điều 139, 140, 141, 142, 143, 144, 145 Chương XIV (trong trường hợp đối tượng lợi dụng tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế để phạm tội) và Điều 251 “Bộ luật hình sự năm 2015” thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an do trực tiếp phát hiện thông qua đấu tranh chuyên án hoặc trong các chuyên án của phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an cấp tỉnh chuyển lên do gặp khó khăn trong việc phá án.
3. Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định vụ án hình sự theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
4. Theo dõi, chỉ đạo giải quyết các chuyên án, vụ án hình sự chưa rõ đối tượng phạm tội do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh (phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) xin ý kiến.”
Điều 15 Thông tư 28/2014/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ trong hoạt động điều tra hình sự:
“1. Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì xây dựng kế hoạch giải quyết báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh ra quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì sau khi tiếp nhận chuyển ngay cho cơ quan, đơn vị điều tra có thẩm quyền kèm theo các tài liệu có liên quan (nếu có). Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay hành vi phạm tội, thu thập tài liệu, chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì phải có biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.
Định kỳ hàng tháng, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
2. Tiến hành điều tra các vụ án hình sự chưa rõ đối tượng phạm tội và các vụ án hình sự đã rõ đối tượng phạm tội do tự phát hiện về các tội phạm quy định tại Chương XVI, Chương XXI, các điều 139, 140, 141, 142, 143, 144, 145 Chương XIV (trong trường hợp đối tượng phạm tội lợi dụng tư cách pháp nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng việc ký kết hợp đồng kinh tế để phạm tội) của “Bộ luật hình sự năm 2015” khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh; các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) nhưng Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh xét thấy cần trực tiếp điều tra.
3. Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định vụ án hình sự theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh.
4. Theo dõi, chỉ đạo giải quyết các chuyên án, vụ án chưa rõ đối tượng phạm tội do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện (đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) xin ý kiến.”
Mặt khác, Điều 11 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về việc Huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp tuần tra, kiểm soát như sau:
“Trường hợp cần thiết phải huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 của Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết và Thông tư số 47/2011/TT-BCA ngày 02/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của
Như vậy, theo quy định của Thông tư 28/2014/TT-BCA thì cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ có nhiệm vụ, quyền hạn điều tra các vụ án hình sự về tội phạm về chức vụ, tội phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường theo quy định của Bộ luật hình sự. Do đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cảnh sát điều tra tội phạm có quyền tiến hành các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh để xem có phạm tội hay không? Khi cần thiết, vẫn có thể yêu cầu lực lượng công an kinh tế tham gia vào quá trình tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông.
Do đó, công an kinh tế có quyền dừng xe bạn đang lưu thông trên đường để kiểm tra hành chính về nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn, chứng từ mang theo,…
4. Đoàn thanh tra môi trường kiểm tra doanh nghiệp:
Tóm tắt câu hỏi:
Chú ơi cho cháu hỏi: Khi đoàn thanh tra môi trường đến kiểm tra doanh nghiệp thì họ kiểm tra các thủ tục nào liên quan đến doanh nghiệp ạ. Mong chú giúp cháu và sớm hồi đáp ạ. Cảm ơn chú?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 118 Nghị định 35/2009/NĐ-CP về nội dung hoạt động thanh tra tài nguyên môi trường:
“1. Thanh tra hành chính:
a) Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Thủ trưởng cùng cấp;
b) Nội dung, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra hành chính thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra.
2. Thanh tra chuyên ngành:
Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong phạm vi quản lý nhà nước của Thủ trưởng cùng cấp đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tài nguyên và môi trường, bao gồm:
a) Đất đai;
b) Tài nguyên nước;
c) Tài nguyên khoáng sản, địa chất;
d) Môi trường;
… “
Đồng thời, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 35/2009/NĐ-CP về hình thức thanh tra:
“1. Hoạt động thanh tra được thực hiện dưới hình thức thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất.
2. Thanh tra theo chương trình kế hoạch được tiến hành theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
3. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.”
Luật sư
Có thể thấy, việc công ty bạn có thanh tra môi trường tới kiểm tra thì nếu là kiểm tra theo định kỳ, thì cơ quan này sẽ gửi thông báo tới công ty bạn trong đó có ghi toàn bộ nội dun, tiến trình của cuộc kiểm tra để căn cứ vào đó công ty bạn có thể chuẩn bị sẵn giấy tờ, tài liệu. Đối với trường hợp thanh tra đột xuất thì việc thanh tra này sẽ được tiến hành theo quyết định kiểm tra của thủ trưởng đơn vị thanh tra đó, nội dung kiểm tra cũng nằm trong quyết định. Vậy, nếu bạn muốn biết nội dung kiểm tra những gì thì có thể căn cứ vào các giấy tờ trên, và thanh tra chỉ giới hạn trong phạm vi quản lý của cơ quan này.
5. Thẩm quyền của công an kinh tế và quản lý môi trường:
Tóm tắt câu hỏi:
Gửi các luật sư! Hiện nay chỗ em làm việc là đăng kí kinh doanh hộ gia đình về lĩnh vực sản xuất nội thất giáo dục (liên quan bàn ghế, tủ và số ít đồ chơi ngoài trời bằng composite còn lại chủ yếu bằng gỗ..) Vậy cho em hỏi khi công an kinh tế, công an môi trường đến kiểm tra cơ sở em phải xuất trình những loại giấy tờ gì tránh bị phạt hành chính ạ. Em xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Trước hết là về thẩm quyền của Công an kinh tế và quản lý môi trường. Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của Công an nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
-Phạt cảnh cáo;
-Phạt tiền;
–Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền;
-Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
-Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm.
Cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chỉ phạt vi phạm hành chính cơ sở kinh doanh của hộ gia đình bạn khi có vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 155/2016/NĐ-CP:
“2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này bao gồm:
a) Các hành vi vi phạm các quy định về
b) Các hành vi gây ô nhiễm môi trường;
c) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải;
d) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung);
đ) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản;
e) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;
g) Các hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học bao gồm: Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền;
h) Các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này.”
Như vậy, khi có Công an kinh tế, Công an môi trường đến cơ sở sản xuất của hộ gia đình bạn thì bạn cần cung cấp:
– Giấy đăng ký kinh doanh;
– Giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của gỗ;
– Nội quy, quy định của cơ sở liên quan đến phòng chống cháy nổ.
-Các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh;
Công an kinh tế, Công an môi trường có thẩm quyền thanh, kiểm tra dưới hình thức thanh tra đột xuất mà không cần thông báo đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể tiến hành kiểm tra công ty của bạn đoàn kiểm tra phải đưa ra căn cứ rõ ràng và phải công bố quyết định thanh tra do người có thẩm quyền ký. Bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng có quyền kiểm tra định kỳ theo quy định pháp luật.