Thu hồi đất nông nghiệp là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất nông nghiệp của người đang sử dụng đất. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi với đất nông nghiệp?
Mục lục bài viết
- 1 1. Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi với đất nông nghiệp?
- 2 2. Những trường nhà nước thu hồi đất nông nghiệp:
- 2.1 2.1. Thu hồi đất nông nghiệp vì mục đích quốc phòng, an ninh:
- 2.2 2.2. Thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
- 2.3 2.3. Thu hồi đất nông nghiệp vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
- 2.4 2.4. Thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật về đất đai:
- 2.5 2.5. Thu hồi đất nông nghiệp do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người:
1. Cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi với đất nông nghiệp?
Căn cứ Điều 66 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền thu hồi đất, theo quy định này thì những cơ quan sau đây có thẩm quyền thu hồi với đất nông nghiệp:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất nông nghiệp trong các trường hợp sau đây:
+ Thu hồi đất nông nghiệp đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
+ Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Lưu ý rằng, trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định thuộc thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất nông nghiệp.
Như vậy, ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) và ủy ban nhân dân cấp huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp theo các trường hợp pháp luật quy định.
2. Những trường nhà nước thu hồi đất nông nghiệp:
Căn cứ Điều 16 Luật Đất đai 2013 quy định những trường hợp Nhà nước quyết định thu hồi đất, theo quy định này Nhà nước quyết định thu hồi đất nông nghiệp trong những trường hợp sau:
2.1. Thu hồi đất nông nghiệp vì mục đích quốc phòng, an ninh:
Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp vì mục đích quốc phòng, an ninh trong các trường hợp quy định tại Điều 61 Luật Đất đai 2013 sau đây:
– Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;
– Xây dựng căn cứ quân sự;
– Xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;
– Xây dựng ga, cảng quân sự;
– Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;
– Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;
– Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;
– Xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân;
– Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;
– Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
2.2. Thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
Căn cứ Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:
– Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất nông nghiệp;
– Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất nông nghiệp, bao gồm:
+ Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; các khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
+ Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương;
+ Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc…;
– Công trình thu gom, xử lý chất thải;
– Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất nông nghiệp bao gồm:
+ Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
+ Công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường….;
+ Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước…;
+ Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư;
– Dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ;
– Xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; khu nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
– Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn;
– Dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
– Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.
2.3. Thu hồi đất nông nghiệp vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
Tại Điều 63 Luật Đất đai 2013 quy định về việc thu hồi đất nông nghiệp vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải dựa trên các căn cứ sau đây:
– Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng;
– Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.
2.4. Thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật về đất đai:
Căn cứ Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, theo đó các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm:
– Sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm (ví dụ, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp mà không xị phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên đất ở và đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm…);
– Người sử dụng đất nông nghiệp cố ý hủy hoại đất;
– Đất nông nghiệp được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
– Đất nông nghiệp không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
– Đất nông nhiệp được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
– Người sử dụng đất nông nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
– Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục;
– Đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng mà không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.
2.5. Thu hồi đất nông nghiệp do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người:
Căn cứ Điều 65 Luật Đất đai 2013 thì những trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất nông nghiệp theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người như sau:
– Tổ chức được Nhà nước giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, phải chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
– Người sử dụng đất nông nghiệp thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc là không còn nhu cầu sử dụng đất;
– Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp chết mà không có người thừa kế;
– Người sử dụng đất nông nghiệp tự nguyện trả lại đất;
– Đất nông nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;
– Đất nông nghiệp ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;
– Đất nông nghiệp có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.
Lưu ý rằng, việc thu hồi đất nông nghiệp do chấm dứt việc sử dụng đất nông nghiệp theo pháp luật, tự nguyện trả đất hoặc việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa tính mạng con người phải dựa trên một trong các căn cứ sau tùy vào từng trường hợp cụ thể:
– Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật;
– Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết;
– Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất;
– Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất;
– Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định về mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013.