Hòa giải tranh chấp đất đai được xem là phương pháp hữu hiệu để giảm thiểu và ngăn chặn các tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài phát sinh. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai?
Mục lục bài viết
1. Cơ quan nào có thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai?
1.1. Hòa giải tranh chấp đất đai là gì?
Hòa giải tranh chấp đất đai là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên khi có tranh chấp về đất đai hoặc nhờ sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung lập để hòa giải giữa các bên nhằm mục đích giải quyết những bất đồng và đạt được những thỏa thuận theo quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Hòa giải là nội dung quan trọng, cần thiết và không thể thiếu trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai nói chung và trong giải quyết về tranh chấp đất đai nói riêng. Hòa giải không phải là hoạt động tự phát, tự do lựa chọn của đương sự mà là hoạt động bắt buộc, trở thành yêu cầu không thể thiếu mà các đương sự và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành khi có tranh chấp đất đai xảy ra. Hoạt động này được pháp luật quy định cụ thể.
Khi phát sinh tranh chấp đất đai, Nhà nước luôn khuyến khích các bên tự hòa giải, hoặc thực hiện hòa giải tại cơ sở. Tuy nhiên có những tranh chấp pháp luật bắt buộc phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã đó là tranh chấp về người có quyền sử dụng đất. Còn các tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,…thì không bắt buộc phải hòa giải trước khi thực hiện khởi kiện ra Tòa, tuy nhiên Nhà nước luôn khuyến khích các bên tự hòa giải với nhau.
1.2. Cơ quan có thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai:
Khi thực hiện việc hòa giải bắt buộc tại UBND xã thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp này là Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Ngoài ra, việc hòa giải còn có thể thực hiện bởi hòa giải viên tại cơ sở ở làng, ở xóm…
2. Thủ tục, thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai:
Bước 1: Các bên nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND xã nơi có đất tranh chấp.
Bước 2: Khi nhận được đơn Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
+ Thực hiện việc xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.
+ Thực hiện việc thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.Gồm:
++ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng;
++ Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn;
++ Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị;
++ Trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn;
++ Cán bộ địa chính
++ Và một ố chức danh khác
+ Thực hiện tổ chức cuộc họp hòa giải với sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
Bước 3: Tiến hành hòa giải và lập biên bản hòa giải thành hoặc biên bản hòa giải không thành
– Trường hợp hòa giải thành:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành nếu các bên không đồng ý với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thì sẽ lập một văn bản nêu ý kiến bổ sung của mình gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định để tiến hành việc giải quyết.
– Trường hợp hòa giải không thành:
Trường hợp hòa giải không thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.
Như vậy, việc hòa giải thành hay không thành đều phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai phải có các nội dung sau:
+ Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải;
+ Thành phần tham dự hòa giải;
+ Tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu);
+ Ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
+ Những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.
– Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã
– Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
– Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau đến Phòng Tài nguyên và Môi trường; đối với các trường hợp khác thì gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường.
– Bộ Tài chính quy định rõ về kinh phí cho hòa giải tranh chấp đất đai.
Thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
3. Ý nghĩa của hòa giải tranh chấp đất đai:
– Mục tiêu quan trọng nhất của hòa giải tranh chấp đất đai là nhằm tăng tỷ lệ hòa giải thành, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, tỷ lệ hòa giải thành cao sẽ góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng khiếu nại đến Tòa án nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan nhà nước và công dân.
– Trên thực tế khi các mâu thuẫn, tranh chấp đất đã và đang không ngừng tăng lên trong các cộng đồng dân cư thì việc cần làm cấp thiết của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực này là nâng cao vị thế, vai trò và mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi một khi hoạt động hòa giải được áp dụng rộng rãi sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là nhiều mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, xã hội được giải quyết. Gánh nặng trong việc thực hiện các công việc để giải quyết các tranh chấp của cơ quan chức năng nhà nước được giải tỏa. Đây chính là mục đích mà không những các cơ quan chức năng nhà nước hướng đến mà còn nhân dân, đặc biệt là những đương sự tham gia tranh chấp cũng được hưởng lợi rất nhiều.
– Các quy định về hòa giải tranh chấp đất đai cho phép nhà nước tham gia vào hoạt động này. Trong bất kỳ xã hội nào sự tham gia quản lý, điều hành của nhà nước đều đóng vai trò quan trọng và then chốt góp phần ổn định trật tự xã hội và phát triển đất nước.
– Xu hướng các tranh chấp gia tăng, mâu thuẫn, bất đồng ngày càng lớn là nguyên nhân của sự bất ổn định trật tự, xã hội. Thực tế cho thấy, tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp xảy ra phổ biến và rất phức tạp. Rất khó để hạn chế tranh chấp, mà khi tranh chấp xảy ra rồi thì làm thế nào để hòa giải nó là vấn đề được nhiều cấp chính quyền quan tâm. Những tranh chấp đất đai xảy ra ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Vì vậy, hòa giải tranh chấp đất đai là biện pháp giải quyết tranh chấp đất đai một cách mềm dẻo, linh hoạt vừa giải thích được cho các bên tranh chấp hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, vừa là bước đầu tìm hiểu nội dung tranh chấp của các bên, hướng các bên đi đúng hướng, đúng với nguyện vọng và yêu cầu của các bên tranh chấp; đồng thời giảm tải cho các cơ quan liên quan trong việc giải quyết tiếp theo.
Do đó, hòa giải tranh chấp đất đai là lựa chọn cần thiết và quan trọng trong tiến trình giải quyết tranh chấp của các bên. Hòa giải tranh chấp đất đai có lợi cho xã hội vì tạo bình yên trong cuộc sống vì về nguyên tắc, hòa giải coi như tất cả cùng thắng, có lợi cho các bên tranh chấp đất đai về cả tinh thần và vật chất. Để hòa nhập với pháp luật thế giới, xuất phát từ truyền thống lâu đời của dân tộc và thực tiễn xét xử các tranh chấp đất đai, việc quy định hòa giải trong tranh chấp đất đai đã trở thành một yêu cầu tất yếu, khách quan và là một vấn đề cần được quan tâm và hoàn thiện hơn nữa.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Nghị định 43/2014/NĐ – CP hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai.